4 kiểu phụ huynh EQ thấp dễ nuôi dạy nên đứa con bất hiếu

Đông, Theo Thanh niên Việt 00:00 05/07/2025
Chia sẻ

Mong bạn không trúng cái nào!

Không phải tự nhiên mà nhiều đứa trẻ lớn lên trong đủ đầy lại quay lưng với chính cha mẹ mình. Cũng không ít người trưởng thành, càng thành công lại càng xa cách đấng sinh thành. Nguyên nhân không chỉ nằm ở "đứa con bất hiếu" mà đôi khi là kết quả từ một quá trình nuôi dạy thiếu tinh tế của cha mẹ.

Dưới đây là 4 kiểu phụ huynh có chỉ số EQ thấp dễ khiến con trở nên lạnh lùng, vô ơn và dần cạn tình ruột thịt.

1. Phụ huynh luôn cho rằng mình "đẻ ra con" nên mình có quyền tuyệt đối

Một số cha mẹ luôn giữ tư tưởng "Con là của tôi, tôi sinh ra con thì con phải nghe lời". Với họ, con cái không có quyền phản biện, không có quyền được lựa chọn. Họ áp đặt từ việc học hành, bạn bè, ngành nghề đến cả phong cách sống của con.

Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường này thường mang hai thái cực hoặc là cam chịu và sống xa cách, hoặc là bùng nổ và rời bỏ gia đình. Cảm giác bị kiểm soát quá mức khiến trẻ không thể trưởng thành đúng cách, đồng thời nảy sinh tâm lý chống đối, bất mãn. Tình thân nếu không được xây bằng sự thấu hiểu, chỉ còn lại là sợi dây trách nhiệm mỏng manh dễ đứt.

2. Phụ huynh coi thường cảm xúc của con

"Khóc gì mà khóc, lớn rồi!", "Con nít biết gì mà buồn!", "Chuyện này mà cũng giận hả?"... là những câu nói rất điển hình của các bậc phụ huynh EQ thấp. Họ vô tình phủ nhận cảm xúc của con, cho rằng chỉ người lớn mới có quyền được mệt mỏi, được nổi nóng hay được buồn.

Trẻ em lớn lên trong môi trường thiếu sự lắng nghe sẽ dần thu mình, giấu cảm xúc, không còn muốn chia sẻ với cha mẹ. Khi trưởng thành, những đứa trẻ này sẽ học cách xử lý nỗi đau một mình và dần quên mất rằng gia đình từng là chốn không an toàn để sẻ chia. Lâu dần, cha mẹ mất đi vị trí trong lòng con, và khi già yếu, họ lại tự hỏi vì sao con cái không còn gần gũi như xưa.

4 kiểu phụ huynh EQ thấp dễ nuôi dạy nên đứa con bất hiếu- Ảnh 1.

Đừng trở thành cha mẹ EQ thấp! (Ảnh minh họa)

3. Phụ huynh so sánh con với "con nhà người ta" như một thói quen

"Mày nhìn con nhà người ta xem kìa", "Cùng tuổi mà sao nó giỏi thế, còn mày thì…", những câu so sánh quen thuộc tưởng chừng vô hại nhưng lại gây tổn thương sâu sắc. Mỗi lần bị đặt lên bàn cân với người khác, trẻ không chỉ cảm thấy mình thất bại mà còn mất niềm tin vào bản thân.

Sự tự ti tích tụ lâu ngày có thể khiến trẻ oán trách cha mẹ, cảm thấy bản thân không đủ tốt để được yêu thương vô điều kiện. Hơn nữa, sự so sánh còn khiến mối quan hệ cha mẹ - con cái trở thành cuộc thi đua vô nghĩa, nơi không ai là người chiến thắng. Khi trưởng thành, những đứa trẻ này thường lựa chọn im lặng, giữ khoảng cách, thậm chí tránh né gia đình như một cách tự bảo vệ chính mình.

4. Phụ huynh dùng tiền bạc để thay thế tình yêu thương

Có những cha mẹ nghĩ rằng miễn là cho con điều kiện sống tốt, học trường quốc tế, mua đồ hiệu, cho đi du học… thì nghĩa là đã làm tròn trách nhiệm. Họ quên mất rằng con cái cần được quan tâm thật sự, không chỉ qua vật chất mà còn bằng sự hiện diện, bằng lời động viên, bằng những khoảnh khắc cùng nhau.

Nhiều đứa trẻ tuy đầy đủ vật chất nhưng lại lớn lên trong cô đơn, thiếu tình cảm, thiếu một người cha hỏi han, một người mẹ lắng nghe. Khi lớn lên, những đứa trẻ ấy không cảm thấy biết ơn vì từng được chu cấp, bởi trong tâm trí chúng, cha mẹ chỉ giống như "nhà tài trợ", không phải người thân. Và khi cha mẹ già yếu, chúng cũng dễ quay lưng như cách người ta chấm dứt hợp đồng với một đối tác hết hạn.

Một đứa con bất hiếu không tự nhiên mà có. Nó là kết quả của quá trình tổn thương lặp đi lặp lại từ những năm tháng tuổi thơ. Khi cha mẹ hành xử thiếu tinh tế, EQ thấp và không chịu thấu hiểu, thì tình thân dễ bị bào mòn. Muốn con hiếu thảo, trước hết hãy làm người cha, người mẹ biết tôn trọng, lắng nghe và yêu thương con bằng cả trái tim chứ không chỉ bằng "quyền làm cha mẹ". Vì đến cuối cùng, thứ khiến một đứa trẻ ở lại, không phải là trách nhiệm, mà là cảm giác được yêu thương thật lòng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày