Tấm biển quảng cáo ngang đường "tiếng Anh cho trẻ sơ sinh" khiến MXH đứng hình: "Khéo đầy năm là có trong tay bằng IELTS 7.0 chứ không đùa"

An Chi, Theo Thanh niên Việt 21:16 07/05/2025
Chia sẻ

Phương pháp này áp dụng với nhóm trẻ sơ sinh thì có thật sự hiệu quả không?

Mới đây, cư dân mạng bất ngờ khựng lại trước tấm biển quảng cáo to tướng "tiếng Anh cho trẻ sơ sinh". Không phải từ 3 tuổi, không phải khi bé biết nói... mà là từ 0 tháng tuổi! Không ít phụ huynh mắt tròn xoe, miệng lẩm bẩm: "Ủa, mình còn đang phân vân 4 tuổi cho học tiếng Anh có sớm không... mà ở đây các bé còn chưa biết lật đã đi học?".

Nhiều người không khỏi "đứng hình" khi lần đầu nhìn thấy một lớp học dành cho những em bé còn đang bận... ăn sữa và ngủ xuyên ngày. Cư dân mạng thì tất nhiên không thể đứng ngoài cuộc. Những bình luận hài hước lập tức xuất hiện: "Chắc 9 tuổi có bằng 7.0 IELTS là có thật"; "Mỗi sáng súc miệng bằng part 1 Speaking, rửa tai bằng Listening"; "15 năm kinh nghiệm tiếng Anh ở tuổi lên 9. Xin cúi đầu!"...

Nhưng sau khi đi từ cười ra nước mắt, không ít người bắt đầu đặt ra câu hỏi nghiêm túc: "Cho trẻ sơ sinh học tiếng Anh liệu có hiệu quả không? Hay chỉ là trào lưu?".

Tấm biển quảng cáo ngang đường "tiếng Anh cho trẻ sơ sinh" khiến MXH đứng hình: "Khéo đầy năm là có trong tay bằng IELTS 7.0 chứ không đùa"- Ảnh 1.

Sau một hồi tìm hiểu kỹ hơn, nhiều phụ huynh mới ngỡ ngàng khi biết rằng: Đây không phải là lớp học tiếng Anh theo kiểu "bắt con học chữ cái A-B-C" từ nhỏ, mà là một phần của phương pháp giáo dục sớm.

Theo đó, từ 0 đến 6 tuổi là giai đoạn vàng để kích hoạt não phải, nơi ghi nhớ trực quan, cảm xúc, âm thanh, hình ảnh. Phương pháp này không dạy trẻ như người lớn mà tạo môi trường để ngôn ngữ "ngấm" vào tiềm thức, tương tự như cách trẻ học tiếng mẹ đẻ.

Một số kỹ thuật điển hình trong lớp học "tiếng Anh cho trẻ sơ sinh" này gồm:

- Flashcards tốc độ cao: Trẻ được xem thẻ từ vựng tiếng Anh có hình ảnh và âm thanh, được lật rất nhanh, khoảng 1 giây/thẻ để giúp não phải ghi nhớ tự nhiên, không gò bó.

- Nghe thụ động: Mỗi ngày, trẻ sẽ được nghe tiếng Anh thông qua bài hát, câu chuyện, đoạn hội thoại đơn giản. Dù chưa hiểu nghĩa, não trẻ vẫn đang ghi nhớ.

- Học qua bài hát: Những bài hát tiếng Anh vui nhộn, ngắn, nhiều nhịp điệu giúp trẻ tiếp cận ngôn ngữ một cách nhẹ nhàng và vui vẻ.

- Đọc truyện sinh động: Thay vì học ngữ pháp, trẻ sẽ được nghe truyện tranh tiếng Anh bằng giọng đọc biểu cảm, hình ảnh sinh động, khơi dậy trí tưởng tượng và ghi nhớ tự nhiên.

Có cần thiết phải cho con học sớm đến vậy?

Câu trả lời là: Không bắt buộc, nhưng có lợi nếu làm đúng cách và đúng thời điểm. Trẻ em có khả năng tiếp nhận ngôn ngữ một cách tự nhiên hơn người lớn rất nhiều. Việc cho con tiếp xúc sớm với môi trường song ngữ sẽ giúp con dễ phát âm chuẩn hơn, phản xạ ngôn ngữ tốt hơn và giảm bớt nỗi sợ học tiếng Anh sau này.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh: Không nên ép trẻ, không nên biến lớp học thành gánh nặng. Quan trọng nhất vẫn là sự đồng hành của bố mẹ.

Với những gia đình có điều kiện, việc cho con học theo phương pháp này có thể là một khởi đầu tốt. Nhưng nếu chưa đủ tài chính hoặc không tiện đưa trẻ đến trung tâm, bố mẹ vẫn có thể áp dụng ở nhà bằng những cách đơn giản như:

- Mỗi ngày mở cho bé 10-15 phút nhạc tiếng Anh nhẹ nhàng.

- Dùng flashcard tiếng Anh có hình ảnh, lật nhanh 1 giây/thẻ.

- Đọc truyện tranh tiếng Anh đơn giản như "Brown Bear, Brown Bear" hoặc "Dear Zoo".

- Luân phiên dùng tiếng Việt và tiếng Anh khi giao tiếp với con, không cần bắt con phải hiểu ngay.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày