"Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son"
Hẳn ai cũng nhận ra đây những câu thơ trong bài thơ vịnh "Bánh trôi nước" nổi tiếng của thi sĩ Hồ Xuân Hương. Trong đó, nữ thi sĩ đã khéo léo sử dụng những hình ảnh thực tế của một món ăn dân tộc, nhưng lại để nói lên thân phận và tấm lòng người phụ nữ. Qua bàn tay của Hồ Xuân Hương, nồi bánh trôi dân dã đã thực sự đi vào lịch sử văn học.
Tuy nhiên, trong bài thơ có một hình ảnh khiến nhiều người khó hiểu, đó là "bảy nổi ba chìm".
Ý Hồ Xuân Hương ở đây là nhằm ám chỉ số phận của người con gái lênh đênh, trong một xã hội trọng nam khinh nữ. Nhưng nếu xét trên thực tế, thì tại sao cái bánh trôi lại khi nổi khi chìm như vậy.
Bỏ qua về văn học, khoa học sẽ giải đáp cho bạn về vấn đề "ba chìm bảy nổi" này
Bánh trôi về cơ bản thì làm từ bột. Khi... vo tròn viên bột, thể tích của bánh nhỏ, khối lượng riêng của bánh lớn. Lúc này, khối lượng riêng của bánh trôi lớn hơn nước, nên nó chìm xuống đáy.
Ta có công thức tính khối lượng riêng của 1 vật:
D = m/V
Trong đó: m là khối lượng; V là thể tích; D là khối lượng riêng
Dưới sự tác động của nhiệt độ, lớp vỏ bắt đầu nóng lên, nở ra, kéo theo sự gia tăng về thể tích. Điều này sẽ khiến khối lượng riêng của bánh giảm đi, trở nên nhỏ hơn nước, và thế là bánh nổi lên trên.
Khi bánh chín đạt "đỉnh", thể tích này cũng đạt đỉnh và khiến bánh nổi lên mặt nước khoảng 70%.
Nhưng khi để nguội, nếu bạn thả bánh vào nước, bạn sẽ thấy bánh chìm hơn so với lúc ở trong nồi. Bởi vì lúc này, thể tích co lại một chút và làm tăng khối lượng riêng của bánh lên.
Người dân ta ngày xưa, sớm nhận ra đặc điểm này mà nghĩ đến một mẹo luộc bánh trôi chuẩn xác 100%. Đó là cứ khi nào thấy bánh nổi lên 7 phần có nghĩa là bánh đã chín.