Tủ quần áo không bao giờ đụng đến cũng chính là cách ví von cho những món đồ được mua sắm vô tội vạ, chi tiêu theo cảm tính của nhiều người. Không phải ai cũng biết cách hạn chế những chi tiêu lãng phí hay quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả. Cùng nghe các bạn trẻ chia sẻ:
Theo Đức Vũ (23 tuổi, Hà Nội), mua sắm cảm tính là phong cách mua sắm đột ngột, mua theo cảm xúc tại một thời điểm nhất định, không có trong dự tính và khi mua về sẽ không bao giờ sử dụng đến. Cậu bạn chia sẻ rằng lần hối hận nhất khi mua sắm cảm tính là "tậu" chiếc túi đựng laptop.
"Lần đó, mình mua được chiếc túi đựng laptop trên livestream với giá ưu đãi khoảng 400 nghìn đồng. Tuy nhiên, sau đó, mình đã không dùng chiếc túi này một lần nào vì bình thường đi làm mình hay bỏ laptop vào balo. Khi mang balo, mình sẽ đựng được nhiều đồ hơn chẳng hạn ví, sổ viết,… vậy nên đó là cách chiếc túi đã bị lãng quên".
Đức Vũ
Bên cạnh đó, Kim Nhung (22 tuổi, Bắc Ninh) đã từng mua 1 chiếc ipad với đầy đủ phụ kiện bao gồm bàn phím và bút cảm ứng dành riêng cho ipad, tổng chi phí khoảng 35 triệu đồng. Tuy nhiên, cô bạn rất ít khi sử dụng đến bút cảm ứng và bàn phím.
"Sau khi mua ipad một thời gian, mình nhận ra rằng bản thân dù mua bất kỳ sản phẩm nào đắt tiền hay giá cả vừa phải cũng cần tìm hiểu cẩn thận về nhu cầu sử dụng và các tính năng thay vì sự hào nhoáng và mua sắm theo xu hướng. Trên thực tế, mình đã bị ảnh hưởng khá nhiều bởi những bài đăng hay video của các bạn trẻ sử dụng ipad đầy đủ phụ kiện, và nghĩ rằng bản thân cũng cần chúng. Nhưng trên thực tế, nhu cầu sử dụng của mình không nhiều đến vậy, và đây là một khoản chi không cần thiết".
Theo Kim Nhung, mua sắm cảm tính có thể kể đến mua theo xu hướng hay phong trào trên MXH. Chẳng hạn, thấy người nổi tiếng mặc bộ quần áo này hay sử dụng món đồ kia, mọi người liền mua theo mà không cân nhắc kỹ về mức độ phù hợp của sản phẩm với cuộc sống cá nhân.
Kim Nhung
Mặt khác, Đức Vũ cho rằng gần đây hình thức bán hàng qua livestream đã ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định mua sắm của bản thân. Với hình thức livestream, người bán hàng có thể tương tác trực tiếp, trả lời các câu hỏi, tung ra nhiều chương trình khuyến mãi ngắn hạn để tạo cảm giác cấp bách, khan hiếm nhằm thúc đẩy người xem đưa ra quyết định "chốt đơn" nhanh chóng. Đó cũng là một trong những lý do đã khiến cậu bạn mua chiếc túi laptop giảm giá nhưng chưa dùng đến lần nào.
Trong câu chuyện chi tiêu dựa trên cảm xúc, câu hỏi "Kiểm soát chi tiêu hay nỗ lực tăng thu nhập đủ để chi trả cho những khoản chi tiêu cảm tính quan trọng hơn?" là điều một số bạn trẻ đang trăn trở. Theo Đức Vũ, cả 2 việc này đều quan trọng, kiểm soát chi tiêu giúp cậu bạn tránh lãng phí tiền bạc vào những món đồ không hữu ích. Đồng thời, gia tăng thu nhập đủ để chi trả cho việc mua sắm cũng sẽ giúp bản thân có nhiều động lực hơn để hướng đến mục tiêu ổn định tài chính cũng như phát triển bản thân trong tương lai.
Còn đối với Thu Ngọc (25 tuổi, Hà Nội), chi tiêu luôn dễ hơn kiếm tiền. "Mình nghĩ rằng muốn kiếm 100 triệu có thể mất 2-3 tháng, tuy nhiên 'vung tay' tiêu 100 triệu có lẽ chỉ cần 1 ngày. Do vậy, nếu không kiểm soát chi tiêu, mọi người sẽ rất dễ đổ vỡ trong tài chính".
Trên thực tế, cô bạn chia sẻ rằng bản thân thường mua quần áo theo cảm xúc chẳng hạn như quyết định mua sắm khi lướt trang MXH hay các sàn TMĐT, thậm chí xem các video review (đánh giá). Thu Ngọc cũng có riêng một ngăn tủ cho những bộ đồ mới chưa bao giờ mặc đến. "Mình luôn tự nhủ rằng đến lúc nào đó mình sẽ mặc những bộ quần áo này. Hoặc mình tự thưởng cho bản thân 1 chiếc váy hay áo xinh xinh cũng không sao. Tuy nhiên, những suy nghĩ này đã khiến mình chi tiêu quá tay cho những món đồ không cần thiết, vô cùng lãng phí". Và có những tháng cô bạn đã "rỗng túi" vì thói quen này, việc mua sắm theo cảm xúc thật sự có thể gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến cách chi tiêu cá nhân.
Mặt khác, Kim Nhung "nghiêng" về ý tưởng gia tăng thu nhập để có khả năng chi trả cho những khoản chi tiêu cảm tính. "Nỗ lực tăng thu nhập sẽ giúp mình có nhiều lựa chọn và có thể mua sắm theo mong muốn cá nhân. Mình nghĩ đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực trước đó, đồng thời việc tăng thu nhập cũng không quá khó khăn trong thời đại công nghệ phát triển như bây giờ".