Sự thật phía sau nghề trang điểm tử thi: "Trang điểm cho người đã khuất còn khó hơn rất nhiều cho người sống"

Nam Thanh, Theo Thời Đại 00:00 19/11/2017

Bạn có bao giờ thắc mắc rằng, tại sao những người đã khuất lại nhìn tươi tắn tới vậy trong tang lễ khi quan tài để mở nắp cho người thân và bạn bè viếng thăm lần cuối? Tất cả là nhờ công của những người ướp, trang điểm và bảo quản xác như chị Daniella Marcantoni.

Daniella Marcantoni là một trong những người thực hiện dịch vụ ướp xác và trang điểm cho người quá cố ở California, Mỹ. Những câu chuyện của cô có lẽ sẽ phần nào trả lời cho sự tò mò của bạn về diện mạo trong lần gặp cuối cùng giữa sự sống và cái chết của mỗi con người. Trong một bài phỏng vấn với tờ báo Vice, cô đã phần nào tiết lộ công việc của mình. 

Cơ duyên thế nào mà cô lại bị đưa đẩy tới nghề này?

Tôi luôn quan tâm đến các ngành nghiên cứu bệnh lý và pháp y. Tôi luôn bị tò mò bởi những kẻ giết người hàng loạt, về tâm lý học và nguyên nhân sâu xa đứng đằng sau những gì làm cho người ta phải giết, chết và những thứ tương tự. Ngành công nghiệp tang lễ dường như là chóp bu gắn kết mọi thứ lại với nhau; với tôi thì nó là sự hòa quyện của nghệ thuật và khoa học. Rất nhiều người rõ ràng là sợ người chết, nhưng làm nghề này đủ lâu thì bạn sẽ sợ người sống hơn nhiều đấy.

Sự thật phía sau nghề trang điểm tử thi: Trang điểm cho người đã khuất còn khó hơn rất nhiều cho người sống - Ảnh 1.

Các dịch vụ tang lễ thường không quá coi trọng việc trang điểm cho tử thi phải không?

Vâng. Rất hiếm khi họ thuê một nhân viên trang điểm chuyên nghiệp để làm việc này. Thông thường các dịch vụ tang lễ sẽ nhờ hội chị em đồng nghiệp đứng ra trang điểm lại cho người đã khuất, làm lâu dần thì họ cũng có kinh nghiệm thôi nhưng dĩ nhiên, nhiêu đó cũng chỉ là tạm bợ. Mấy đội làm dịch vụ mai táng ở California - theo kinh nghiệm của tôi - họ làm từ A tới Z, từ mua quan tài cho tới hạ thổ và dĩ nhiên, cả trang điểm cho cái xác nữa. Sau đó dịch vụ mai táng ở một số nơi trở nên chuyên nghiệp hơn nên mọi công việc cũng dần được tách biệt riêng rẽ ra.

Hỏi thật nhé, người ta được học trang điểm rồi đi làm việc với mấy cái xác hay làm việc với mấy cái xác rồi tầm thêm nghề trang điểm?

Bản thân tôi vốn là một nghệ sĩ trang điểm tự do và đã có rất nhiều kinh nghiệm làm điều đó trước khi bước chân vào ngành công nghiệp tang lễ. Ở California, nếu bạn muốn trở thành nhân viên mai táng, bạn cần phải đến trường, và bạn thậm chí có cả một kỳ thi quốc gia cùng một kỳ thi cấp bang, tuy nhiên họ chẳng dạy cái gì về trang điểm xác chết cả đâu. Hình như đôi ba lần họ cũng có mấy hội thảo về chủ đề này nhưng tôi không quan tâm lắm vì bản thân tôi đã có kinh nghiệm rồi. Nhưng thú thực là trang điểm cho người chết thì vẫn khác hẳn cho người sống.

Sự thật phía sau nghề trang điểm tử thi: Trang điểm cho người đã khuất còn khó hơn rất nhiều cho người sống - Ảnh 2.

Bộ dụng cụ hỗ trợ việc ướp xác, khiến cho người chết nhìn tươi tắn hơn một chút vào lễ tang.

Việc ướp và bảo quản xác chết có khiến việc trang điểm đơn giản hơn không?

Có chứ. Xác người thường bắt đầu phân hủy ngay sau khi họ chết, nhưng không nhanh tới mức chuyển thẳng sang màu tím tái. Các mô sau đó sẽ nhanh chóng cứng lại và khiến cho việc trang điểm trở nên khó khăn hơn nhiều, nhất là khi các gia đình không thích việc ướp xác hoặc không có khả năng chi trả cho việc này. Một số gia đình thậm chí cũng chẳng mặn mà với việc trang điểm lắm, họ chỉ muốn nhìn qua người thân của mình lần cuối một cách nhanh gọn.

Tôi được biết màu da con người có thể thay đổi sau khi họ chết. Có điều gì bạn sử dụng để chống lại điều đó?

Có thứ này - chúng tôi gọi nó là nước cam, bởi vì nó có vẻ giống như nước cam nhưng đậm hơn. Thứ này khôi phục một ít độ ẩm trên da người đã khuất. Ngày xưa thì ai cũng dùng cách này, nhưng mà giờ chẳng ai làm cách này nữa. Cá nhân tôi thực sự thích sử dụng nó trên những người có nước da màu tối hơn. Ở đây chúng tôi có bộ trang điểm rất đa dạng và rất xịn. Người ta cứ đến gửi đồ trang điểm của người quá cố cho chúng tôi và bảo chúng tôi dùng những thứ đó. Tới khi tang lễ kết thúc cũng chẳng mấy ai quay lại để thu hồi chúng nữa. Thành ra bộ trang điểm của chúng tôi có đầy đủ dụng cụ để đối phó với vấn đề màu da người chết.

Sự thật phía sau nghề trang điểm tử thi: Trang điểm cho người đã khuất còn khó hơn rất nhiều cho người sống - Ảnh 3.

Những món đồ trang điểm sử dụng cho người đã khuất.

Vậy có đồ trang điểm dạng lỏng nào được dùng trên xác chết không?

Có một loại thuốc nhuộm khá nặng được chỉ định dùng cho mấy người bị bệnh vàng da. Hoặc có một loại chất lỏng khác được gọi là "hàng nóng", là một loại chất lỏng có đặc tính hóa học cực mạnh được dùng để rút bớt nước ra khỏi mấy thi thể có nhiều nước và máu quá. Cũng còn một vài chất lỏng nữa, nói chung khi bạn nhận một cái xác, bạn sẽ có phương án phù hợp với thể trạng lúc mất của người đó. Thậm chí khi làm việc đủ lâu, bạn có thể chỉ nhìn cách mà cái xác phản ứng với mấy chất lỏng kể trên là biết người ta chết vì lý do gì.

Có bao giờ bạn nhận được những yêu cầu từ người thân của người quá cố mà phải bó tay không?

Thỉnh thoảng tôi được đưa cho tấm ảnh thời xuân sắc của một cụ bà sinh năm 1945 và họ yêu cầu tôi trang điểm cho xác của cụ bà đẹp như hồi đấy. Nhìn tôi giống như có tài năng đó lắm hả... 

Chúng tôi cũng không được làm tổn hại thi thể. Thực ra là có đấy, vì chính việc ướp xác và bảo quản cũng đã là làm tổn hại tới cơ thể rồi, nhưng những thứ khác thì không. Chúng tôi không được phép đụng vào răng, râu hay tóc của người quá cố. Mấy thứ này liên quan nhiều tới thủ tục và bất cứ thứ gì dính tới thủ tục chúng tôi đều phải thảo luận rất kỹ càng với gia đình người đã khuất. Thậm chí việc cạo râu cắt tóc cho người đã khuất cũng cần xin phép gia đình nữa.

Có mấy gia đình cứ đòi tôi cho họ xin mấy cái răng của người bà đã khuất. Trời ạ, không được đâu! Chúng tôi chỉ được tháo cái máy trợ tim ra khỏi người bà ấy thôi.

Sự thật phía sau nghề trang điểm tử thi: Trang điểm cho người đã khuất còn khó hơn rất nhiều cho người sống - Ảnh 4.

Bộ cọ Daniella sử dụng để trang điểm cho người đã khuất. Hoàn toàn tương tự với đồ dành cho người còn sống.

Khoan đã, thế phần da thì sao?  (việc ướp xác có tác động rất nhiều tới da của người đã chết)

Kiểu như một người có bướu cổ chẳng hạn, chúng tôi không được phép cắt đi đâu. Chúng tôi có thể trang điểm hoặc tìm cách che nó đi chứ không được cắt bỏ. Chỉ thêm, không bớt, trừ khoản râu với tóc.

Bạn có thể kể về lần trang điểm khó khăn hay đáng nhớ nhất mà bạn từng phải thực hiện không?

Có một cậu này, không biết làm thế nào mà có một vết đạn shotgun ngay trên đầu. Vết thương nhìn sợ tới mức gia đình đã tính đóng nắp quan tài trong lễ viếng. Tôi đã khôi phục cái xác đó khéo tới mức họ có thể để nắp quan tài mở trong lễ viếng, và tôi thực sự hạnh phúc vì mình đã làm được chuyện đó.

Sự thật phía sau nghề trang điểm tử thi: Trang điểm cho người đã khuất còn khó hơn rất nhiều cho người sống - Ảnh 5.

Nguyên mẫu để khôi phục một gương mặt - được làm từ đất sét.

Còn một vụ khác như thế này. Có một cô gái - tôi nghĩ là cô ấy đã bị giết - và mãi ba tuần sau người ta mới tìm được cô ấy ở nơi đồng không mông quạnh, đồng nghĩa với việc lúc tìm thấy cô ấy đã bị phân hủy khá nặng rồi. Gia đình cũng chỉ định đóng nắp quan tài khi làm lễ viếng, nhưng bạn biết đấy, không nắp quan tài nào chặn được mùi của cái chết. Vậy nên chúng tôi đã đề nghị họ ký một giấy phép ướp xác để chúng tôi có thể sử dụng một chất lỏng tên là paraformaldehyde. Nó thực ra vốn có ở dạng bột và là một loại thuốc khử mùi cực mạnh, và chúng tôi cứ thế làm từ A đến Z thôi. Tôi vẫn nhớ ngày hôm đó là cuối tuần, tôi lẽ ra đang được nghỉ ngơi và còn đang có một chút vấn đề với dạ dày nữa. Ngày dài nhất đời tôi, cứ làm việc một lúc tôi lại phải vào nhà vệ sinh, rồi lại ra làm tiếp, thực sự cực kỳ khó khi làm việc với một cái xác đã phân hủy hoàn toàn khi mà bạn đã đang ốm đến phát nôn mửa sẵn. Cuối cùng chúng tôi cũng không thể hoàn toàn chặn được mùi của cái xác ấy dù đã cẩn thận đặt vào những túi kín và cho thêm rất nhiều chất khử mùi.

Theo Vice.com