Tại sao ở nhà thật mệt mỏi và những mẹo tâm lý học giúp bạn vượt qua nó

Zknight, Theo Tổ Quốc 22:46 14/04/2020

Hãy lên kế hoạch cho ngày mới của mình để giảm thiểu khoảng thời gian "trống rỗng". Tập thể dục, đọc sách, vẽ hoặc viết gì đó có thể giúp bạn lấp đầy ngày của mình thay vì chỉ ngủ và cày phim hết giờ này qua giờ khác.

Bao nhiêu người trong số các bạn đã nửa tuần nay không gội đầu, vài ngày không tắm từ khi cách ly xã hội tại nhà? Mặc dù hôm nào cũng được ngủ nướng nửa ngày trời nhưng nhiều người vẫn than phiền rằng họ rất mệt mỏi.

Trên thực tế, mệt mỏi có thể xuất phát từ nguyên nhân vật lý và phi vật lý. Chúng ta cảm thấy mệt mỏi một cách chính đáng khi nó bắt nguồn từ nguyên nhân vật lý. Chẳng hạn như nếu bạn vừa hoàn thành một chặng đua 10 km, bạn có thể kiệt sức. Hoặc cơ thể cũng cần nghỉ ngơi một vài ngày hoặc vài tuần khi mới ốm dậy.

Nhưng tình trạng mệt mỏi khi phải cách ly xã hội tại nhà trong dịch COVID-19, phần nhiều đến từ nguyên nhân tâm lý hơn là gánh nặng về mặt thể chất. Có thể bạn đang lo lắng và cảm thấy căng thẳng khi nghĩ về dịch bệnh và điều đó rút kiệt năng lượng của bạn. Hoặc cũng có thể đơn giản là bạn thấy cuộc sống quá đơn điệu.

Tại sao ở nhà thật mệt mỏi và những mẹo tâm lý học giúp bạn vượt qua nó - Ảnh 1.

Sự thật là những căng thẳng tâm lý trong dịch COVID-19 có thể khiến chúng ta kiệt sức. Vậy làm thế nào để bạn có thể lấy lại năng lượng và sức sống của mình, ngay cả khi phải ở nhà trong khoảng thời gian này?

Hãy cho mình một khoảng thời gian thích nghi

Bất kể khi nào bạn có những thay đổi lớn trong đời, chẳng hạn như mới lên thành phố để học đại học, lấy vợ, lấy chồng hoặc ra ở riêng, một giai đoạn chuyển tiếp để thích ứng với những thay đổi đó là hết sức cần thiết.

Mọi thay đổi trong cuộc sống và thói quen hàng ngày của bạn đều cần thời gian và bạn cần thích nghi với chúng theo từng giai đoạn.

Thường thì trong tuần đầu tiên của việc thích nghi, bạn sẽ từ bỏ được lối sống và làm việc cũ, đồng thời thiết lập các hoạt động mới trong điều kiện mới của mình. Giai đoạn này thường khiến bạn mất 4 hoặc 5 ngày, sau đó, cuộc sống của bạn bắt đầu trở nên ổn định và bạn kiểm soát nó tốt hơn.

Một số người đã than phiền rằng họ không thể chịu nổi việc phải ở nhà chỉ sau vài ngày cách ly xã hội. Họ không nhận ra rằng đó là một giai đoạn thích ứng rất bình thường. Vậy nên, xin đừng quá lo lắng, hãy yên tâm rằng hầu hết mọi người đều trải qua cảm giác này giống bạn, và tuần tới chúng ta sẽ đều cảm thấy tốt hơn.

Và nếu bạn đang muốn thích nghi với cuộc sống ở nhà một cách nhanh chóng và thú vị hơn, hãy thử viết nhật ký để ghi lại những suy nghĩ và cảm xúc của bạn mỗi ngày. Điều này sẽ cho phép bạn xem lại tiến trình của mình và tìm cách kiểm soát, điều chỉnh nó khi cần thiết.

Tại sao ở nhà thật mệt mỏi và những mẹo tâm lý học giúp bạn vượt qua nó - Ảnh 2.

Thông thường, mọi người cần tới 3 tháng để hoàn toàn thích nghi với một lối sống mới. Ba tuần đầu của nó sẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất, khi chúng ta phải chiến đấu với những cơn buồn bã và mất tinh thần trước khi nhận thức được mình phải thay đổi.

Nhưng cảm giác đó chỉ là nhất thời, một khi bạn đã thích nghi được với lối sống mới của mình, nó có xu hướng không quay trở lại nữa.

Đừng chây ì hoặc bỏ bê vệ sinh cá nhân, hãy sinh hoạt theo lịch trình

Bài học tiếp theo giúp bạn giữ năng lượng và xua tan sự mệt mỏi có thể đến từ việc lập kế hoạch cho những ngày mới của mình. Nếu bạn đang rơi vào một trạng thái thờ ơ, điển hình là bỏ bê vệ sinh cá nhân, nhiều ngày không tắm rửa, gội đầu, thậm chí không đánh răng, bạn nên biết rằng mình cần thoát ra khỏi trạng thái chây ì đó.

Hãy lên kế hoạch cho ngày mới của mình để giảm thiểu khoảng thời gian "trống rỗng". Tập thể dục, đọc sách, vẽ hoặc viết gì đó có thể giúp bạn lấp đầy ngày của mình thay vì chỉ ngủ và cày phim hết giờ này qua giờ khác.

Ăn uống đúng bữa cũng là một lưu ý mà bạn nên thực hiện. Điều này đã được chứng minh từ những bài học sinh tồn của nhiều người trong quá khứ.

Năm 1915, khi một con tàu bị mắc kẹt trong băng ở Nam Cực, thuyền trưởng của nó là Sir Ernest Shackleton biết rằng điều kiện tiên quyết để sống còn là ông phải áp đặt các thói quen nghiêm ngặt lên thủy thủ đoàn của mình.

Tại sao ở nhà thật mệt mỏi và những mẹo tâm lý học giúp bạn vượt qua nó - Ảnh 3.

Shackleton nhận thức rõ về điều này bởi trước đó gần 20 năm cũng đã có một con tàu bị mắc kẹt trong mùa đông ở Nam Cực. Vị thuyền trưởng khi đó đã thả cửa cho thủy thủ sinh hoạt tùy tiện trong những ngày bị cô lập. Kết quả là họ đã xuống tinh thần và cảm thấy vô cùng mệt mỏi, đặc biệt là sau khi con mèo của họ chết.

Rút kinh nghiệm từ đó, Shackleton khăng khăng yêu cầu thủy thủ của mình phải ăn đúng giờ, sinh hoạt quy củ và tập trung lại sau mỗi bữa tối để có một khoảng thời gian xã hội hóa. Những hoạt động theo lịch trình này đã ngăn chặn sự chán nản và mệt mỏi xảy ra trên con tàu, khi nó bị mắc kẹt trong khoảng thời gian đáng kể.

Vì vậy, bài học ở đây là bạn cần phải thiết lập một lịch trình sinh hoạt khoa học cho mình trong những ngày này. Đồng thời, bạn cũng cần tham gia các hoạt động mang tính xã hội, chẳng hạn như hãy nói chuyện nhiều hơn với bố mẹ, anh chị em trong nhà, hoặc đơn giản là trò chuyện trực tuyến với những người bạn.

Một nguyên nhân phi vật lý khác khiến bạn mệt mỏi có thể là sự lo lắng. Đại dịch COVID-19 đã làm cho mọi người bối rối không biết tương lai sẽ ra sao. Tất cả những cảm giác này có thể dẫn đến một giấc ngủ có chất lượng kém, và rồi khiến mọi người tiếp tục mệt mỏi và lo lắng hơn.

Tại sao ở nhà thật mệt mỏi và những mẹo tâm lý học giúp bạn vượt qua nó - Ảnh 4.

Để phá vỡ chu trình này, tập thể dục là một công cụ hữu ích. Đi dạo hoặc tham gia một lớp tập thể dục trực tuyến có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi về mặt thể chất, nhưng ngay sau đó, bạn sẽ thấy tinh thần của mình tốt lên, giấc ngủ được cải thiện và những ngày cách ly xã hội sắp tới sẽ không còn là trở ngại nữa.

Một điều nữa cần nhớ là ngay cả khi cách ly xã hội được gỡ bỏ, bạn cũng sẽ cần chuẩn bị trước cho mình một khoảng thời gian để thích nghi lại với cuộc sống bình thường. Nhưng hãy lạc quan với điều đó thay vì phải lo lắng. Bởi lạc quan cũng là một yếu tố tốt giúp bạn giảm cảm giác mệt mỏi.

Tham khảo Sciencealert