Lên đại học rồi, chẳng ai bắt buộc hay thúc giục bạn đi học cả, trừ trường hợp bạn nghỉ học quá nhiều thì sẽ bị đánh trượt môn. Thông thường mỗi môn học, bạn sẽ được nghỉ tối đa khoảng 2-3 buổi tùy thuộc vào số tín chỉ. Dễ thấy trong mọi lớp học, luôn có một số lượng rất đông sinh viên tận dụng triệt để tất cả các buổi nghỉ này, thậm chí còn dùng nhiều chiêu trò như điểm danh hộ, đi học hộ để có thể nghỉ thêm một vài buổi nữa.
Và nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Có mỗi việc đến lớp cũng không thực hiện được nghiêm túc thì liệu những sinh viên như vậy khi bước ra ngoài có trở thành một người có trách nhiệm hay không? Ai cũng có nhiều hoài bão, nhiều mục tiêu to lớn lắm nhưng ngay những việc nhỏ và đơn giản như đến lớp cũng cảm thấy khó khăn?
Ngủ dậy muộn một chút là nghỉ học ngày hôm đó, không thích thầy cô giảng dạy cũng tìm cách để nghỉ hay chỉ đơn giản là không muốn đi học nên nghỉ. Sinh viên cứ truyền tai nhau rằng phải tận dụng tối đa các buổi nghỉ đi hay là sinh viên rồi, việc học là do mình chủ động chứ đâu cần phải lên lớp 100%.
Sẽ rất hiếm hoi có một lớp học nào luôn đi đầy đủ tất cả các giờ, các tiết ở trường đại học. Vì quy định thoải mái, các thầy cô không ép buộc phải đến lớp, cũng không bị bố mẹ quản lý nghiêm ngặt như khi còn đi học cấp 3 nên một buổi nghỉ học với sinh viên dường như không có nghĩa lý gì lắm.
Nhưng chuyện đáng nói ở đây là nhiều bạn nghỉ quá số buổi được phép rồi cũng không có nghĩa sẽ đi học nghiêm túc và đầy đủ. Có đủ các trò sẽ được tận dụng như nhờ bạn điểm danh hộ, nhờ đi học hộ để không cần phải đến lớp. Có nhiều người bận thật, gặp một số việc đột xuất buộc phải nghỉ học một vài buổi nào đó còn có thể thông cảm nhưng kiểu đi học mà cứ thích là nghỉ thì thực sự đáng xem xét.
Những sinh viên hay nghỉ học thường viện cớ kiến thức trên giảng đường chẳng áp dụng được vào thực tiễn mấy nên không chú trọng nhưng sự thật không có điều gì được dạy mà vô bổ cả. Tại một thời điểm nhất định nào đó, bạn sẽ nhận ra mình bỏ lỡ một vài điều quan trọng chỉ vì không đến lớp khi còn học đại học, bạn thiếu những kiến thức nền tảng để giải quyết vấn đề vì không coi trọng việc đi học và nghe giảng.
Khi được hỏi, sinh viên nào cũng có những dự định và hoài bão lớn sau khi ra trường như phải làm ở doanh nghiệp lớn này, phải đạt được mức lương bằng từng này,... Kế hoạch thì nhiều lắm nhưng từng bước nhỏ để hiện thực hóa chúng thì lại không chú tâm, đôi khi không biết mình đang học đến đâu hay đã học được những gì.
Một người muốn thành công được trước hết phải là một người hiểu và trân trọng công sức của người khác. Các giảng viên đứng trên bục giảng đều dành rất nhiều tâm huyết cho mỗi giờ học, ai cũng mong sinh viên được trang bị những kiến thức tốt nhất nhưng cứ không điểm danh chặt là sẽ có rất nhiều sinh viên không đến lớp. Không đi học nghĩa là bạn không hề trân trọng công sức của các thầy cô, không trân quý sự vất vả của người khác. Nếu đứng trên cương vị một người giảng dạy mà nhìn các sinh viên của mình cứ điểm danh xong là tìm cách bỏ ra ngoài, liệu có ai vui nổi không?
Bàn đến chuyện một việc dễ như đi học mà cũng không thực hiện được nghiêm túc thì những việc khó hơn có chắc hoàn thành được hoàn chỉnh? Cứ viện đủ lý do để nghỉ học thì khi đi làm rồi ai dám chắc sẽ không như vậy? Mà điều đáng sợ nhất ở một công ty chính là những nhân viên thích thì làm, không thích thì nghỉ.
Chúng ta không thể phủ nhận việc học như thế nào là quyết định của mỗi người những thực tế cũng cho thấy những người nghiêm túc và có cố gắng cũng đồng thời là những người không bao giờ nghỉ học bừa bãi, luôn chú trọng đến từng kiến thức nhỏ nhất được các thầy cô truyền tải. Trước khi muốn làm được những việc lớn, hãy là một sinh viên có trách nhiệm với bản thân vá có ý thức học tập nghiêm túc trước đã. Sự hời hợt với chuyện học hành ngày hôm nay rất có thể sẽ trở thành tính cách đi theo trên hành trình phía trước, mà một khi những thói quen không tốt ăn sâu vào suy nghĩ và hành động rồi thì không dễ để có thể thay đổi được.