|
Khoảng gần tháng nay, không hiểu sao mà em có cảm giác 2 răng cửa hàm trên bị thưa ra nên thức ăn rất hay dắt vào kẽ răng gây hôi miệng. Thậm chí những lúc vừa đánh răng xong, em còn thấy răng bị lung lay và hơi buốt. Trước đó, em không hề nhai hay cắn phải đồ ăn gì rắn đến mức khiến răng tổn thương đến vậy. Mong bác sĩ giải đáp giúp liệu em có mắc phải bệnh gì nghiêm trọng không và cách chữa trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (hieuda...@yahoo.com) |
|
Chào em,
Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã mắc phải chứng mòn răng. Bệnh được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng gây phá hủy mô răng. Sự tăng nhạy cảm của răng khi ăn uống thường hay gặp ở đa số các trường hợp mòn răng. Có nhiều nguyên nhân gây mòn răng như: - Mòn răng cơ học (nghiến răng, chải răng quá mức...). |
- Hay bị nôn hoặc trào ngược dạ dày: là nguyên nhân phổ biến nhất của sự mòn trầm trọng mặt trong răng cửa trên.
- Ăn trái cây có vị chua: gây mòn ở mặt ngoài răng cửa trên. Vị trí và mức độ trầm trọng của mòn răng liên quan trực tiếp đến cách sử dụng thức ăn có tính axít, độ axít và thời gian tiếp xúc.
- Nước ngọt có ga: coca cola, nước cam và nước khoáng là những loại nước uống có tính axít (pH thấp) làm gia tăng độ mòn của răng.
- Cuối cùng, những yếu tố di truyền gây loạn sản tổ chức cứng của răng ảnh hưởng đến số lượng men hoặc chất lượng canxi hóa làm men mỏng và bở hơn. Điều này sẽ làm yếu sức kháng mài mòn và làm tăng thêm sự mất chất bề mặt do nguyên nhân hóa học hoặc cơ học.
Điều trị mòn răng phụ thuộc vào nguyên nhân gây mòn, mức độ nặng nhẹ, sự lan rộng của tổn thương, tuổi và tính nhạy cảm của răng. Cụ thể:
- Trung hòa tác động của axít và tăng sức đề kháng của răng đối với sự tấn công của axít. Sử dụng các chất súc miệng có tính kiềm hoặc trung tính, uống sữa hoặc nhai kẹo cao su loại không đường sau mỗi bữa ăn là việc làm có lợi để tránh mòn răng.
- Bôi véc-ni fluoride tại chỗ để giảm tình trạng quá cảm của răng và tạo điều kiện cho quá trình tái khoáng hóa.
- Nên thường xuyên đi khám kiểm tra sự tái khoáng của mô răng 3 tháng một lần. Nếu có vấn đề trào ngược dịch vị, nên đeo máng nhai vào những thời điểm có nguy cơ cao để giảm tổn thương răng.
- Việc lựa chọn điều trị phục hồi phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Có thể dùng các vật liệu dán để bảo vệ mặt răng dễ mòn và phục hồi đầy đủ hình dạng chức năng của răng như composite. Ngoài ra, có thể dùng các vật liệu dán bằng nhựa, kim loại hoặc sứ để phục hồi khi mòn nhiều ở các mặt của răng dưới dạng chụp răng.
Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được chỉ định điều trị thích hợp cho tình trạng của mình.
Ngoài ra, em cũng nên chú ý thực hiện theo những điều sau để ngăn ngừa bệnh phát triển theo hướng tiêu cực:
- Không nên ăn những thức ăn quá cứng, vì có thể gây nên mòn răng cơ học rất mạnh.
- Hạn chế sử dụng dưới dạng nhai hoặc ngậm lâu ở miệng những thuốc có tính axít như axít ascorbic, acetylsalicylic, các thuốc bổ chứa sắt.
- Tránh các nguyên nhân gây nôn hoặc trào ngược dịch vị trở lại miệng, tác dụng phụ của thuốc hoặc lạm dụng thuốc dẫn đến kích thích niêm mạc dạ dày gây trào ngược.
- Điều trị tật nghiến răng, vì đây là nguyên nhân gây mòn răng quan trọng.
- Chọn bàn chải mềm và chải răng đúng phương pháp.