Cứu nguy cô bạn tuổi teen có trí nhớ "như người già"

bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 12:00 28/05/2014
Chia sẻ

Hay quên hay còn gọi là trí nhớ ngắn hạn đấy bạn ạ!

Mấy tháng nay không hiểu sao đầu óc em cứ hay quên, từ những công việc thường ngày, có những chuyện vừa dặn xong chỉ 1 chút là em lại quên. Em có cảm giác như trí nhớ mình có vấn đề, nó làm em gặp rất nhiều khó khăn trong công việc cũng như học tập, đôi lúc ra đường còn không nhớ mình đã tắt đèn chưa, khóa gas chưa... có những việc vừa mới nhớ đó, nói là sẽ làm đó nhưng rồi cũng quên.

 Mong bác sĩ giải đáp liệu em có bị bệnh gì không và bệnh này kéo dài có biến chứng gì không ạ? Vì cũng không nói giấu gì em bị cũng được khoảng hơn 1 năm rồi nhưng cứ nghĩ là không sao nên không có đi khám, mà càng lúc em càng dễ quên hơn nên em gửi thư mong sự giúp đỡ của bác sĩ. (nhoc9x...@gmail.com)


Trả lời:

Chào em,

Ngày nay, rất nhiều bạn trẻ mắc phải căn bệnh hay quên. Căn bệnh này đến từ nhiều nguyên nhân và gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của mỗi chúng ta. Có 2 loại trí nhớ khác nhau là trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Trí nhớ ngắn hạn là ghi nhớ về những việc diễn ra trong vòng vài giờ gần đây, trí nhớ dài hạn là liên quan đến các tiến trình trong quá khứ và các mối liên hệ.



Người trẻ tuổi có thể bị hư hỏng 1 hoặc cả 2 loại trí nhớ nêu trên và như vậy họ sẽ bị mắc bệnh... quên. Nhưng quên cũng chỉ là một phần nhỏ trong hội chứng lo âu. Các nguyên nhân có thể gây bệnh quên ở người trẻ như sau:

Nguyên nhân tâm lý - tâm thần: Người trẻ đang bị trầm cảm, bị bệnh tâm thần phân liệt. Thường mất trí nhớ xảy ra trong những tình huống quá căng thẳng hoặc nguy cấp và thường chỉ bị mất trí nhớ ngắn hạn, tuy nhiên đôi khi (hãn hữu) cũng bị mất trí nhớ dài hạn.

Nguyên nhân nhiễm trùng não: Thường do viêm não và viêm màng não, các nguyên nhân này có thể gây tổn thương vững bền ở não. Tùy theo mức độ tổn thương, người ta có thể mất trí nhớ ngắn hạn hay dài hạn hoặc cả hai.

Nguyên nhân chấn thương sọ não:
Đa số bệnh nhân bị chấn thương sọ não bị mất trí nhớ ngắn hạn, họ không thể nhớ lại về tai nạn đã bị. Nếu tổn thương não rộng và nặng hơn thì có thể mất cả trí nhớ dài hạn.

Thiếu vitamin B1: Gây ra chứng mất trí nhớ mang tên là hội chứng Wernicke-Korsakoff. Hội chứng này thường thấy ở người thiếu ăn kéo dài hoặc người nghiện rượu. Nếu không điều trị, bệnh có thể tiến tới mức sa sút trí tuệ. Được điều trị tốt, bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn nhưng về sau thỉnh thoảng vẫn có thể có những khoảng thời gian ngắn bị mất trí nhớ loại ngắn hạn hay loại dài hạn.

Do thuốc: Một số thuốc có thể gây mất trí nhớ. Các thuốc dùng trong y khoa được kể tới như aminophylline, tricyclic antidepressants, barbiturates, methyldopa, bromide, isoniazid, diuretics and digoxin. Chất gây nghiện như cocain có thể gây mất trí nhớ.

Trên thực tế tại các phòng khám nội thần kinh, thường người ta than phiền là giảm trí nhớ hoặc khó nhớ. Người bệnh thường than phiền là dạo này hay quên. Thường gặp nhất là những người làm việc trí óc căng thẳng, có nhiều stress trong cuộc sống, dần dần trở nên trầm cảm, kém tập trung chú ý, khó khăn trong việc nhớ các bài mới và nhớ lại các kiến thức cũ. Tuy nhiên, khi được điều trị và thư giãn thần kinh tốt, thường khả năng trí nhớ cũng phục hồi dần theo tiến triển tốt lên của bệnh.

Em đã mắc chứng hay quên được một năm rồi thì chắc chắn là cần phải đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác hơn về căn bệnh của mình. Sức khỏe là không thể chủ quan được em ạ. Đồng thời em cũng nên chăm luyện tập thể thao và sinh hoạt điều độ để có một sức khỏe tốt và trí tuệ minh mẫn hơn em nhé.

Chúc em luôn khỏe và vui!

Trị chứng "tiểu són" bằng bài tập Kegel 2

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày