Thường xuyên "ghé thăm" WC cũng có thể là bệnh

Bác sĩ Mèo, Theo Mask Online 12:00 18/07/2012

Thật là phiền toái đấy các bạn ạ!



Dạo gần đây, em rất hay có cảm giác mắc đi đại tiện, thậm chí có ngày em phải đi đến 6 - 7 lần. Mỗi khi đi xong là em lại thấy rất rát và xót ở vùng hậu môn. Không những thế, đôi lúc em dùng giấy vệ sinh chùi thì phát hiện có vết mủ màu đỏ cam trên giấy. Tuy nhiên, em chỉ gặp những triệu chứng này mỗi khi đi đại tiện mà thôi, còn những lúc bình thường thì em không hề cảm thấy đau hay khó chịu gì cả. Mong bác sĩ giải đáp liệu em có mắc phải bệnh gì nguy hiểm không và cách chữa trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (anna_and...@yahoo.com)


Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã bị nứt ống hậu môn, dẫn đến bị viêm nhiễm.

Ống hậu môn được cấu tạo bằng hai loại cơ vòng. Lớp cơ trong là một phần của thành đại tràng. Cơ vòng ngoài nằm dưới lớp bì hậu môn, có nhiều sợi thần kinh cảm giác và vận động, giúp giữ chặt phân và hơi trong trực tràng.

Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nứt ống hậu môn:

- Sang chấn tại chỗ gây căng giãn quá mức ống hậu môn như: đi đại tiện phân cứng khô đã tạo nên vết rách niêm mạc theo chiều dọc ở ống hậu môn.

- Tiêu chảy nhiều lần.

- Các bệnh viêm vùng hậu môn trực tràng.

Vết nứt cấp tính thường nông và mau lành nếu điều trị đúng. Vết nứt mãn tính (kéo dài hơn 1 tháng) gây loét sâu đến tận cơ thắt hậu môn, thường do tác nhân gây bệnh chưa được giải quyết.
 
Hiện nay để điều trị nứt ống hậu môn, các bác sĩ thường sử dụng 2 phương pháp chính sau:

1. Điều trị không phẫu thuật: Đây là cách điều trị căn bản áp dụng cho mọi vết nứt hậu môn nhằm loại bỏ những tác nhân gây bệnh và giúp tăng cường máu nuôi đến niêm mạc tổn thương như:

- Chống táo bón hay làm mềm phân giúp loại bỏ được tác nhân gây bệnh. Bệnh nhân phải uống thật nhiều nước (hơn 2 lít/ngày) và tăng cường các chất xơ trong bữa ăn (rau cải, đậu, trái cây...). Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cho sử dụng một số thuốc làm mềm phân để làm giảm triệu chứng đau và chảy máu.

- Dùng 1 số thuốc mỡ thoa tại chỗ thuộc nhóm Nitroglycerin hay ức chế  canxi giúp làm giãn cơ vòng trong và tăng tưới máu vùng nứt, liệu pháp này có thể giúp lành bệnh với tỷ lệ từ 65%-90%. Tuy nhiên các tác dụng phụ của thuốc trên là nhức đầu, bốc hỏa đỏ mặt, tụt huyết áp…làm bệnh nhân không thể tiếp tục với liều điều trị kéo dài nhiều tuần.

- Chích độc tố Botilinum (Botox) vào cơ vòng trong gây giãn cơ vòng trong khoảng 2-3 tháng, vết nứt mãn tính có thể lành đến 60-80% các trường hợp. Tuy nhiên chi phí chích Botox rất cao và cũng hay tái phát.
 
2. Điều trị phẫu thuật:
 
Phẫu thuật đơn giản là cắt 1 phần bên cơ vòng trong ống hậu môn giúp giảm đau, giãn cơ và lành vết mổ. Bệnh nhân có thể xuất viện ngay hôm sau, giảm đau sau mổ vài ngày và lành hẳn vết nứt sau vài tuần. Tỷ lệ thành công của phẫu thuật lên đến 90%.

Thất bại hay tái phát là do cắt cơ vòng không đủ, trường hợp này có thể thực hiện phẫu thuật lại bằng cách cắt bên kia. Tuy nhiên nếu cắt nhiều cơ vòng quá thì sẽ gặp phải nguy cơ mất tự chủ trung đại tiện.

Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được chỉ định điều trị thích hợp cho mình.

Ngoài ra, em cũng nên chú ý:

- Hạn chế làm việc nặng; ngồi lâu, đứng nhiều; không dùng các thức ăn dễ gây kích thích như ớt, hạt tiêu...
 
- Tránh táo bón bằng cách: tập đi đại tiện đúng giờ, ăn những thức ăn làm phân mềm như rau xanh, củ cải chín, mướp đắng, dưa chuột, cải bắp, táo tây, chuối tiêu, vừng đen, mộc nhĩ trắng... và uống nhiều nước (tối thiểu 2 lít/ngày)
 
- Giữ tâm trạng luôn thoải mái, tránh cáu giận. Nếu hay lo lắng âu sầu sẽ làm niêm mạc ruột co bóp, máu không lưu thông.

- Luôn giữ vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn để tránh viêm nhiễm.
 
Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!