Một nghìn đồng (1.000 VND) có thể mua gì?
Theo lẽ thường, số tiền "tí hon" này còn không mua được mớ hành ở một khu chợ thành phố. Xuất phát từ suy nghĩ đó, các "chợ mạng", các sàn thương mại điện tử (TMĐT) nổi tiếng nhất hiện nay như Shopee , Tiki , Lazada ... đua nhau tung ra các chương trình bán hàng với giá bán chỉ 1.000 đồng, 9.000 đồng hay 19.000 đồng.
Các món hàng được bán với mức giá không tưởng vào các dịp đặc biệt như ngày mua sắm độc thân (11/11), Black Friday hay kỉ niệm sinh nhật của sàn TMĐT. Theo số hiển thị trên sàn, chúng "cháy" hàng trong vài phút mở bán hoặc được quảng cáo bán được hàng nghìn đến cả chục nghìn sản phẩm.
Lãnh đạo của một sàn thương mại điện tử cho hay, người bán những món hàng 1.000 đồng này chắc chắn không có lãi, nó chỉ là một chiêu thức để quảng cáo, tăng tương tác cho cửa hàng trên "chợ".
Tuy nhiên, tiết lộ của những "tiểu thương" thông minh cho thấy một sự thật khác: Bán những món hàng 1.000 đồng vẫn có lãi.
Thu Huệ (33 tuổi, Hà Nội, chủ một gian hàng mẹ và bé trên sàn TMĐT) cho biết, 3 năm bán hàng trên sàn TMĐT, Huệ từng có 7 lần bán hàng Flash Sale cho các mặt hàng như khăn, tã, giấy ướt và một số phụ kiện dành cho mẹ và bé. Trong đó, 3 lần "lỗ chổng vó" và 4 lần "tạm ổn".
"Khi mới mở shop trên sàn thương mại điện tử được khoảng 4 tháng, thấy nhiều shop khác chạy chương trình bán giá 1K (1.000 đồng) báo cháy hàng thì mình ham lắm, cũng đăng ký bán 1K cho khăn giấy trẻ em. 100 đơn hàng đầu tiên lỗ vài trăm nghìn đồng, lượng tương tác không mấy khả quan, dù rằng deal được treo lên vị trí dễ nhìn, và giá bán rẻ hơn 6.000 đồng so với mặt bằng chung trên sàn", Huệ chia sẻ.
Về sau, khi tìm hiểu, để không bị lỗ, Thu Huệ biết, sản phẩm đưa giá 1K nên là mặt hàng được quan tâm nhiều, có giá trị vừa phải, với số lượng chạy sale vừa phải.
Và quan trọng nữa, đó là đàm phán được với "chủ chợ" - tức các sàn thương mại điện tử - khoản trợ giá hợp lý.
Cô lấy ví dụ, mặt hàng đang được shop chạy sale 1K trên sàn TMĐT là khăn cổ cho trẻ em, đang có giá niêm yết 10.000 đồng. Đây là mặt hàng có lượng khách mua tương đối ổn định ở shop với trung bình 100 – 120 đơn/tháng. Thu Huệ đã đăng ký chạy Sale 1K với sàn TMĐT và Deal này được sàn trợ giá 100%.
"Tức là sản phẩm đó của mình vẫn bán giá 1K cho khách, nhưng doanh thu mỗi đơn về là số tiền lúc mình thỏa thuận với bên sàn. Ví dụ như khăn quàng cổ được thỏa thuận với sàn là giá trị 10.000 đồng, thì có nghĩa là sàn trợ giá 9.000 đồng. Tổng thu về là 10.000 đồng. Bán được nhiều đơn đồng nghĩa với có lãi", Huệ chia sẻ.
Theo chủ shop này, việc đạt được trợ giá từ phía sàn TMĐT thường diễn ra ở các dịp đặc biệt mà sàn TMĐT cần các Deal giá tốt để hút khách. Ngoài ra, shop phải có uy tín trên sàn, sản phẩm phải bán được nhiều mới được hỗ trợ.
Có lãi, có khách nhưng deal 1K không phải toàn màu hồng với các chủ shop.
Từng chạy chương trình ưu đãi "khủng" với giá bán sản phẩm trên sàn TMĐT rẻ hơn cả giá đổ sỉ trên thị trường, Mỹ Hạnh (Hoài Đức, chủ một gian hàng phụ kiện công nghệ trên sàn TMĐT) thẳng thắn chia sẻ: "bán 100 đơn hàng giá 100.000 đồng sẽ khác rất nhiều so với 100 đơn hàng giá 1.000 đồng".
"Shop sẽ chịu các công như trả lời tin nhắn, tư vấn cho khách, đóng gói, vận chuyển nhưng chỉ nhận lại khoảng lãi thấp hơn, thậm chí có thể lỗ. Chưa kể, nếu hàng đến chậm hoặc không chất lượng sẽ nhận đánh giá rất tệ, dạng như "treo đầu dê, bán thịt chó", ảnh hưởng đến uy tín.
Ngoài ra, khi sản phẩm đã bán cực rẻ, khi bán lại giá niêm yết cũ, có thể sẽ không đông khách, bởi có những khách đã mua được hàng trị giá 50.000 đồng với giá 1K thì sẽ chỉ trong ngóng chờ shop giảm giá để mua chứ nhất định không mua ở giá 50.000 đồng", Hạnh chia sẻ.
Theo cô, người bán không nên kỳ vọng Deal 1K được doanh số "khủng" mà cần nhìn nhận đây là cách tăng tương tác cho shop, tìm hiểu kỹ chính sách trợ giá để giảm thiểu tối đa tiền lỗ hay công sức.
"Khi bán 1K, rất có thể khách sẽ không mua một món mà có thể mua rất nhiều sản phẩm khác đi kèm. Ví dụ như mua đôi dây giày 1.000 đồng, nhưng sẽ mua thêm đôi tất 12.000 đồng hoặc bộ lót giày với các mức giá vừa phải", Thu Hoài, chủ shop giày dép thời trang chia sẻ.
Theo chủ shop này, việc bán 1K lãi về tiền mặt rất ít nhưng sẽ "lãi" lượng tương tác, theo dõi shop từ khách hàng. Từ đó tăng uy tín bán hàng.
"Nếu giữa 2 sản phẩm của 2 shop với nhau, một shop có 1.000 lượng theo dõi (Follow) và một shop có 100 thì khả năng ra quyết định mua hàng sẽ nghiêng về shop có 1.000 follow. Ví dụ ở Shopee và Lazada, chỉ số follow hay đánh giá của khách rất quan trọng đối với shop. Đặc biệt, cảm xúc nhận được món hàng, kèm ảnh sản phẩm thực tế hay đánh giá 5 sao cũng sẽ giúp tăng thứ hạng của shop và tăng thêm cơ hội bán hàng khi người mua sau đọc đánh giá này.
Những đánh giá tích cực của khách hàng dù có tiền cũng không mua được. Bởi vậy, hãy làm họ hài lòng bằng những sản phẩm trị giá 20.000 đồng bán giá 1.000 đồng. Tất nhiên, chất lượng phải tương xứng", Hoài nói.
Theo người này, chủ shop khi chạy Deal 1K cần xác định rõ: Khoản lỗ có thể chấp nhận được (nếu có) khi bán sản phẩm giá 1K, 9K; Chấp nhận bỏ công sức và chăm sóc khách mua hàng 1K như khách mua hàng 100K (100.000 đồng), 200K (200.000 đồng) để thu hút khách, nâng hạng cho shop và đặc biệt chọn đúng thời điểm cũng như chọn sàn thương mại điện tử trợ giá sâu cho sản phẩm.
Nguồn: Internet