Thị trường mạng xã hội ngày nay nổi tiếng nhất là ông trùm Facebook cùng "chân tay" Instagram đã về một nhà. Có những kẻ đã bại trận và chịu khai tử như MySpace, Google+, nhưng cũng vẫn còn đó những tên tuổi đang rất cứng đầu, thậm chí sẵn sàng vùng lên cướp top bất cứ lúc nào như Snapchat, Twitter.
Snapchat nói đúng ra là đối trọng của Instagram thì đúng hơn. Nhưng còn Twitter, đã 12 năm có lẻ mà vẫn chưa có nổi tính năng chỉnh sửa status, vậy tại sao nhiều người vẫn thích sử dụng nó hàng ngày, đặc biệt là khu vực Âu Mỹ?
Nói về đặc trưng khó hiểu này của Twitter một chút, ngay từ đầu đã không hề có một nút dành cho chức năng chỉnh sửa dòng tweet của người dùng được lập ra. Chưa có lời tuyên bố chính thức của đại diện công ty, nhưng nhiều nguồn tin thân cận cho rằng đó là cách Twitter thể hiện mục đích độc đáo của mình: Giữ cho nội dung Internet được "trong sạch" và thẳng thật nhất.
Cách hoạt động và thiết kế giao diện của Twitter trông không khác gì một cuộc nói chuyện "chat chit" giữa nhiều người với nhau, kể cả khi đó là tính năng bình luận chứ không phải nhắn tin riêng tư. Nếu đủ hấp dẫn, một chủ đề có thể thu hút hàng nghìn hoặc trăm nghìn người bình luận lần lượt với nhau. Trong tình huống này, việc ai đó bỗng nhiên sửa nội dung bình luận của mình sẽ phá hoại mạch bình luận, có thể tiếp tay cho sự dối trá và lấp liếm nội dung. Quan điểm này cũng được áp dụng tương tự trong việc gửi email: Bạn không thể nào sửa nó sau khi đã bấm nút gửi.
Theo nhiều chuyên gia, thời gian và công sức bỏ ra để làm một nút "edit" trên Twitter có lẽ chỉ mất 20 phút, nhưng quả thực họ không muốn làm vậy ngay từ đầu. Mặc cho nhiều người đang dần cảm thấy khó chịu, vẫn còn một bộ phận đông đảo không nề hà gì và yêu thích nét đặc trưng này của Twitter, vì nó giúp tạo ra những tình huống hài hước.
JAck Dorsey - CEO của Twitter.
Cụ thể, nếu muốn sửa lại một lỗi gì đó mình vừa đăng lên Twitter, cách duy nhất là xóa hoàn toàn đi và viết lại. Thử tưởng tượng đối với một người nổi tiếng có hàng triệu follower, post đang nhiều Like mà lại xóa đi vì một lỗi nhỏ không vừa ý như chính tả thì có buồn cười và được bàn tán rôm rả không cơ chứ.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, CEO của Twitter - Jack Dorsey - cũng đã có lời tiết lộ nhá hàng về tính năng còn thiếu này.
"Chúng tôi có thể sẽ thiết kế nó với chức năng 'chờ gửi' tạm thời. Chẳng hạn, trong khoảng 5-30 giây sau khi đăng dòng tweet, bạn sẽ có quyền rút lại và sửa nếu chưa vừa ý. Còn lại, nếu để lâu hơn, bạn sẽ tự đánh mất quyền lợi đó," trích lời Dorsey. Ngoài ra, kể cả khi dự định này được thực hiện, Jack Dorsey cũng cho biết sẽ cho phép người khác xem được bản gốc trước khi chỉnh sửa, giống như cách mà Facebook đã làm.