Mụn cơm tấn công khiến bạn phải “khóc thét”

Bác sĩ Mèo, Theo 00:00 11/05/2012

Bệnh này rất dễ lây lan đấy!

Khoảng gần 1 năm nay, không hiểu sao trên người em, cụ thể là ở ngón tay, ngón chân, vùng mặt, tai, đầu cứ bị nổi lên nhiều nốt mẩn. Chúng rất khác nhau về hình dạng, kích thước và khi nhìn dưới ánh sáng thì đa số đều dẹt, có màu trắng trong. Ngoài ra, vùng da xung quanh chân của những nốt mẩn này thường khô, nứt nẻ, bong tróc như bị xước măng rô vậy. Hiện em đang rất lo lắng vì càng ngày chúng càng lan ra rộng hơn, khiến da dẻ em sần sùi rất khó coi. Mong bác sĩ giải đáp liệu em đang mắc phải chứng bệnh gì và phương pháp điều trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (fallen.an...@yahoo.com)

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng em đã bị bệnh hạt cơm (mụn cơm). Đây là một loại bệnh do virut gây ra, người ta đã xác định được trên 40 loại virut gây u nhú (Papillomavirus) ở người bằng các phương pháp xác định loại protein virut nhờ phương pháp huyết thanh học, lai ghép phân tử AND của virut và phương pháp kháng thể đơn dòng.

Mụn hạt cơm xuất hiện ở bất kỳ nơi nào trên da hoặc niêm mạc, thường có đường kính nhỏ hơn 0,5cm. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 2 - 18 tháng. Hạt cơm không đáp ứng với bất kỳ dạng điều trị nào nhưng chúng thường tự khỏi và hay tái phát ở dạng các tổn thương mới.

Các phương pháp loại bỏ hạt cơm phổ biến hiện nay bao gồm:

- Dùng Nitrogen lỏng áp dụng trong 5 - 15 giây với hai chu kỳ lạnh - bớt lạnh, điều trị hai tuần một lần, nhưng cần thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa để tránh quá mức có thể gây sẹo. Phương pháp này đặc biệt có hiệu quả với các hạt cơm mọc thành dải ở mặt và trên cơ thể. Tuy nhiên chỉ dùng Nitrogen lỏng điều trị tổn thương ở mu bàn chân mà không nên dùng cho tổn thương ở lòng bàn chân và các vùng chịu lực khác vì có thể dẫn tới đau đớn và làm rộp da tạm thời.

-Các sản phẩm của acid Salicylic có thể dùng để chữa hạt cơm thông thường hay hạt cơm ở lòng bàn chân. Cụ thể, hạt cơm ở lòng bàn chân được điều trị bằng cách cắt bớt hạt cơm, sau đó bôi acid Salicylic 40% rồi băng lại, có thể để băng trong 5 ngày rồi bỏ đi, tiếp tục làm như thế trong hàng tuần hay hàng tháng để trừ hẳn hạt cơm. Phương pháp này an toàn, hiệu quả và hầu như không có tác dụng phụ.

- Liệu pháp miễn dịch: dùng Dinitrochlorobenzen (DNCB) để điều trị trong các trường hợp mụn cơm kháng thuốc. Việc sử dụng dài ngày các thuốc bôi gây kích thích có thể chữa mụn cơm bằng cách tăng cường các kháng thể chống mụn cơm không đặc hiệu.

- Phẫu thuật: các mụn cơm ở lòng bàn chân có thể được cắt bỏ bởi kỹ thuật loại bỏ bằng kim chuyên dụng hoặc tiêm thuốc tê tại gốc mụn cơm, sau đó cắt bỏ mụn. Việc cắt bỏ mụn cơm dù sao cũng có thể gây ra sẹo trên chân và nên hạn chế dùng.

- Liệu pháp laser: dùng laser CO2 đặc biệt có hiệu quả để điều trị mụn cơm tái phát, mụn cơm dưới móng, mụn cơm gan bàn chân.

Bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa Da liễu để được khám trực tiếp và nhận được chỉ định điều trị thích hợp cho trường hợp bệnh của mình. Em cũng nên chú ý tránh tiếp xúc với hạt cơm. Khi bị hạt cơm tuyệt đối không cào xước hay gây tổn thương vùng bị bệnh.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!
 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày