Tại sao bố mẹ có thể tiết kiệm ngày càng nhiều, trong khi con cái đi làm mà nợ nần chồng chất?

Cô Chang, Theo Trí Thức Trẻ 19:12 08/07/2022
Chia sẻ

Đây chắc chắn cũng là vấn đề mà rất nhiều bạn trẻ đã phải trăn trở.

Khi tôi chia sẻ với bố mẹ quyết định sẽ mua nhà, bố tôi nói nhỏ rằng ông vẫn còn 250.000 tệ (khoảng 870 triệu) trong thẻ ngân hàng, liệu tôi có muốn vay không. Khi nghe bố nói câu này, tôi rất sốc. Dù tôi biết rằng mức lương của tôi lúc đó không thấp, một tháng có thể kiếm được 10.000 tệ (khoảng 34.8 triệu), số tiền tiết kiệm từng tháng của tôi không quá 3.000 tệ (khoảng 10 triệu). Tôi tự nhủ, không biết đến bao giờ tôi mới có thể tiết kiệm được 250.000 tệ để có thể cất trong thẻ ngân hàng như bố mình. Tính sơ qua sẽ mất khoảng 83 tháng, gần 7 năm nếu trong cuộc sống của tôi không xuất hiện những biến cố bất ngờ như tai nạn, ốm đau hay nguy hơn cả là thất nghiệp.

Điều tôi khó tin chính là một thời gian dài trước đây, bố tôi đã phải một tay xây dựng, lo lắng cho gia đình về mặt kinh tế. Trên phải phụng dưỡng bố mẹ, dưới cần nuôi con cái đi học, ăn mặc, không để chúng tôi phải thua kém ai cả. Dù mẹ tôi cũng đi làm, nhưng cuộc sống gia đình vẫn phụ thuộc vào thu nhập của bố là chủ yếu.

Số tiền tiết kiệm của bố đã khiến tôi phải tự đặt ra câu hỏi, rằng tại sao người lớn có thể tiết kiệm, còn những thanh niên như chúng tôi càng đi làm lại nợ nần chồng chất? Dưới đây sẽ là 3 câu trả lời mà tôi đã tự rút ra được sau khi suy ngẫm về vấn đề này.

Tại sao bố mẹ có thể tiết kiệm ngày càng nhiều, trong khi con cái đi làm mà nợ nần chồng chất? - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Đầu tiên chính là do tôi đã coi thường khả năng tiết kiệm của người lớn. Trước khi tôi có quyết định muốn mua nhà, bố mẹ tôi đã bàn trước rằng muốn hỗ trợ tôi mua một miếng đất ở quê để sau này có lấy vợ thì cũng có vốn trước. Mặc dù lúc đó lương của tôi cũng không thấp, thu nhập hàng tháng cơ bản cũng hơn 10.000 tệ. Nhưng tôi vẫn không dám chủ động nhắc đến, vì thực sự trong túi tôi không có lấy một xu tiền tiết kiệm nào.

Tôi nói với bố một cách khá khoa trương rằng mặc dù thu nhập hàng tháng của tôi là 10.000 tệ, nhưng thu nhập thực tế có thể bỏ vào túi của tôi có thể là 3.000 tệ. Bởi số còn lại tôi đã phải chi hết để trang trải cho cuộc sống đắt đỏ. Sau khi nghe tôi kể khổ cuộc sống trên thành phố hạng nhất, bố tôi liền nói: “Không sao cả, trời có sập thì vẫn có bố giúp con chống đỡ. Cứ tự tin mà đi làm, kiếm tiền. Dù bây giờ chưa đủ tiền để mua đất nhưng đặt cọc để mua nhà hoàn toàn không có vấn đề gì cả.”

Trong khi tôi vẫn đang hoài nghi bố tôi đã nghe được câu “Tôi không có đồng nào trong tài khoản tiết kiệm cả” thì gia đình đã bắt đầu lùng sục tìm kiếm một căn chung cư hai phòng ngủ, một phòng khách, vị trí thuận tiện đi lại ở quê. Cuối cùng chúng tôi tìm thấy một căn nhà ở tầng 8, phù hợp với những điều kiện đã được đặt ra. Nhưng muốn mua được căn nhà này phải đặt cọc ít nhất là 250.000 tệ. Khi cả bố và tôi đều nhắm được nhà, nghe thấy giá tiền đặt cọc, ông ấy vỗ vai tôi và nói: "Được rồi, chúng ta chọn căn này”. Bố tôi đã rất thoải mái khi nói điều này, và nó thoải mái đến mức tôi không thể tin được. Chẳng lẽ bố tôi là thế hệ thứ hai giàu có trong truyền thuyết? Hay là bao năm nay ông làm ra rất nhiều tiền mà chỉ giả vờ không có tiền trước mặt tôi?

Tại sao bố mẹ có thể tiết kiệm ngày càng nhiều, trong khi con cái đi làm mà nợ nần chồng chất? - Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

Thấy tôi nhìn ông bằng ánh mắt ngạc nhiên, ông cũng nói nhỏ: “Bao năm qua nhà cũng dành dụm được một số tiền. Không nhiều cũng không ít, cũng chỉ đủ 250.000 tệ thôi. Bố mẹ chỉ giúp được đến đây, còn lại thì con phải tự thân gánh vác.” Lời thì thầm đó khiến tôi suýt khóc, trong suy nghĩ của tôi bố tôi chưa bao giờ là người có thể kiếm được nhiều tiền như vậy.

Theo như bố tôi từng nói, lương tháng của ông chỉ là khoảng 4000 - 5000 tệ (khoảng 14 - 17 triệu). Thi thoảng, ông cũng sẽ phụ giúp những người hàng xóm trông quầy hàng ngoài chợ để kiếm thêm một khoản nhỏ. Ngoài những khoản này, ông ấy chưa bao giờ được cho là có bất kỳ khoản thu nhập nào từ hoạt động kinh doanh cả. Gia đình tôi ăn mặc no đủ cũng nhờ những đồng thu nhập của bố. Lên đến đại học, trước khi tôi bắt đầu đi làm thêm, bố tôi cũng chính là người trả khoản sinh hoạt phí cho tôi. Thế mà hiện tại, bố tôi đã không ngần ngại mà lấy ra 250.000 tệ đưa cho tôi, điều đó khiến tôi choáng váng.

Điều thứ hai chính là sự khác biệt giữa cách chi tiêu của người trẻ và phụ huynh. Tôi rất xin lỗi, chúng ta phải thừa nhận rằng các bậc cha mẹ trên đời không giống nhau, một số phụ huynh có thể tiết kiệm tiền, và một số lại không tiết kiệm được nhiều tiền như vậy. Nhưng luôn có một số bậc phụ huynh nhìn bề ngoài dường như không kiếm được nhiều tiền, nhưng thực tế lại luôn khiến chúng ta phải bất ngờ.

Đầu tiên tôi sẽ nói về hoàn cảnh cuộc sống của bố mẹ tôi. Bố mẹ tôi thường ăn một phần bánh bao hấp và một bát cháo trắng vào buổi sáng. Buổi trưa, họ tự nấu mì hoặc đến tạp hoá gần đó để mua một một món gì đấy có thể ăn no được. Buổi tối, thỉnh thoảng họ sẽ cải thiện bữa ăn bằng cách mua một con gà rán, thậm chí, hai người còn chia ra thành 2 - 3 bữa để xử lý hết món đồ gọi về đấy.

Trong những năm qua, chi phí sinh hoạt hàng ngày của bố mẹ tôi về nguyên tắc là khoảng 10 tệ (khoảng 35 ngàn), một tháng có thể đủ 300 tệ (khoảng 1 triệu), và chỉ 3.000 tệ (khoảng 10 triệu) một năm. Tổng số tiền tiết kiệm trong năm có thể vượt quá 50.000 tệ (khoảng 174 triệu), và chỉ cần 5 năm là có thể tiết kiệm được 250.000 tệ (khoảng 870 triệu).

Về phần tôi, mặc dù lúc đó công việc của tôi đã được cải thiện và về cơ bản tôi có thể đảm bảo thu nhập hàng tháng trên 10.000 tệ (khoảng 34.8 triệu) nhưng tiền tiết kiệm thì không nhiều, thậm chí phải nói là cực kỳ ít ỏi. Ngày thường, tôi tiêu xài hoang phí, sẵn sàng ăn cả con gà rán, có khi ăn không hết. Mặc dù tôi có thể kiếm được 10.000 tệ, nhưng tôi đã bỏ tiền ra để chi trả cho hàng loạt chi phí, bao gồm tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống, đi lại… Cho nên, đơn giản là cứ cuối tháng thì nợ nần chồng chất, phải đợi đến tháng lương thứ hai mới có thể hoàn tất những khoản phải trả của tháng đầu tiên.

Tại sao bố mẹ có thể tiết kiệm ngày càng nhiều, trong khi con cái đi làm mà nợ nần chồng chất? - Ảnh 3.

(Ảnh minh hoạ)

Điều thứ ba chính là các bậc phụ huynh đã xây dựng được các quan điểm tiêu dùng dù cơ bản nhưng vô cùng hợp lý. Bây giờ tôi cũng đã bắt đầu tiết kiệm tiền sau khi được bố mẹ khuyên nhủ, và tôi đã tiết kiệm được một khoản kha khá, khoảng 100.000 tệ (khoảng 348 triệu). Và điều họ đã khuyên tôi chính là: “Tuổi trẻ thì không có chuyện không dám tiêu, nhưng điều cần chú ý chính là hãy chi tiêu có mức độ. Không nên móc hết tiền trong túi ra, rồi đến một thời điểm nào đó cần đến tiền thì lại rỗng ví”.

Ngoài ra, thực tế tôi đã làm việc chăm chỉ để kiếm tiền trong suốt những năm qua. Sau khi mua nhà, tôi đã sửa sang lại ngôi nhà và trả nợ thế chấp theo tháng. Cuộc sống của tôi trở nên đơn giản hơn, những chi tiêu dần có kế hoạch hơn, dù vậy, tôi vẫn không quên những khoản tiền để tặng cho bố mẹ vào các kỳ lễ. Xét về tổng thể, tôi chỉ là một thanh niên không giỏi tiết kiệm tiền bạc, tôi đã phạm phải rất nhiều sai lầm trong khoảng thời gian vừa qua. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tôi vẫn sẽ làm việc chăm chỉ hơn nữa để báo hiếu với bố mẹ của mình.

Nguồn ảnh: Weheartit  

https://kenh14.vn/tai-sao-bo-me-co-the-tiet-kiem-ngay-cang-nhieu-trong-khi-con-cai-di-lam-ma-no-nan-chong-chat-20220708155212195.chn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày