Tại sao cây phượng lại dễ gãy, đổ và không nên trồng ở nơi tập trung đông người?

Vũ Trịnh, Theo Tổ Quốc 14:27 26/05/2020
Chia sẻ

Dù là loài cây gắn liền với ký ức tuổi học trò nhưng phượng vĩ lại tiềm tàng những nguy hiểm mà nhiều người phải dè chừng.

Vụ việc diễn ra sáng nay khi một cây phượng được trồng trong khuôn viên trường THCS Bạch Đằng, TP.HCM bất ngờ bật gốc làm nhiều học sinh bị thương và đáng tiếc hơn là đã có 1 em tử vong khiến dư luận hết sức hoang mang. Nhiều người thắc mắc vì sao loại cây gắn liền với tuổi học trò, hay xuất hiện trong các tác phẩm thơ văn và được nhiều người yêu quý lại nguy hiểm đến vậy. Hãy cùng tìm lời giải cho câu hỏi này.

Tại sao cây phượng lại dễ gãy, đổ và không nên trồng ở nơi tập trung đông người? - Ảnh 1.

Hiện trường vụ việc thương tâm sáng nay

Phượng vĩ là một loại cây được trồng rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới bắt nguồn từ Madagascar. Với độ cao trung bình có thể lên tới 10 đến 15 mét, lại phân nhánh nhiều, mọc nghiêng, tán lá tỏa rộng tạo ra bóng râm đủ để che mát cho một khuôn viên có nhiều người đứng nên loại cây này được sử dụng phổ biến trên thế giới với mục đích ấy. Đặc biệt, tại Việt Nam, phượng vĩ được trồng nhiều tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, đặc biệt là Hải Phòng, nơi được mệnh danh là thành phố Hoa phượng đỏ.

Một trong những lý do khác để nhiều nơi ưa chuộng trồng loài cây này là dù là một loại cây cần nơi có khí hậu nhiệt đới hay cận nhiệt đới để phát triển, nhưng ngay cả trong điều kiện khô hạn và đất mặn thì phượng vĩ vẫn có thể chịu đựng được và sống ổn. Do đó, người ta trồng phượng ở khắp mọi nơi, dù ở địa hình trung du, vùng núi hay ven biển.

Tại sao cây phượng lại dễ gãy, đổ và không nên trồng ở nơi tập trung đông người? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của loại cây này chính là tuổi thọ không cao. Mỗi cây chỉ có thể sống trong khoảng 30 năm, hoặc nếu có điều kiện phát triển thuận lợi thì cũng chỉ có tuổi thọ kéo dài không quá 50 năm. Khi già cỗi, phượng dễ bị sâu bệnh và nấm tấn công phía bên trong thân cây và dần trở nên mục rỗng. Do đó, nếu không thay thế những cây già hoặc cây có dấu hiệu bị mục thì dễ tiềm ẩn các nguy cơ về các tai nạn bất ngờ.

Thân cây cũng có đặc tính là giòn và dễ gãy dù gặp phải những tác động không có lực không quá mạnh. Vậy nên trong mưa bão nếu không có phương pháp bảo vệ tốt, cây dễ gây nguy hiểm với mọi người xung quanh.

Loại cây sở hữu sắc hoa màu đỏ rực rỡ này lại có hệ rễ rất lớn nên cũng cần có diện đất rộng rãi để phát triển. Nếu trồng trong các khuôn viên công cộng như trường học, công viên với nền đất đã bê tông hóa, không gian sống của hệ rễ cây xanh bị thu hẹp, làm đứt đoạn sinh trưởng của rễ, từ đó khiến cây xanh có nguy cơ dễ ngã đổ hơn khi có mưa to gió lớn, mặt khác lại dễ gây tổn hại đến các công trình như làm nứt đường sá, sân chơi,... Trong thời tiết mưa nặng hạt, cây không thể thoát nước kịp cũng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn khi cây có thể bị bật gốc bất cứ lúc nào.

Tại sao cây phượng lại dễ gãy, đổ và không nên trồng ở nơi tập trung đông người? - Ảnh 3.

Độ an toàn của phượng vĩ đã được bàn đến ít nhiều trong các chủ trương trồng cây xanh ở các thành phố lớn. Nhiều người lo ngại việc trồng cây ở các dải phân cách, lề đường,... sẽ gây nguy hiểm cho người đi đường nếu gặp thời tiết bất lợi. Trong các cơn bão, xà cừ hay phượng là những loại cây dễ gãy đổ hơn cả và đã nhiều lần gây thiệt hại đáng kể.

Các trường hợp cây phượng ngã đổ đã xảy ra trước đây

Nguồn: Tổng hợp

Tại sao cây phượng lại dễ gãy, đổ và không nên trồng ở nơi tập trung đông người? - Ảnh 5.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày