Đầu năm mới vào mùng 1 Tết, người Việt có tục xuất hành - tức là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để đi tìm cái may mắn cho mình và gia đình. Theo quan niệm dân gian, nếu chọn được hướng xuất hành tốt thì sẽ đem lại một năm mới nhiều tài vượng.
Bên cạnh đó, người Việt còn có tục trong 3 ngày Tết, dù có đi đâu thì đến chiều tối cũng phải trở về. Ý nghĩa của tục này là kiêng có đi mà không có về, bởi điều này sẽ gây "giông" cho cả gia đình.
Người dân Việt có tục xuất hành đầu năm với ý nghĩa mang may mắn đến cho gia đình
Tục xuất hành có nguồn gốc xa xưa. Những người nông dân thường lựa giờ xuất hành để chiêm nghiệm thời tiết trong cả năm. Theo đó khi mặt trời mọc, người ta sẽ đi ra khỏi nhà để xem chiều gió thổi, người ta có thể đoán được năm mới hên hay xui.
Ví dụ: Gió Nam thường chỉ đại hạn, gió Tây chỉ cướp bóc loạn lạc, gió Tây Nam chỉ dịch bệnh dịch tả, gió Đông chỉ lụt lớn...
Cũng giống như việc xông đất, người dân thường lựa giờ hoàng đạo để bước chân ra ngoài. Nếu hợp với tuổi của người xuất hành thì càng tốt, không khắc. Mọi người sau khi xuất hành đều có mong muốn có được may mắn đầu năm, sau đó mới thực hiện các việc khác như trực cơ quan, đi thăm họ hàng, lì xì con cháu...
Người dân thường lựa giờ hoàng đạo để bước chân ra ngoài
Thông thường nếu xuất hành ra chùa hay đền thì người dân thường sẽ có tục hái cây với ngụ ý lấy lộc của trời đất - Phật - Thần ban cho. Cũng có những người sẽ đốt một nắm hương hoặc một cây hương lớn, đứng khấn vái trước bàn thờ rồi mang hương đó cắm tại bàn thờ tổ tiên hoặc bàn thờ Thổ công ở nhà.
Ở bất kì mọi miền trên đất nước, tục xông đất đều thể hiện tinh thần hướng đến những điều tốt lành, may mắn và cầu mong một năm mới mọi sự đều thuận lợi cho các thành viên trong gia đình.
Tổng hợp