Ngày càng có nhiều người thấy mình bận rộn hơn mức họ có thể xử lý.
Và điều này, thay vì bị coi là đáng lo ngại, nó lại được nhìn nhận như một "thành tích". Đó gần như là một huy hiệu vinh dự khi có thể nói với mọi người rằng bạn bận rộn tới nỗi không có cả thời gian để ăn, ngủ, hẹn hò với bạn bè hay thậm chí để là một con người bình thường.
Quá nhiều người đang rơi vào cái bẫy nơi mà họ nghĩ rằng bận rộn đến mức không có thời gian cho mọi thứ khác trong cuộc sống của mình là một điều tốt.
Luôn bận rộn và căng thẳng không tốt cho cơ thể và tâm trí của bạn - nó có thể tạo ra những tác động tiêu cực đến cuộc sống và cả sức khỏe của bạn nói riêng.
Bài viết này sẽ chỉ ra một vài khía cạnh cho thấy việc quá bận rộn có thể gây bất lợi cho bạn về tổng thể.
1. Kẻ giết chết sự sáng tạo
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một bài kiểm tra kết hợp từ đơn giản, và họ phát hiện ra rằng những người bận rộn hơn và suy nghĩ nhiều hơn thường ít sáng tạo hơn trong câu trả lời so với những người đang rảnh rỗi.
Cụ thể, người ta thấy rằng những người cần ghi nhớ nhiều hơn sẽ đưa ra những câu trả lời mang tính phổ biến hơn, trong khi những người không phải ghi nhớ quá nhiều việc lại có thể đưa ra những câu trả lời ít khuôn mẫu hơn.
Nguyên nhân không phải vì có ít thời gian hơn mức cần thiết cho nhiệm vụ, mà ngay cả khi có nhiều thời gian hơn, nhóm có rất nhiều điều cần phải nhớ vẫn không thể tiến bộ hơn ngoài những câu trả lời đơn giản mà họ đưa ra.
Hiệu ứng này là điều mà nhiều người đã tìm thấy ngoài thực tế xã hội cũng như trong phòng thí nghiệm. Việc có quá nhiều thứ trong tâm trí có thể làm giảm khả năng sáng tạo, và do đó ngăn bạn thăng tiến hoặc mở rộng sự nghiệp hiện tại. Nếu bạn muốn tiếp tục tiến về phía trước và xem con đường của mình có thể đưa bạn đến đâu, việc đánh mất khả năng sáng tạo là một điểm trừ vô cùng lớn.
2. Ưu tiên sai thứ tự
Sự sáng tạo cần một khoảng "không gian đầu óc" để nó thực sự phát triển. Nếu bạn quá bận, nó có thể khiến bạn không nhìn ra những khả năng và những suy nghĩ khác, đồng thời giữ bạn trên một con đường cụ thể thay vì cố gắng đa dạng hóa và xem điều gì thực sự phù hợp với mình.
Quá bận rộn khiến khả năng sáng tạo của bạn bị kìm hãm, và điều đó có thể khiến bạn ưu tiên những việc sai lầm - những việc có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn về tổng thể.
Khi bạn quá bận rộn để suy nghĩ cho quá nhiều thứ, sẽ rất khó để nhìn nhận một cách rõ ràng những gì đang diễn ra, và đôi khi điều đó đồng nghĩa với việc bạn có thể bỏ lỡ những thứ mà có lẽ không nên để vuột mất, chẳng hạn như những cơ hội sáng tạo khác, những công việc khác sẽ thúc đẩy bạn vượt xa những gì bạn đang làm hiện tại.
3. Không có thời gian để theo dõi tiến độ
Sự bận rộn có thể ngăn cản bạn bằng cách khiến bạn không thể nhìn thấy mình đang ở đâu. Càng lớn tuổi và ổn định hơn trong sự nghiệp, chúng ta sẽ càng rõ ràng hơn về một con đường sự nghiệp cụ thể mà mình muốn đi. Và chúng ta cũng sẽ có các mốc quan trọng cụ thể được thiết lập để giúp bản thân đạt được điều đó.
Việc quá bận rộn có thể khiến bạn không theo dõi được sự tiến bộ của mình, và nó có thể khiến bạn không thực sự phát triển đi lên theo con đường mà mình đã vẽ ra.
Nếu quá bận rộn, bạn sẽ không thể nghiêm túc suy nghĩ xa hơn về những gì mình đang làm, và về cách đạt được phần tiếp theo trong kế hoạch của bản thân.
Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ bị mắc kẹt ở một cấp độ cụ thể trong một thời gian dài, thậm chí lâu tới nỗi mà các cơ hội bạn định tận dụng đã hoàn toàn biến mất vào thời điểm bạn đến được với chúng.
4. Bạn không phát huy hết được tiềm năng của mình
Khi rất bận rộn, bạn sẽ thấy rằng mình chỉ đơn giản là đang chuyển từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ tiếp theo, thường có rất ít suy nghĩ được đưa vào từng công việc riêng lẻ, bởi đơn giản là bạn không có thời gian để bỏ công sức vào.
Khi quá bận rộn, chúng ta không có thời gian để thêm bất kỳ ý tưởng sáng tạo nào vào công việc, bởi như đã nói ở trên, sự bận rộn sớm đã giết chết sự sáng tạo.
Quá bận rộn có nghĩa là bạn đang tập trung vào việc hoàn thành nhiều công việc nhất có thể. Nhưng điều đó không có nghĩa là công việc bạn đang làm là công việc tốt nhất. Bạn chỉ ở trạng thái tốt nhất khi bạn thực sự có thể dành thời gian để hít thở và xem xét công việc của mình một cách chậm rãi và từ từ.
Chậm lại, không chỉ giúp bạn cải thiện nói chung, bạn cũng sẽ dễ dàng nhận ra sai lầm hơn khi bạn không vội vàng. Bạn sẽ thấy rằng mình có thể tạo ra và mang lại nhiều thứ hơn khi không vội vàng.
5. Bạn đặt sức khỏe của mình vào trạng thái nguy hiểm
Làm việc quá chăm chỉ cũng có thể tạo ra những rủi ro cho sức khỏe. Để đủ thời gian bận rộn với công việc, bạn sẽ cắt giảm giấc ngủ đúng giờ, những bữa ăn đàng hoàng và cả một cuộc sống xã hội thư giãn.
Không có không gian để dãn cơ bắp sáng tạo hoặc làm những việc khác, nhìn chung là điều bất lợi về mọi mặt.
Và trái với mong đợi của nhiều người, năng suất dưới mức trung bình lại thường là kết quả của sự cố gắng sau một thời gian dài làm việc quá sức.
Bài viết này chưa đề cập đến tất cả những tác động của việc làm việc quá sức, nhưng hi vọng nó đã đủ để khiến mọi người phải suy nghĩ kỹ trước khi muốn lao đầu vào công việc và hi sinh mọi khía cạnh cuộc sống bên lề cho nó.
Làm việc quá nhiều đặc biệt không tốt cho sự sáng tạo, vì não bộ của chúng ta không còn đủ không gian để suy nghĩ xa hơn những gì thực sự cần thiết cho công việc của mình.
Nguồn: Wealthygorilla