Bài thơ Bắt Nạt (tác phẩm được in trong sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 6, tập 1, bộ Kết nối tri thức và cuộc sống) của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh đang là chủ đề gây tranh cãi suốt nhiều ngày qua.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên bài thơ này được dân tình đặt lên bàn cân tranh luận. Trước đó là vào năm 2021, Bắt Nạt cũng bị nhiều người đem ra “mổ xẻ”, phân tích thậm chí là bình phẩm rôm rả. Số đông ý kiến cho rằng bài thơ khá... tối nghĩa với những hình ảnh so sánh khập khiễng như: nhảy híp hóp, ăn mù tạt,... chất thơ thì nghèo nàn, nội dung bài có vẻ như đang khiêu khích sự sân si, thách thức lòng thù hận của các bạn nhỏ. Tóm lại, việc đưa bài thơ này vào sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 6 là... không phù hợp.
Không chỉ dừng lại là những ý kiến của cộng đồng mạng, bài thơ Bắt Nạt còn bị nhiều chuyên gia, tiến sĩ giáo dục nhận xét là “vô tri”, không có giá trị về nội dung, tư tưởng và ý nghĩa.
Nội dung bài thơ Bắt Nạt trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6
Bài thơ này nằm trong tập thơ Ra Vườn Nhặt Nắng của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh, được xuất bản từ năm 2017
Chúng tôi đã liên hệ với nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh và được nghe những chia sẻ của anh giữa lúc “đứa con tinh thần” một lần nữa lại thành chủ đề ồn ào trên MXH.
Xin chào nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh,
Trước tiên, anh có thể chia sẻ thông điệp mà bản thân muốn truyền tải qua bài thơ Bắt Nạt được không?
“Bắt nạt là xấu lắm” là một thông điệp dễ thấy. Nhưng thông điệp sâu thẳm của bài thơ là về tính quân tử và yêu thương muôn loài: “Đừng bắt nạt ai cả”.
Lần đầu tiên bài thơ Bắt Nạt được đưa vào sách giáo khoa (SGK), anh cảm thấy thế nào?
Tôi không quá bất ngờ sau gần 30 năm sáng tác và có nhiều độc giả đã đoán trước, đã trông đợi điều này. Nhưng tôi cũng vui vì bài thơ có thêm vị trí xứng đáng và có thể giúp ích được cho nhiều bạn nhỏ hơn.
Anh từng nghĩ một ngày nào đó, đứa con tinh thần của mình sẽ bị dân tình đặt lên bàn cân tranh luận hay chưa?
Ngay cùng niềm vui khi đồng ý vào SGK là nỗi lo lắng sẽ phải gặp thêm nhiều phiền phức, mất thời gian. Vì xã hội có nhiều người đố kỵ, vì động chạm đến một thói quen lớn là bắt nạt của rất nhiều người, vì đặt thêm trách nhiệm của mình ở hai khổ thơ cuối, vì những người không hiểu văn chương nhưng có bàn phím ngày càng đông. Nhưng khi gật đầu là tôi đã sẵn sàng.
Lần thứ hai bài thơ của anh bị tranh luận, có khác gì lần thứ nhất không?
Lần này lứa tuổi chê có nhiều phụ huynh hơn, độ tuổi trung bình chắc ít hơn tôi dăm bảy tuổi hoặc hơn, (tôi đã già rồi sao?). Lần trước thì có nhiều bạn Gen Z. Sau khi “war” về bài thơ Bắt Nạt năm 2021 kết thúc với những bài viết và bài báo chỉ ra cái hay rõ ràng, những bạn tấn công đã rút hết.
Trong vòng 2 năm trước khi diễn ra war mới này, mọi thứ đã được trả lại sự yên bình dù không dựng rào cản gì. Gần như không có bình luận chê hay emoji giận dữ, buồn bã; chỉ còn lác đác spam trong tin nhắn và các trang khác. Tôi thầm nghĩ, wow, nhiều bạn Gen Z hiểu nhanh và chơi được đấy chứ. Có khi một phần các bạn chê đã thành người hâm mộ mới của tôi như dự đoán, sau khi họ trải nghiệm thêm tác phẩm trên trang cá nhân và hiểu ra vấn đề, hiểu ra tầm của tác giả.
Tôi chưa biết quá trình chuyển hóa thành fan của lớp chiến binh mới này mất bao lâu nhưng cái hay thực sự nhiều khi cũng có tác dụng cảm hóa. Chắc cũng sẽ có những người cố gắng dỗi lâu đấy, kiểu: Toàn người chẳng có lập trường gì cả, chưa chi đã về phe lão kia, còn mỗi mình là giữ ý chí ghét chàng được 3 tháng rồi, cũng phải kiên trinh lắm chứ có phải đùa đâu.
Những phần trong bài thơ bị dân tình cho là "vô tri"
Anh có thể nêu ngụ ý về hai hình ảnh “trêu mù tạt” và “nhảy híp hóp” - hai chi tiết bị chê nhiều nhất trong bài thơ của mình được không?
Ăn mù tạt là thử thách có độ khó với nhiều người, nhất là trẻ em. Người mạnh đến mấy cũng khó có thể ăn hết được ngay một tuýp mù tạt nhỏ bé nên mù tạt cũng là ẩn dụ cho kẻ mạnh hơn. Người hay “thử kẻ yếu” thường tự tin mình ngầu nhưng ngay lúc đó nếu nghĩ tới chuyện đứng trước kẻ mạnh hơn (“trêu mù tạt”) có thể sẽ có sự tự vấn. Như Dế Mèn ra oai với Dế Trũi nhưng lại hèn nhát bỏ chạy sau khi trêu chị Cốc để rồi phải xấu hổ, ân hận về bản thân. Những người làm SGK đặt bài thơ Bắt Nạt sau đoạn trích từ Dế Mèn Phiêu Lưu Ký đã tạo ra một sự kết nối câu chuyện, ý nghĩa rất tuyệt vời.
Mù tạt không chỉ gợi lên sự “khó nuốt”, nó còn gợi lên hình ảnh bữa ăn thân thiết với những trận cười sảng khoái khi nhìn người ăn thay phiên nhau vò đầu bứt tai mà không ai giận ai. Hay “trêu mù tạt” cũng là một hình ảnh có tính hoạt hình. Thơ cho trẻ em cần gợi nhiều hình ảnh, cảm giác vui nhộn như vậy, giúp giảm căng thẳng thì mới tránh được giáo điều.
“Hip hop” cũng là hình ảnh tươi vui, đại diện cho sự mới mẻ, năng động, tự do, hội nhập với thế giới của giới trẻ thời đại mới. Nếu bạn nhỏ nào chưa biết đến mù tạt, hay hip hop thì giải thích trong vài giây mở điện thoại là bạn ấy hiểu ngay. Nạp từ mới là chuyện tự nhiên hàng ngày của trẻ con mà, có gì khó đâu. Từ mới là để đầu óc mới hơn mà.
Anh nghĩ sao khi bài thơ Bắt Nạt bị mọi người, trong đó có nhiều chuyên gia, tiến sĩ giáo dục nhận xét là vô tri, so sánh khập khiễng, không có giá trị về ý nghĩa?
Tôi nghĩ là để có thêm hiểu biết về nghệ thuật, họ có thể tham khảo bài viết của những người đã nhìn ra nhiều cái hay của bài thơ.
Tại sao bài Bắt Nạt phù hợp để đưa vào SGK?
Với tôi thì bài Bắt Nạt có đủ nhạc tính của thơ ca; đủ độ rộng lớn của ý tưởng trong hình thức thơ đơn giản và dễ hiểu với trẻ em; có đủ chiều sâu tư tưởng như gửi gắm tính quân tử, lòng thương muôn loài; kết cấu nghị luận mạch lạc, dùng từ đắt và có nhiều kỹ thuật văn chương khác. Có thể tham khảo bài viết “Một số nghệ thuật trong bài Bắt Nạt” trên Facebook của tôi.
Dành cho các bạn lớp 6 hay lớp nào thì bài thơ cũng hợp với tư cách một tác phẩm văn chương cao cấp cho thiếu nhi để có thể khám phá nhiều điều. Mãi đến giờ, có nhiều hướng dẫn rồi mà bao người lớn đã khám phá xong đâu.
Theo tác giả, cộng đồng mạng đang có suy nghĩ chưa đúng về bài thơ Bắt Nạt ở điểm nào? Nếu có cơ hội để “bào chữa”, tác giả sẽ nói gì với họ?
Cơ bản các nhận định là “bài thơ vô tri chẳng được cái gì cả” hoặc “được cái này nhưng chưa được cái kia”. Nhưng bài Bắt Nạt nằm trong tập thơ thiếu nhi Ra Vườn Nhặt Nắng cho trẻ em mà tôi tuyển chọn kỹ càng. Với tôi, tuyển chọn kỹ càng nghĩa là chọn ra những bài có sự hoàn hảo nhất định. Khi tôi đã cố gắng làm tốt nhất bằng năng lực làm thơ hàng đầu, tôi không có gì phải bào chữa cho sự hoàn hảo.
“Một tác phẩm sống được là nhờ tiếng lòng của người cầm bút” (Puskin), anh nghĩ tác phẩm của mình có điểm gì khác biệt mà khiến nó “sống được” dù trải qua nhiều tranh cãi? “Tiếng lòng” của anh trong bài thơ Bắt Nạt là gì?
Tiếng lòng của tôi là luôn đề cao chất lượng khi làm thơ, trong từng từ, từng dấu câu và mạch kết nối toàn bài. Nhất là với những bài thơ được chọn lọc thì tiếng lòng lại càng được nhắc đi nhắc lại, qua nhiều khâu kiểm định. Còn tiếng lòng cảm xúc thì nằm trong thông điệp của bài thơ. Đó là lí do bài thơ Bắt Nạt sẽ còn được nhiều người nhắc đến cả khi những người chê nó đã bị lãng quên.
Trước phản ứng của dư luận, anh cũng có nhiều bài viết nhằm bảo vệ quan điểm của mình với những ngôn từ khá gay gắt. Việc hơn thua với cư dân mạng như vậy có nên hay không, nhất là trong cương vị một người có cả tác phẩm được cho vào SGK?
Đó không phải hơn thua đâu. Đó là giữ vững giá trị của cái mình cho là hay, là đúng. Chính sự kiên định đó làm nên sự lâu bền cho chất lượng tác phẩm của tôi. Và cũng nhiều cư dân mạng thấy vui vì có tác giả yêu thích như vậy mà. Có thể tôi không làm hài lòng được tất cả nhưng giá trị cao cấp sẽ làm hài lòng người thích giá trị cao cấp.
Bao giờ cuộc “đấu khẩu” này mới kết thúc?
Tôi thì không nói hay thành dở, đúng thành sai được rồi. Nên…
Cảm ơn những chia sẻ của anh!