|
Dạo gần đây không hiểu vì nguyên nhân gì mà phần lợi ở vùng răng cửa hàm dưới của em bị mòn đi và tụt xuống, làm lộ gần như hết cả chân răng. Trước nay răng em vốn khỏe, em có thể dùng răng cắn đá lạnh thoải mái. Nhưng từ ngày xuất hiện tình trạng trên, răng em rất hay ê buốt khi ăn dù là thức ăn nóng hay lạnh, đôi khi ngồi ở chỗ có gió to chỉ cần há mồm ra nói chuyện thì cũng thấy hơi buốt rồi. Mong bác sĩ giải đáp giúp liệu em đã mắc phải bệnh gì và chữa trị có khó không ạ? Em xin cảm ơn! (bupb3e...@yahoo.com) |
|
Chào em,
Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã bị tụt lợi.
Đây là hiện tượng lộ bề mặt chân răng do lợi di chuyển về phía cuống răng. Hậu quả của bệnh là làm mất xi-măng chân răng, lộ ngà răng, tăng nhạy cảm răng, hở kẽ răng, dễ dắt thức ăn và giảm thẩm mỹ. Tuy nhiên, tụt lợi không bao giờ gây lung lay răng hay mất răng nếu không kèm theo quá trình viêm của vùng quanh răng. |
Tụt lợi có thể do viêm (viêm lợi, viêm quanh răng) và không do viêm. Nếu viêm thường kèm theo chảy máu lợi, sưng lợi và sẽ dẫn đến tụt lợi ở toàn bộ hai hàm nếu không được điều trị kịp thời.
Ngoài ra, sang chấn khớp cắn cũng là yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng tụt lợi do kích thích tăng sinh biểu mô và viêm tại chỗ. Những răng bị lệch ra ngoài cung hàm cũng dễ bị tụt lợi. Đặc biệt sự co kéo quá mức của các phanh môi, má thường gây tụt lợi của răng bên dưới.
Một nguyên nhân gây tụt lợi và mòn cổ răng rất phổ biến nữa là chải răng bằng bàn chải quá cứng và không đúng cách. Tình trạng tụt lợi do các nguyên nhân không do viêm thường chỉ liên quan đến một răng hoặc một vài răng và thường gặp ở vùng răng nanh, răng cửa, ít khi gặp ở răng hàm.
Đối với những trường hợp tụt lợi mới và nhẹ, người bệnh chỉ cần thay đổi cách chải răng đúng với bàn chải lông mềm, các loại kem có chất chống ê buốt hoặc ngậm gel fluor dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Tuy nhiên khi tụt lợi nặng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, dù có hay không kèm theo ê buốt răng thì biện pháp triệt để nhất vẫn là phẫu thuật ghép nhằm phục hồi lại phần lợi che phủ chân răng. Nguyên tắc của các phẫu thuật này là sử dụng các vạt niêm mạc ở vùng răng kế cận để che phủ vùng chân răng bị tụt lợi.
Việc lựa chọn phương pháp ghép và vật liệu ghép tùy thuộc vào mức độ tụt lợi (nặng hay nhẹ), số răng bị tụt lợi (một răng hay nhiều răng liên tiếp), vùng răng bị tụt lợi (răng cửa hay răng hàm) và cấu trúc giải phẫu của vùng kế cận (tổ chức bám dính dày hay mỏng). Phẫu thuật che phủ chân răng nên được thực hiện ở các bệnh viện chuyên khoa lớn bởi các bác sĩ giàu kinh nghiệm.
Vì vậy bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện khám trực tiếp để nhận được chỉ định điều trị thích hợp cho mình.