Khô da xuất phát từ nguyên nhân
cơ thể không được cung cấp đủ nước. Tuy nhiên, nếu như bạn uống 2 lít nước mỗi
ngày, dùng kem dưỡng ẩm đầy đủ mà tình hình vẫn không được cải thiện thì hãy điểm
qua một loạt các nguyên nhân sau xem sao nhé!
Thường xuyên tắm nước nóng trong thời gian dài
Những ngày đông lạnh, nhiều người
thường có xu hướng tắm bằng nước rất nóng mà không hề hay biết rằng, thói quen
này sẽ ảnh hưởng đến lớp biểu bì trên cùng của làn da, nơi có keratin và lớp dầu
giúp giữ ẩm. Sức nóng của nước cùng tính chất tẩy của xà phòng sẽ bào mòn và
phá hủy lớp biểu bì này. Hơn thế nữa, hơi nóng sẽ khiến lỗ chân lông nở to,
kích thích độ ẩm trong cơ thể thoát ra, gây nên tình trạng khô và bong tróc.
Chúng ta chỉ nên tắm tối đa tầm 10 – 15 phút mỗi ngày với nước nóng thôi nhé.
Dùng sữa rửa mặt có tính tẩy mạnh
Chất kiềm có trong xà phòng, nước
tẩy rửa là một trong những thủ phạm lấy đi lớp dầu tự nhiên trên bề mặt da khiến
da mất đi độ ẩm. Hãy chọn cho mình loại sữa tắm dịu nhẹ, phù hợp với làn da;
khi giặt giũ, rửa bát thì nên đeo găng tay để hạn chế tối đa sự tiếp xúc của da
với các loại dung dịch này. Ngoài ra, chúng ta có thể cứu vãn làn da khô của
mình bằng biện pháp tắm và rửa mặt bằng nước muối ấm: Nước muối ấm sẽ có
hiệu quả trong việc điều trị da khô nứt nẻ và giúp tẩy da chết hiệu
quả.
Không bảo vệ làn da khi đi bơi
Bơi lội rất tốt cho sức khỏe, tuy
nhiên lại gây hại đến da và tóc. Hàm lượng chất clo quá cao trong nước hồ bơi
chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tóc bị khô, xơ, chẻ ngọn còn làn da
chúng ta thì trở nên sần sùi nứt nẻ. Lúc này, chúng ta không chỉ cần bôi kem dưỡng
ẩm sau khi tắm gội như bình thường, mà còn nên sử dụng kem trước khi xuống hồ
bơi. Lớp kem này sẽ bảo vệ da trước các tác động của clo
có trong nước.
Dị ứng thuốc
Khi chúng ta đang sử dụng thuốc rất
dễ gặp phải tác dụng phụ là khô da, khô tóc. Một số loại thuốc có thể kể đến
như thuốc dành cho bệnh cao huyết áp, thuốc lợi tiểu, thuốc dị ứng, thuốc trị mụn…
Vậy nên khi kê thuốc, các bác sĩ thường có lời khuyên là chúng ta nên uống nhiều
nước, thậm chí nhiều hơn 2 lít mỗi ngày. Thời gian dài, nếu tình hình không được cải
thiện thì khuyên bạn nên trao đổi với bác sĩ để được đổi đơn thuốc khác bạn nhé.
Dấu hiệu của bệnh tiểu đường
Một trong những triệu chứng sớm nhất của bệnh tiểu đường là chứng khô da. Lượng đường trong máu cao khiến việc lưu thông máu đi khắp cơ thể trở nên khó khăn. Kết quả là nhiều vùng trong cơ thể không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và làn da trở nên khô ráp. Hơn thế nữa, bệnh nhân tiểu đường còn thường bị tiêu hao một lượng nước lớn trong cơ thể mỗi ngày. Nếu tình trạng này kéo dài quá lâu mà không có chuyển biến gì thì bạn nên đến bác sĩ kiểm tra xem liệu là mình có mắc bệnh tiểu đường hay không nhé.