Cá hồi từ lâu đã được biết đến là một món ăn thực sự bổ dưỡng, cung cấp nhiều khoáng và dưỡng chất cho cơ thể. Cũng bởi thế mà bên cạnh việc khai thác cá ngoài tự nhiên, con người đã phải lập nên nhiều trang trại cá hồi, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ đến từ thị trường.
Dẫu vậy, chất lượng cá hồi nuôi và cá tự nhiên vẫn là khác nhau. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cá hồi ngoài tự nhiên không những ngon hơn, mà chứa đựng nguồn năng lượng và dưỡng chất hơn hẳn so với loại được nuôi.
Tuy nhiên với người Canada thì hơn 2 năm qua, chẳng ai dám động đến miếng cá hồi tự nhiên nào cả. Và lý do đến từ đường ống đỏ ngầu trong ảnh dưới đây.
Để biết đường ống này là gì, hãy quay về năm 2017. Tháng 12 năm ấy, dư luận Canada đã cực kỳ sốc sau khi Tavish Cambell - chuyên gia bảo tồn - phát hiện đường ống dẫn máu bị nhiễm bẩn được xả thẳng ra tuyến đường lớn nhất quốc gia dành cho cá hồi di cư, nằm tại đảo Discovery thuộc bang British Columbia.
Cambell đã thực hiện nhiều chuyến thám hiểm trong tháng 4, tháng 6, và tháng 10 năm 2017 để thực hiện một đoạn video vạch trần sự thật này. Tuy nhiên bất chấp sự phẫn nộ của dư luận, trong lần trở lại mới đây Cambell vẫn thấy đường ống hoạt động.
Đường ống xả máu nhiễm virus ra tuyến đường di cư của cá hồi lớn nhất Canada vẫn hoạt động
Vấn đề nằm ở chỗ, số máu này được cho là đến từ các trang trại nuôi cá hồi nhân tạo, trong đó có chứa dư lượng kháng sinh và thậm chí là cả virus gây bệnh cho cá nữa.
"Các chuyến lặn gần đây cho thấy máu vẫn tiếp tục được xả ra, và đang nhiễm một dạng virus có tên Piscine orthoreovirus. Loại virus này có nguồn gốc từ Đại Tây Dương, và có đến 80% số cá hồi nuôi tại British Columbia đang nhiễm," - Campbell giải thích.
"Các nghiên cứu đã chứng minh rằng virus này có hại cho cá hồi tự nhiên từ Thái Bình Dương."
Được biết, đường ống này dẫn đến công ty chế biến cá hồi nuôi Đại Tây Dương tên Brown's Bay Packing. Năm 2017, công ty này đã đăng đàn khẳng định số máu ấy đã qua xử lý, loại bỏ hết các khuẩn bẩn trước khi thải ra môi trường, và điều đó là hoàn toàn hợp pháp. Nhưng trái với tuyên bố của họ, các mẫu khám nghiệm trước đó đều cho thấy dấu vết nhiễm bệnh, như ấu trùng giun sán và virus PVR (Piscine reovirus - một dạng virus gây bệnh tim ở cá hồi).
Như đã nêu, việc đánh bắt quá mức cá hồi sẽ gây ra nhiều hệ quả cho hệ sinh thái, nên con người đã tạo ra các trại nuôi cá để đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, bản thân các trang trại này cũng gây ra nhiều vấn đề cho môi trường, mà điển hình nhất chính là đường ống xả máu trong trường hợp này.
Cá hồi nuôi trong tình trạng chật hẹp, thiếu không gian đã trở thành môi trường lý tưởng để mầm bệnh và ký sinh trùng lây lan. Như PRV, nó lần đầu được xác nhận vào năm 2010, tại các trang trại nuôi cá hồi Đại Tây Dương.
Quay trở lại với đường ống xả máu kinh khủng trên, việc để máu nhiễm virus tràn ra môi trường có thể khiến cá hồi hoang dã gặp nhiều hệ quả, không chỉ với tuyến đường cá hồi di cư lớn nhất nó đang xả ra, mà còn đến mọi khu vực mà dòng máu này sẽ chảy đến. Dù hiện vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể nào đánh giá tác hại của đường ống, Campbell vẫn tỏ ra nghi ngại rằng đây là một trong những lý do khiến số lượng cá hồi ngày càng giảm.
Cá hồi trở lại Canada đang ít hơn bao giờ hết
"2019 là một năm cho thấy số lượng cá hồi quay trở lại ít nhất lịch sử Canada," - Campbell chia sẻ.
"Tuyệt chủng là thế này chứ đâu, và nó đang xảy ra ngay trước mắt chúng ta."
Cũng theo Campbell, nhiều chính trị gia đã hứa sẽ giải quyết triệt để câu chuyện xả thải của các trang trại cá hồi vào năm 2025.