Nguy cơ tiềm ẩn bên trong nước mía
Nước mía là một trong những loại đồ uống được rất nhiều người ưa chuộng trong mùa nóng. Trên thực tế, bên trong những cốc nước mía tưởng như rất sạch sẽ, không hề có cặn hay bã mía này lại ẩn chứa rất nhiều mối nguy hại.
Vệ sinh của chiếc máy ép và những cây mía được dùng để làm nước mía hầu hết đều không được đảm bảo. Chiếc máy ép không được chà rửa cẩn thận có thể chứa những vụn bã mía, thậm chí còn có cả côn trùng như ruồi, nhặng lẫn bên trong. Đặc biệt, đây còn là “địa bàn” hoạt động của rất nhiều vi khuẩn gây bệnh.
Cùng với đó, có thể thấy rằng những cây mía chỉ được sơ chế qua loa để loại bỏ phần vỏ bên ngoài, không được bảo quản cẩn thận, để ruồi bâu hoặc bám bụi đường, vì thế rất kém vệ sinh. Điều này khiến cho những cốc nước mía tưởng như “siêu sạch” nhưng lại tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường đối với sức khỏe của chúng ta.
Những tác hại đối với sức khỏe
Đau bụng, tiêu chảy
Với tình trạng khâu vệ sinh những cây mía, máy ép, cốc, nước đá… không được đảm bảo, thậm chí một số người bán hàng còn dùng tay trực tiếp để cầm mía, lấy đá thì khả năng bị đau bụng, đi ngoài do uống nước mía là rất cao. Nguy hiểm hơn, một số trường hợp còn uống phải nước mía có lẫn ruồi, bọ, dẫn đến nguy cơ bị tiêu chảy cấp, đi ngoài ra máu, mất nước, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Với những trường hợp này, nếu không được cấp cứu kịp thời, rất có thể sẽ gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa
Sử dụng nước mía bẩn, kém vệ sinh, không đảm bảo an toàn không chỉ gây nên những ảnh hưởng xấu trước mắt mà còn dẫn đến những hậu quả lâu dài.
Một hệ lụy tất yếu của việc sử dụng đồ uống kém vệ sinh thường xuyên chính là ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa. Cho dù một số người khỏe mạnh hơn, không bị hoặc ít khi bị đau bụng, tiêu chảy do uống nước mía bẩn, nhưng như thế không có nghĩa là không bị ảnh hưởng. Những chất bẩn và các vi khuẩn trong đó vẫn có thể tích tụ và gây hại cho hệ tiêu hóa. Nó có thể trở thành nguyên nhân gây bệnh cho dạ dày và hệ tiêu hóa bất cứ lúc nào.