Nghi án đau ruột thừa khi bụng dưới "lên tiếng"

Bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 12:01 26/06/2013

Đau ruột thừa rất nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời đấy!

Nghi án đau ruột thừa khi bụng dưới "lên tiếng" 1

Vài ngày nay không hiểu sao mà em đột nhiên bị đau bụng dưới. Đầu tiên chỉ đau ở quanh rốn, sau đó đau nhiều chuyển xuống bên phải bụng dưới. Ngoài ra, em còn bị đầy bụng và rối loạn tiêu hóa, cảm giác lúc nào bụng cũng tưng tức vậy. Em nghe mọi người nói đây là dấu hiệu của đau ruột thừa nhưng mà em không hề bị sốt hay buồn nôn. Mong bác sĩ giải đáp liệu có đúng là em bị ruột thừa không và cách xử trí ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (kaun...@yahoo.com).

Nghi án đau ruột thừa khi bụng dưới "lên tiếng" 2

Chào em,

Ruột thừa là một túi nhỏ nhô ra hình con giun của manh tràng (đoạn đầu của ruột già), dài khoảng 5 - 6cm. Ruột thừa nằm ở phần dưới phải của ổ bụng, có thể thay đổi vị trí.

Viêm ruột thừa xảy ra khi ruột thừa bị tắc nghẽn, các vi khuẩn bình thường trú trong lòng ruột bắt đầu xâm lấn vào thành ruột. Cơ thể đáp ứng với hiện tượng xâm lấn này bằng cách tấn công các vi khuẩn. Hiện tượng đó được gọi là viêm.


Các triệu chứng ban đầu của viêm ruột thừa rất dễ nhầm với nhiễm virut đường ruột, bao gồm: đầy bụng mơ hồ, khó tiêu và đau bụng ít thường được cảm nhận ở vùng quanh rốn. Khi nhiễm khuẩn nặng, đau trở nên nổi bật hơn ở phần phải của bụng dưới. Bệnh nhân thường buồn nôn, nôn và chán ăn, có thể tiêu chảy, sốt, lạnh run kèm theo căng cứng cơ bụng.

Mức độ đau tăng lên khi người bệnh di chuyển, ho, ngáy, hắt hơi và thở sâu. Nếu bụng mềm, phía phải bụng dưới (vị trí ruột thừa) bị đau khi ấn vào, thân nhiệt không cao thì chứng viêm còn nhẹ. Nếu viêm nặng, đã có mủ, hoại tử, hoặc đã thủng thì bệnh nhân đau bụng dữ dội, phạm vi bị đau cũng mở rộng kèm theo sốt cao. Khi ấn bụng thì cơ bụng căng cứng hoặc sờ thấy có cục cứng phía bên phải bụng dưới.

Những triệu chứng này tiến triển từ vài giờ đến vài ngày. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân có thể không có đủ các triệu chứng trên. Vì thế việc chẩn đoán viêm ruột thừa chính xác thường gặp khó khăn.

Cần phân biệt viêm ruột thừa với các bệnh cảnh khác có thể giống như viêm dạ dày ruột, sỏi thận, nhiễm khuẩn đường tiểu, u nang buồng trứng và nhiễm khuẩn khung chậu... Nếu viêm ruột thừa không được điều trị, ruột thừa sẽ vỡ hoặc thủng. Ðiều này đưa đến các biến chứng như viêm toàn bộ ổ bụng (viêm phúc mạc), hình thành áp-xe ruột thừa và tắc ruột.

Khi bị viêm ruột thừa, tốt nhất là phẫu thuật loại bỏ ruột thừa (cắt ruột thừa). Cắt ruột thừa cổ điển được thực hiện với gây mê. Một đường rạch nhỏ ở phần dưới của ổ bụng bên phải và qua đó ruột thừa được loại bỏ. Gần đây, cắt bỏ ruột thừa được thực hiện qua nội soi ổ bụng.

Nếu ruột thừa viêm không bị vỡ tại thời điểm phẫu thuật, bệnh nhân thường được xuất viện trong vòng 1 - 2 ngày. Nếu ruột thừa bị vỡ, thời gian nằm ở bệnh viện có thể từ 4 - 7 ngày.

Tùy thuộc vào mức độ viêm của ruột thừa mà sau khi mổ xong mà có biến chứng gì khác không. Nếu là viêm ruột thừa cấp (mới chớm viêm trong vòng 6 tiếng), viêm ruột thừa mủ chưa vỡ thì khả năng biến chứng sau mổ là rất thấp. Nhưng đối với các trường hợp viêm phúc mạc ruột thừa thì nguy cơ biến chứng tắc ruột do các dây dính tạo thành sau mổ là rất cao. Nhiều trường hợp tắc ruột phải mổ lại để gỡ các dây dính này.

Chẩn đoán viêm ruột thừa chủ yếu dựa vào lâm sàng kết hợp với nhiều lần thăm khám bệnh của bác sĩ và siêu âm hỗ trợ. Phim chụp cắt lớp CTscan thực hiện đúng quy cách có độ phát hiện (độ nhạy) hơn 95%.

Vì vậy bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên nhanh chóng đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được chẩn đoán chính xác cũng như chỉ định điều trị kịp thời và thích hợp đối với tình trạng của mình.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

Nghi án đau ruột thừa khi bụng dưới "lên tiếng" 3