Xót xa lời "cầu cứu" của người mẹ có con học lớp 12: Em mệt mỏi, bế tắc, lo lắng lắm rồi...

Dương, Theo Đời sống & Pháp luật 22:22 05/05/2025
Chia sẻ

Người mẹ bất lực trước những hành động của cậu con trai.

"Em mệt mỏi, bế tắc, lo lắng lắm rồi" - là lời "cầu cứu" của một phụ huynh Hà Nội trước tình hình của cậu con trai học lớp 12. Cậu bạn không chỉ trễ nải việc học hành, mà còn có dấu hiệu ăn cắp vặt, điều này khiến người mẹ vô cùng lo lắng cho tương lai của con sau này.

Cụ thể, trong một hội nhóm phụ huynh với hàng trăm ngàn lượt theo dõi, người mẹ này đã đăng tải một lời tâm sự với nội dung: "Con trai em năm nay lớp 12 sắp thi tốt nghiệp rồi. Mà mải chơi xong giờ thêm bệnh ăn cắp vặt tiền bố mẹ giấu đâu nó cũng mò được. Lúc mấy chục, lúc là trăm và giờ là triệu. Em bảo ban nặng có nhẹ có mà không sửa nổi. Hỏi nhất quyết không nhận. Mặc dù chẳng còn ai để đổ lỗi nữa. Lì kinh khủng luôn.

Em lo lắm. Giờ là ở nhà chứ ra xã hội người ta tẩn cho, rồi xã hội nào chứa chấp. Em mệt mỏi, bế tắc, lo lắng lắm rồi. Mong các bác qua cảnh này rồi cho em 1 lời khuyên ạ. Cảm ơn các bác nhiều ạ".

Xót xa lời "cầu cứu" của người mẹ có con học lớp 12: Em mệt mỏi, bế tắc, lo lắng lắm rồi...- Ảnh 1.

Người mẹ "cầu cứu" vì con không chỉ lười học mà còn ăn cắp vặt (Ảnh minh hoạ)

Câu chuyện nhanh chóng thu hút sự chú ý từ cộng đồng mạng. Nhiều người bày tỏ sự đồng cảm với hoàn cảnh mà người mẹ gặp phải, đồng thời gửi lời khuyên cho chị.

- Giải pháp đầu tiên là không để tiền mặt ở nhà (hạn chế tối đa). Rồi hỏi con bạn xem có đang chơi bài bạc hay bị ai bắt ép đưa tiền hay không, rồi lúc đó mới có phương án giải quyết tiếp. Giờ phải nắm được mục đích con cầm tiền đã.

- Mẹ cần nghiêm khắc với con nhiều hơn. Vì không chỉ lười học mà bạn này còn ăn cắp vặt - như thế là lừa cha, dối mẹ rồi.

- Mình nghĩ bạn nên có một cuộc trò chuyện rõ ràng với con, hỏi về các vấn đề của bạn (tại sao bạn lười học, gặp vấn đề gì về tiền bạc). Sau đó hai mẹ con cùng nghĩ giải pháp. Đã lười học rồi ăn cắp vặt thì sợ khó dạy bảo, uốn nắn lại con lắm bạn ạ.

- Mẹ thử cho con đi nghĩa vụ xem sao. Cho vào quân sự thì con sẽ được rèn chừa tội lì, không nghe lời cha mẹ.

Làm gì khi con cái không nghe lời cha mẹ?

Làm cha mẹ, ai cũng từng rơi vào hoàn cảnh gọi tên 5 lần 7 lượt con vẫn không trả lời, dặn trước dặn sau mà con vẫn "bỏ ngoài tai", càng mắng con càng lì lợm hơn. Vậy phải làm sao? Trước khi trách con cứng đầu, có lẽ người lớn cần bình tĩnh nhìn lại chính mình.

Dưới đây là 3 đề xuất giúp cha mẹ điều chỉnh cách giao tiếp để con hợp tác nhiều hơn:

1. Từ ra lệnh sang thoả thuận

Phần lớn cha mẹ quen với cách dạy con kiểu “nói một là phải nghe một”. Nhưng trẻ em thời nay tiếp cận thông tin sớm, có chính kiến sớm và sẽ không phục tùng nếu cảm thấy bị áp đặt.

Thay vì nói: "Con không được làm điều đó!".

Hãy thử: "Mẹ thấy việc đó có thể khiến con gặp rắc rối, con nghĩ sao nếu mình chọn cách khác?".

Câu nói chuyển từ ra lệnh sang thỏa thuận sẽ giúp con cảm thấy được tôn trọng. Khi con được góp tiếng nói vào quyết định của mình, con dễ dàng nghe theo hơn. Đừng sợ rằng “mềm là hư” - thực tế, càng có quyền lựa chọn, trẻ càng biết cân nhắc và chịu trách nhiệm.

2. Lắng nghe trước khi kỳ vọng được nghe lại

Cha mẹ thường kỳ vọng: "Con phải nghe lời bố mẹ vì bố mẹ là người lớn". Nhưng ít ai tự hỏi: "Mình đã thực sự lắng nghe con chưa?".

Nhiều đứa trẻ chọn cách im lặng, đóng cửa phòng hay phản ứng gắt gỏng vì… chúng không còn cảm thấy cha mẹ hiểu mình. Khi con nói "Con không muốn học thêm nữa", cha mẹ thường phản bác ngay: "Không học thì sau này làm gì mà sống?". Nhưng nếu đổi lại bằng một câu hỏi: "Vì sao con thấy không ổn?", bạn sẽ có cơ hội hiểu rõ cảm xúc và áp lực mà con đang đối mặt.

Trẻ em không cần cha mẹ hoàn hảo. Nhưng chúng cần được lắng nghe như một con người, chứ không phải như"“một đứa trẻ phải nghe lời". Một khi cảm thấy được thấu hiểu, trẻ sẽ mở lòng và sẵn sàng đón nhận lời khuyên.

3. Dạy con bằng hành động, không chỉ bằng lời nói

Muốn con sống có trách nhiệm nhưng bản thân lại hay đổ lỗi. Muốn con biết kiềm chế cảm xúc nhưng khi tức giận lại la hét, đập đồ. Đó là nghịch lý phổ biến trong nhiều gia đình.

Con cái không học nhiều từ những điều cha mẹ nói. Chúng học từ những gì cha mẹ làm.

Vì vậy, thay vì lặp đi lặp lại "Con phải biết tiết kiệm!", hãy cho con thấy bạn tiết kiệm như thế nào. Thay vì nói "Con phải giữ bình tĩnh!", hãy để con thấy bạn đang thở sâu và rút lui khi căng thẳng.

Sự nhất quán giữa lời nói và hành động sẽ tạo ra niềm tin. Và khi đã tin, con sẽ tự nguyện nghe theo, không phải vì sợ, mà vì tôn trọng bạn.

Tổng hợp
 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày