Nước mũi “ròng ròng” báo hiệu bệnh tật đang tấn công teen

Bác sĩ Mèo, Theo Mask Online 12:00 18/04/2012

Ấy còn rất nhạy cảm với thời tiết, không khí và cả mùi hương nữa cơ!

Bắt đầu từ khoảng thời gian mũi em bị va chạm mạnh (vì lý do riêng không tiện đề cập) là em thường hắt hơi liên tục không thể dừng được. Cánh mũi bên trái mặc dù không đau nhưng luôn có cảm giác khó chịu. Không chỉ thế, mũi em có vẻ như ngày càng nhạy cảm với thời tiết, không khí và cả một số mùi hương. Nó khiến em dù không hề bị cảm lạnh hay viêm xoang nhưng lúc nào nước mũi cũng chảy ròng ròng và xuất hiện rất nhiều đờm gây tắc ứ ngay tại cổ họng. Mong bác sĩ giải đáp liệu có phải em đang mắc bệnh gì nghiêm trọng không và làm thế nào để chữa dứt điểm tình trạng này ạ? Em xin cảm ơn! (wishfo...@yahoo.com.vn)

Chào em,

Theo những gì em mô tả thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã bị viêm mũi dị ứng và vẹo vách ngăn.

Viêm mũi dị ứng là tình trạng viêm niêm mạc mũi do phản ứng với các tác nhân gây bệnh (khói bụi, nhiệt độ, độ ẩm, phấn hoa, rệp nhà... thường được gọi là dị nguyên). Khi đó, các cuốn mũi cương lên, niêm mạc mũi phù nề, tiết dịch trong, ngứa, nghẹt mũi... Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà chúng ta có thể gặp tình trạng sổ mũi dị ứng theo mùa hay viêm dị ứng kinh niên.

Bên cạnh đó, em còn bị vẹo vách ngăn nên càng góp phần làm cho tình trạng dị ứng và mức độ nghẹt mũi trở nên nghiêm trọng hơn.

Vách ngăn mũi do các xương tạo thành, quá trình phát triển có thể bị vẹo, bị mào hay gai làm cho hẹp một bên hay cả hai bên hốc mũi. Cụ thể trong trường hợp của em là bị vẹo bên trái.

Vừa viêm mũi dị ứng vừa vẹo vách ngăn sẽ làm cho hơi thở nặng nề, không thoải mái, mũi nghẹt không thở được, nước mũi chảy thường xuyên…

Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa Tai - Mũi - Họng để được khám, theo dõi và điều trị bệnh một cách tích cực.

Nếu sau 1 thời gian chữa trị, em thấy các triệu chứng trên bớt hoặc hết, tình trạng nghẹt mũi cải thiện tốt, thở thông, hết khó chịu, không nhức đầu thì cần duy trì liệu trình cho đến khi khỏi hẳn. Còn nếu bệnh vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm thì em có thể sẽ phải mổ chỉnh hình vách ngăn để giải quyết một phần nguyên nhân gây bệnh.

Ngoài ra, em cũng nên chú ý thực hiện những điều sau:

- Phải loại bỏ các nguyên nhân gây dị ứng có thể như bụi bặm, lông động vật, khói thuốc (tuyệt đối không đến gần người hút thuốc).

- Dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, không tích trữ đồ vật cũ, bẩn quá nhiều tạo điều kiện cho các sinh vật có hại như ruồi, muỗi, gián, chuột... phát triển.

- Khi ra đường hãy nhớ mang khẩu trang để tránh mùi độc hại như khói, xăng, dầu...

- Tránh ăn đồ ăn có nguy cơ gây dị ứng cao như các loại gia vị cay nóng, hải sản, nấm...

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!
 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày