Báo cáo của Navigos Group được thực hiện dựa trên kết quả phân tích khảo sát của gần 1.000 người tìm việc và hơn 400 nhà tuyển dụng.
Theo đó, 60% ứng viên tham gia khảo sát cho rằng lương và chế độ phúc lợi (bao gồm lương, thưởng, bảo hiểm, nghỉ phép…) là yếu tố tiên quyết để họ ứng tuyển vào một vị trí tuyển dụng.
40% còn lại quan tâm tới những yếu tố khác về thương hiệu tuyển dụng, bao gồm môi trường làm việc, quy mô công ty, ngành nghề, loại hình đầu tư và chương trình huấn luyện nghiệp vụ...
Phần lớn các nhà tuyển dụng cũng xác nhận để gây ấn tượng và thu hút các ứng viên, lương và chế độ phúc lợi là yếu tố hàng đầu. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp càng khẳng định đây là lựa chọn ưu tiên đối với người tìm việc.
50% ứng viên cho biết lương và chế độ phúc lợi tốt thể hiện tình trạng phát triển của doanh nghiệp. 20% cho biết yếu tố này giúp họ có thể trang trải cuộc sống, đồng thời làm giảm bớt căng thẳng.
Trong số các chính sách phúc lợi, các ứng viên thường quan tâm nhất tới 3 yếu tố:
- Chế độ bảo hiểm đầy đủ, chăm sóc sức khỏe đa dạng cho nhân viên (các ứng viên ở TP. HCM quan tâm nhất)
- Chế độ thưởng doanh số, thưởng lễ tết, thưởng thâm niên hấp dẫn (các ứng viên ở Hà Nội quan tâm nhất)
- Chương trình huấn luyện nghiệp vụ (các ứng viên vừa mới ra trường quan tâm nhất)
Tùy theo yếu tố ngành nghề và cấp bậc, các yếu tố khác về thương hiệu tuyển dụng vẫn được trên 50% ứng viên quan tâm hơn so với lương và chế độ phúc lợi. Đây thường là những người làm trong ngành giáo dục, dược, sales,... hoặc có ít số năm kinh nghiệm.
Ngoài ra, ngành nghề có xu hướng phát triển mạnh là yếu tố quan trọng nhất đối với một thương hiệu tuyển dụng hấp dẫn. Hơn 60% ứng viên đến từ ngành sales, kỹ sư cơ điện, ngân hàng, kế toán, marketing, hành chính/thư ký đều đồng tình.
Theo Navigos Group, các ứng viên có thể bỏ qua cơ hội "vàng" khi chỉ đặt mức lương và chính sách phúc lợi lên bàn cân. Với góc nhìn đa chiều, các ứng viên nên mở rộng đánh giá một doanh nghiệp, một công việc dựa trên các yếu tố khác nhau
Trái với kỳ vọng người tìm việc, đa số các nhà tuyển dụng hiện nay lại rất ít khi tiết lộ mức lương. Hơn 15% các công ty hiện nay hoàn toàn không tiết lộ mức lương cho bất kỳ công việc nào mà họ đăng tuyển. Con số này cũng dao động từ 4%-9% với những công ty chỉ tiết lộ mức lương cho dưới một nửa các công việc mà họ đăng tuyển.
Lý do mà các nhà tuyển dụng không tiết lộ mức lương trong tin tuyển dụng được 39% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho là để dễ dàng thương lượng về mức lương phù hợp với năng lực của ứng viên. Ngoài ra còn có lý do nhà tuyển dụng tránh các thắc mắc về lương từ các nhân viên hiện tại và tìm được lượng ứng viên đa dạng hơn về cấp bậc làm việc.
Đa số các nhà tuyển dụng cho rằng các công việc như sales, kế toán, nhân sự, marketing và kỹ sư CNTT - phần mềm là những ngành nhạy cảm nên cần ẩn mức lương khi đăng tuyển. Bên cạnh đó, các công việc có cấp bậc càng cao thì nhà tuyển dụng càng ít tiết lộ mức lương.
Vì không đề cập tới mức lương, nhà tuyển dụng đã sử dụng 6 yếu tố khác để tạo ra một tin tuyển dụng hấp dẫn người tìm việc, bao gồm: chế độ thưởng, chế độ bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe, ngành nghề có xu hướng phát triển, môi trường làm việc, ban lãnh đạo, quy mô và địa điểm,...
Trong đó, các nhóm ngành nhân sự, marketing, ngân hàng, sales, hành chính/thư ký quan tâm hơn tới chế độ thưởng. Các nhóm ngành kế toán, kỹ sư CNTT - phần mềm,... thì chế độ bảo hiểm là điều thu hút nhất.
Trên thực tế, rất nhiều ứng viên có mong muốn biết thông tin về lương đối với thông tin tuyển dụng. Việc giữ bí mật về lương cũng là cách nhà tuyển dụng kiểm tra mức độ quan tâm của ứng viên đối với những yếu tố khác trong Thương hiệu tuyển dụng mà họ đăng tuyển. Từ đó, nhà tuyển dụng có thể kiếm được ứng viên tiềm năng.