Ngày hôm qua, thông tin Quỳnh Búp Bê bị tạm dừng phát sóng trên VTV1 khiến nhiều khán giả xôn xao bàn tán. Luồng dư luận chia làm hai chiều, một bên cảm thấy tiếc nuối vì một bộ phim đáng xem như Quỳnh Búp Bê lại bị ngừng phát sóng; một bên lại ủng hộ quyết định này của nhà đài vì cho rằng phim quá nhạy cảm, không phù hợp để chiếu trên giờ vàng.
Có thể nhận thấy được độ tuổi của hai luồng ý kiến thông qua cách mà họ bình luận. Nhóm "thương tiếc" bộ phim có độ tuổi trẻ, là những người yêu thích bộ phim vì cách khai thác trực diện một vấn đề gai góc trong xã hội. Nhóm "bài trừ" bộ phim gần như là những bậc phụ huynh, những người xem truyền hình thường xuyên và lo sợ con mình sẽ xem trúng những chi tiết nhạy cảm của phim khi bật tivi. Ai cũng có lý do và cơ sở để thuyết phục.
Vậy, quyết định tạm dừng phát sóng bộ phim của nhà đài vào lúc này liệu có phải là giải pháp đúng đắn? Thật sự rất khó trả lời vì dừng hay tiếp tục phát sóng đều không thể thoả được cả vấn đề về văn hoá nghe nhìn và đặc thù của phim ảnh cùng một lúc, vì nước ta vẫn chưa có quy định rõ ràng về phân loại nội dung theo độ tuổi trên truyền hình.
Khi Quỳnh Búp Bê mới phát sóng, rất nhiều khán giả cho rằng việc bộ phim được chiếu trên VTV1 vào khung giờ vàng (21h40) là một lựa chọn sai trái vì trẻ em có thể xem bộ phim và đó là một việc không hay vì nội dung nhạy cảm, nhất là khi phim còn không có khuyến cáo hay cảnh báo về nội dung. Đáp lại phản hồi gay gắt này, nhà đài đã cho xuất hiện một đoạn khuyến cáo trước tập 3 của phim.
Tuy nhiên, mẫu khuyến cáo này ngay lập tức bị chỉ trích vì có nhiều bất cập. Nếu nội dung, hình ảnh không phù hợp với khán giả dưới 18 tuổi tức là đối tượng này không được phép xem, trong khi nhà đài lại khuyến cáo về việc có thể xem cùng phụ huynh. Thế là vì chính mẫu khuyến cáo mâu thuẫn này mà ý kiến tiêu cực càng thêm tiêu cực.
Trong khi phim điện ảnh đã có bảng phân loại khá cụ thể về C13, C16 và C18 khá rõ ràng và áp dụng từ đầu năm 2017 thì mảng tryền hình vẫn còn rất mông lung. Ở nước ngoài, các chương trình phát trên truyền hình đều được phân chia rất rõ ràng và chi tiết từ nội dung phù hợp cho mọi trẻ em; cho trẻ em từ 7 tuổi trở lên, từ 14 tuổi trở lên và bố mẹ nên cân nhắc; bố mẹ phải xem cùng trẻ; nội dung không dành cho trẻ em cho đến cả những khuyến cáo về chương trình có mang yếu tố kì bí.
Trong khi đó, những quy định ở nước ta còn khá chung chung và mơ hồ, dẫn đến những bất cập như Quỳnh Búp Bê là có thể hiểu được. Nội dung thế nào là không dành cho trẻ em, thế nào là không phù hợp với khán giả dưới 18 tuổi, thế nào là nên có sự giám sát của phụ huynh dường như đều phải do các đài tự... đoán và thực thi.
Nếu nói về chất lượng phim, không phải tự dưng mà có nhiều người muốn "bảo vệ" Quỳnh Búp Bê. Nếu có theo dõi phim ảnh nước nhà đủ lâu, bạn sẽ thấy được sự giới hạn của chúng trên sóng truyền hình. Những chủ đề gai góc như nạn mại dâm của Quỳnh Búp Bê dường như luôn là lĩnh vực tối kị không nên đụng vào. Thế nhưng phim truyền hình Việt một năm qua đã đổi khác rất nhiều từ cách chọn chủ đề, kịch bản cho đến việc hãng phim/nhà đài luôn lắng nghe khán giả để thay đổi. Đây là một dấu hiệu đáng mừng và Người Phán Xử hay Sống Chung Với Mẹ Chồng, Thương Nhớ Ở Ai... đã chứng minh điều đó.
Khi khán giả, nhất là những khán giả trẻ, đã mở lòng trở lại với phim nội địa thì cũng là lúc các nhà làm phim cũng nên được cho một không gian thoải mái hơn để sáng tạo. Mộng Phù Hoa hay Quỳnh Búp Bê chính là minh chứng cho cái không gian đã được nới ra phần nào kia. Thế nhưng, giờ đây nó đã bị thu hẹp trở lại vì vấn đề về tiếp nhận văn hoá, chuẩn mực xã hội.
Các bậc phụ huynh lẫn những khán giả ủng hộ Quỳnh Búp Bê đều có lý do hợp lý để tranh luận. Thế nhưng, điểm giao thoa cần thiết nhất giữa chất lượng phim và đáp ứng yêu cầu về văn hoá xem đài chính là quy định về phân loại độ tuổi vẫn chưa rõ ràng như đã nói ở trên. Giả sử có quy định cụ thể về việc nội dung Quỳnh Búp Bê không phù hợp với khán giả dưới 18 tuổi, thay vì phát sóng vào khung 20h50 thì hãy phát khuya hơn (23h trở lên) và không phát trên kênh chuyên về thời sự như VTV1 thì có lẽ mọi chuyện đã khác.
Trailer phim "Quỳnh Búp Bê"
Trao đổi với Vũ Ngọc Đãng, đạo diễn có thâm niên làm phim truyền hình cho giới trẻ về sự việc đáng tiếc của Quỳnh Búp Bê lần này, anh cho biết: "Khi làm phim điện ảnh, tôi rất gai góc, hay thực hiện những cảnh nóng nhưng khi làm phim truyền hình thì khác, tôi luôn phải "trong sáng". Vì tôi biết văn hoá xem truyền hình ở Việt Nam như thế nào, đó là cả nhà già trẻ lớn bé cùng xem với nhau, mình không thể làm ra những nội dung quá nhạy cảm hay gây đỏ mặt cho bất cứ thành viên nào.
Nếu mọi người để ý, phim truyền hình của tôi luôn có lời thoại rất nhẹ nhàng, cảnh hôn nhau cũng không quá sâu, không có những hình ảnh bạo lực máu me để bất cứ khán giả dù ở thành thị hay thôn quê khi xem đều không bị sốc. Việt Nam vẫn chưa có phân loại rõ ràng về nội dung, độ tuổi, khung giờ phát sóng thì các nhà làm phim nên tự ý thức được và tiết chế những cảnh phim quá nhạy cảm, có thể tác động xấu đến giới trẻ.
Về trường hợp của Quỳnh Búp Bê, tôi nghĩ bộ phim không nhất thiết phải bị dừng phát sóng mà thay vào đó nên được chiếu vào một khung giờ khác, một kênh khác phù hợp hơn".
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng từng thực hiện những phim truyền hình như Tuyết Nhiệt Đới, Bỗng Dưng Muốn Khóc, Vừa Đi Vừa Khóc, Ngôi Nhà Hạnh Phúc
Nhìn nhận một cách công bằng, Quỳnh Búp Bê là một bộ phim truyền hình chất lượng, có nội dung mang tính xã hội và được đề cập trực quan, không tô hồng thực tế, nói chung là một bước tiến rất đáng kể đối với khán giả trẻ, những người vẫn tiếp nhận điện ảnh thế giới mỗi ngày. Tuy nhiên, việc bộ phim được phát sóng vào khung giờ vàng trên sóng truyền hình quốc gia cũng là một lựa chọn không đúng.
Hy vọng rằng quyết định tạm dừng phát sóng bộ phim chỉ là tạm thời. Các cơ quan chức năng sẽ sớm công bố những quy định cụ thể về việc phân loại nội dung để các nhà đài có quy chuẩn mà làm theo, rồi Quỳnh Búp Bê sẽ lại được phát sóng vào một khung giờ khác, kênh khác mà không gây ảnh hưởng xấu đến văn hoá nghe nhìn của đại chúng. Đừng để chính văn hoá lại trở thành chướng ngại vật cho sự phát triển của điện ảnh một cách đáng tiếc.