Một quan niệm chi tiêu sai lầm mà số đông mắc phải là nghĩ rằng mua sản phẩm giá rẻ sẽ giúp tiết kiệm tài chính. Thực tế, có nhiều người hiểu rõ đây là kế sách tiêu tiền không thông minh. Thế nhưng họ vẫn khó từ chối việc "chốt đơn" các mặt hàng giá thấp, hoặc đi kèm với hai chữ "đang giảm giá".
Song có những người trẻ đã thoát khỏi vòng lặp mua hàng giá rẻ - thất vọng vì chất lượng - tốn tiền mua sản phẩm mới chỉ sau vài ngày sử dụng. Họ chủ động bỏ kinh phí lớn hơn để mua hàng giá đắt song đổi lại là tính bền vững và công năng cao từ sản phẩm.
Khi còn là sinh viên, Nam Anh (24 tuổi, nhân viên ngân hàng) từng là một "tín đồ" nghiện mua sắm trên các sàn thương mại điện tử. Cô mua đủ sản phẩm trên khắp gian hàng trực tuyến, từ đồ gia dụng, sách vở cho đến mỹ phẩm, quần áo. Có thời điểm cô trở thành "thành viên kim cương" của một sàn thương mại điện tử khi chi tiêu hơn 20 triệu đồng cho nửa năm mua sắm.
Cô từng thấy hình thức mua sắm này rất tiện lợi. Bởi thời gian giao hàng nhanh, bản thân không cần ra ngoài mà vẫn có người vận chuyển sản phẩm đến nhà. Song từ thời điểm mới ra trường, cô đã hạn chế việc mua hàng trực tuyến vì thấy chất lượng sản phẩm không xứng đáng với số tiền bỏ ra.
"Mình vẫn mua sắm online nhưng đã có chọn lọc hơn. Có 2 mặt hàng là đồ nội thất và trang phục, mình không còn mua sắm trên nền tảng trực tuyến nữa.
Nếu mua online, bạn có thể tìm thấy sản phẩm giá rất rẻ trên này, chẳng hạn như một chiếc chảo giá 300 ngàn, quần áo và túi xách chỉ tầm 250 ngàn đổ về. Mình từng chi rất nhiều tiền cho việc mua hàng giá rẻ, vì nghĩ bản thân được lời. Nhưng quần áo mua về nhàu nát chỉ sau 2-3 lần giặt, chảo dùng được 3 tuần thì phải thay mới, túi xách chỉ dùng 1 tuần là hỏng bên quai.
Hiện tại, mình chỉ mua hàng decor nhà cửa, vật dụng linh tinh như sách vở và cốc trên sàn thương mại điện tử. Vì chúng có giá thành rẻ nên bản thân cũng không rơi vào trạng thái tiếc nuối quá lâu nếu mua phải sản phẩm kém chất lượng".
Ảnh minh hoạ
Từ khi ra trường, Nam Anh đã nâng số tiền mua trang phục tăng gấp 2-3 lần thời sinh viên. Cô từ bỏ việc mua quần áo và phụ kiện có giá thành dao động dưới 300 ngàn, chuyển sang mua mặt hàng giá 500 - 700 ngàn đồng. Dù mua sản phẩm có giá đắt hơn, song cô thấy đây là hình thức tiết kiệm tiền và đầu tư cho bản thân xứng đáng.
"Quần áo giá rẻ thì dễ hỏng, phai màu. Đồ phụ kiện cũng vậy. Hồi xưa mình mua trang phục giá rẻ thì chỉ dùng được vài tháng là bỏ. Nhưng quần áo đắt tiền thì bền hơn, có khi mặc được 1-2 năm mới xuống cấp, nên mình nghĩ đây lại là hình thức tiêu tiền hợp lý".
Cũng giống Nam Anh, Minh Thư (23 tuổi, kinh doanh tự do) cũng lựa chọn mua mỹ phẩm đắt tiền hơn để đổi lại giá trị sử dụng tương xứng.
"Nói mình mua mỹ phẩm đắt đỏ thì không đúng. Chỉ là khi so sánh với bạn bè đồng trang lứa, họ thường nói mình chi tiền đắt gấp 1,5 - 2 lần với mức bình quân. Cụ thể, mỗi tháng mình dành 3-4 triệu đồng tiền mua mỹ phẩm. Da mình là loại nhiều mụn, nhạy cảm nên cần đầu tư tiền mỹ phẩm đắt. Mình từng dùng mỹ phẩm giá rẻ hơn nhưng hiệu quả mang lại không cao, có khi còn làm tình trạng da xấu đi.
Ảnh minh hoạ
Ngoài ra, hồi trước mình có một thói quen rất xấu là không tìm hiểu kỹ mỹ phẩm nào phù hợp với tình trạng da. Do đó trong lúc lướt mạng, nếu thấy KOL giới thiệu sản phẩm giá rẻ, nói rằng 'nó có chất lượng tốt' thì mình thường mua chúng mà không suy nghĩ nhiều. Tình trạng này diễn ra nhiều vào ban đêm. Đó là lúc mình nghỉ ngơi, dễ nảy sinh suy nghĩ 'thưởng' cho bản thân món đồ này kia.
Từ khi bỏ thói quen chốt đơn linh tinh buổi đêm, cộng dùng mỹ phẩm đắt tiền thì các vấn đề của da cải thiện đáng kể. Dù hiện tại mức chi tiêu cho mỹ phẩm của mình khá cao, nhưng mình chưa có dự định cắt bớt. Có lẽ mình sẽ tìm cách gia tăng thu nhập để giữ mức sống tốt như hiện tại".
Hà Trang (21 tuổi, nhân viên truyền thông) cho biết bản thân từng vay 14 triệu đồng để mua máy tính mới. Cụ thể, 1 năm trước máy tính của Trang bị hỏng. Với mức lương làm thêm chỉ 3-5 triệu đồng/tháng, cô cho rằng một chiếc máy tính 6-9 triệu đồng sẽ phù hợp với túi tiền của sinh viên hơn. Tuy nhiên, cô đã thay đổi suy nghĩ sau khi được một người anh họ mời mua lại máy tính.
Trang nhớ lại: "Trước đó, mình đã chốt sẽ mua máy tính khoảng 8 triệu đồng rồi. Nhưng anh mình gợi ý mua lại máy tính của anh. Máy anh mình mới, có giá bán ban đầu là 25 triệu đồng. Vì muốn lên đời máy khác nên anh chấp nhận bán máy chỉ sau 1 tháng sử dụng, vẫn có bảo hành đầy đủ với giá 20 triệu đồng. Mình nghĩ đây là mức giá khá hời. Vả lại mình từng dùng thử máy 1 lần và rất thích tính năng của chúng nên chấp nhận vay thêm 14 triệu đồng từ người thân để mua".
Ảnh minh hoạ
Trang nghĩ lại, mua máy tính 20 triệu đồng là pha chi tiền "bốc đồng" của cô. Song cô thấy đây là lần tiêu tiền rất hợp lý.
"Mình từng dùng loại máy tính giá chỉ 6-9 triệu đồng thì thấy chúng cấu hình thấp, dễ chai pin, ít tính năng. Với một người làm ngành Truyền thông thường xuyên phải mang đồ đi khắp nơi thì mình thấy đầu tư cho máy tính 20 triệu mỏng, nhẹ càng đúng đắn hơn. Tất nhiên, thời gian đầu mua máy tính rất áp lực. Hầu như tiền lương mỗi tháng của mình đều dành hết cho việc trả nợ", Trang nói.
Hà Trang bày tỏ, sau lần mua máy tính gần nhất, cô luôn cố gắng sắm đồ công nghệ đắt tiền nhất so với mức thu nhập có thể bỏ ra. Bởi theo cô, hàng công nghệ có giá thành càng đắt thì hiệu quả sử dụng thu về càng cao.
"Những lần mua đồ công nghệ sau đó, mình thường lên mạng tìm hiểu kỹ về món đồ công nghệ để chắc chắn sản phẩm mua được phù hợp với túi tiền. Mình sẽ cố gắng tiết kiệm tiền để mua được món hàng tốt, dù số tiền bỏ ra có thể không phù hợp với thu nhập.
Chẳng hạn thời gian gần đây, mình có bỏ tiền mua điện thoại mới. Mình chấp nhận mua điện thoại đắt gấp đôi tháng lương hiện tại, dù phải chi tiêu tiết kiệm trong nhiều tháng sau", Trang chia sẻ về thói quen chi tiêu.