Tại sao thuốc điều trị ngộ độc botulinum lại khan hiếm?

Phạm Trang, Theo Phụ nữ Việt Nam 17:02 22/05/2023
Chia sẻ

Không chỉ đắt đỏ, BAT (Botulinum antitoxin heptavalent), loại thuốc điều trị ngộ độc botulinum còn trở nên khan hiếm bởi nhiều lý do khác nhau.

Tại sao thuốc điều trị ngộ độc botulinum lại khan hiếm? - Ảnh 1.

Bệnh nhi ngộ độc Botulinum được điều trị bằng BAT (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy)

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc liên quan đến botulinum do sử dụng các thực phẩm từ những cơ sở kinh doanh tự phát, không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, 3 ca bệnh ở TP Thủ Đức (TP.HCM) vừa được phát hiện ngộ độc botulinum vẫn đang phải điều trị trong bối cảnh hết thuốc BAT (Botulinum antitoxin heptavalent) giải độc tố này.

BAT là gì?

BAT (Botulinum antitoxin heptavalent) là loại thuốc giải độc botulinum được làm từ huyết tương của ngựa. BAT chứa các kháng thể như F(ab′)2 and Fab có thể trung hòa độc tố 7 loại type botulinum A, B, C, D, E, F, và G.

Độc tố botulinum có 7 type gồm A, B, C, D, E, F, G. Trên thế giới hiện có 3 loại thuốc giải độc tố này, tuy nhiên, trừ BAT có thể giải độc cho cả 7 type của botulinum thì hai loại còn lại chỉ có tác dụng với một số type nhất định.

Để xác định người bệnh nhiễm độc botulinum type nào rồi mới chọn thuốc cho phù hợp, sẽ phải mất rất nhiều thời gian xét nghiệm, bỏ qua giai đoạn quan trọng trong điều trị. Chính vì vậy, việc sử dụng BAT là một lựa chọn tối ưu cho điều trị bệnh nhân nhiễm độc botulinum.

Những kháng thể của BAT khi đưa vào cơ thể sẽ đáp ứng miễn dịch thụ động, liên kết với các protein được sản xuất tự nhiên bởi botulinum tự do. Từ đó ngăn botulinum liên kết với các thụ thể của tế bào thần kinh.

Các kháng thể/kháng nguyên sẽ dọn dẹp phức hợp miễn dịch, ly giải tế bào ngoại lai, giúp bệnh tình chuyển biến tích cực. Chính vì vậy, BAT có thể giúp bệnh nhân giảm thiểu đáng kể hiện tượng bại liệt, yếu cơ bắp.

Tại sao thuốc điều trị ngộ độc botulinum lại khan hiếm? - Ảnh 3.

(Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy)

Tại sao thuốc điều trị ngộ độc botulinum lại khan hiếm? - Ảnh 4.

Bệnh nhi ngộ độc Botulinum được điều trị bằng BAT (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy)

Để phát huy tốt nhất hiệu quả của BAT trong điều trị nhiễm độc botulinum, bệnh nhân cần được tiêm càng sớm càng tốt.

Theo TS BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa bệnh Nhiệt đới BV Chợ Rẫy cho biết: ''Một trường hợp ngộ độc botulinum được sử dụng thuốc BAT giải độc đặc hiệu sớm thì chỉ trong vòng 48 đến 72 giờ là bệnh nhân có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt và cũng không phải dẫn đến tình trạng phải thở máy''.

Trừ một số trường hợp bệnh nhân có tiền sử dị ứng với ngựa hoặc các sản phẩm máu ngựa, hen suyễn hoặc dị ứng theo mùa sẽ được cân nhắc điều trị theo phương pháp khác và không thể sử dụng thuốc.

BAT sẽ được tiêm vào cơ thể người bệnh thông qua tiêm tĩnh mạch. Các y bác sĩ sẽ xác định liều lượng. Việc điều trị có thể kéo dài vài giờ đồng hồ để theo dõi và cân nhắc xem cơ thể người bệnh có cần tiêm tiếp hay không.

Tại sao BAT lại khan hiếm?

Không sản xuất đại trà, giá đắt đỏ

Mặc dù vậy, BAT không phải loại thuốc được sản xuất đại trà. Hiện chỉ có duy nhất một công ty tại Canada sản xuất theo đơn đặt hàng yêu cầu của chính phủ, các quốc gia, tổ chức. Cho nên, đây thuộc một trong những loại thuốc hiếm không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.

Loại thuốc được Việt Nam nhập về từ Canada có giá hơn 8.000 USD (gần 190 triệu đồng) cho một lọ 50ml. Trước năm 2020, Việt Nam không có thuốc giải botulinum.

Quy trình bảo quản nghiêm ngặt

Cùng với đó, quy trình bảo quản cũng như sử dụng BAT cũng rất nghiêm ngặt.

BAT sẽ được lưu trữ đông lạnh ở nhiệt độ ≤ 5 ° F (tương đương ≤ -15 ° C) cho đến khi sử dụng. Nếu không rã đông có thể bảo quản 48 tháng kể từ ngày sản xuất.

Sau rã đông, BAT có thể được lưu trữ ở nhiệt độ từ 2 - 8 ° C (tương đương 36 - 46 ° F) trong tối đa 36 tháng. Một khi đã rã đông không thể lại cho thuốc vào đóng băng.

Một khi thuốc đã bị chọc mở, cần chuẩn bị sẵn sàng mọi dụng cụ và tiến hành tiêm cho người bệnh càng sớm càng tốt.

BAT chỉ sử dụng một lần và không thể bảo quản để sử dụng lần sau nếu còn thừa.

Nguồn: drugs.com, cdc.gov, Fanpage Bệnh viện Chợ Rẫy

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày