Câu chuyện của Lim Feng và Wren Evans đang ầm ĩ trên mạng xã hội hai ngày nay, thật ra không mới. Motive chuyện tình tan vỡ đó, từ lâu rồi người ta vẫn kể nhau nghe sau mỗi cuộc tình tan vỡ. Một người ở lại kể về những năm tháng mình hy sinh, đồng hành, dành hết sự hỗ trợ và dốc hết tình yêu thương, cùng người kia trải qua một hành trình trắc trở để chạm đến ước mơ. Rồi một ngày, người kia quay lưng đi với một người mới – và kẻ ở lại cay đắng nhận ra: Hóa ra, sau tất cả, mình vẫn không đủ để là người được chọn.
Nhưng tình yêu vốn là một phạm trù khó nắm bắt. Không phải lúc nào chúng ta cũng chọn người tốt hơn. Cũng không phải lúc nào chúng ta cũng giữ người tử tế nhất. Người ngoài nhìn vào và dành sự xót thương cho Lim Feng, họ nói: “Cô ấy đã làm quá nhiều. Anh ta nợ cô ấy không ít những thứ mình đang có được ngày hôm nay”
Nhưng yêu mà biến thành một thứ nợ nần, thì chẳng phải tình yêu ấy từ đầu đã là một hợp đồng trả-vay? Nếu biết tình yêu vận hành như thế, liệu có ai dám bước chân vào?
Chúng ta vẫn hay mặc định: nếu ai đó đã hy sinh vì mình, đã ở bên mình từ những ngày khó khăn nhất thì mình phải trân trọng, phải ở lại. Nhưng tình yêu không vận hành theo luật nhân quả. Nó không biết đếm, không biết ghi công. Và không ai gồng gánh nổi một mối quan hệ mà trong đó mỗi hơi thở đều phải ghi nhớ. Tình yêu là cảm xúc, và cảm xúc thay đổi theo sự trưởng thành của mỗi con người. Đôi bền vững, đôi khi bạc bẽo - và dại dột nhất là chúng ta đặt trọn niềm tin vào sự bất định của nó. Nếu cứ bám chấp vào những thứ ta đã làm mà không được nhận lại, nếu cứ tin là chỉ cần mình tốt đến phút cuối cùng thì người ta sẽ không rời đi - e là bạn sẽ mãi mãi vẫy vùng trong sự đau khổ vì những kỳ vọng không thành.
Tôi có một người bạn. Cô ấy yêu một người đàn ông đến độ quên mất mình cũng là người cần được yêu. Cô ấy là kiểu người yêu sâu sắc, âm thầm, và luôn nghĩ nếu mình đủ tử tế, đủ kiên nhẫn, đủ hy sinh – thì người kia sẽ nhìn thấy, sẽ ở lại, sẽ chọn mình. Cô đã sống như thể cuộc đời của cô sinh ra để lo cho cuộc đời của anh ta. Từ những điều nhỏ nhặt đến những bước đường lớn, cô đều đứng sau lưng. Cho đến khi anh ta dửng dưng rời đi.
Và cô đau. Không chỉ vì mất tình yêu, mà vì cảm giác mình đã làm đủ điều tử tế, mà vẫn không được đối xử tử tế. Cô gái căm hận, trách móc anh ta bằng những từ ngữ nặng nề nhất vì niềm tin bị phản bội, níu kéo bằng cách bắt anh phải chịu trách nhiệm cho sự hy sinh của mình, rằng vì cô đã làm tất cả nhưng anh vẫn rời đi - có nghĩa anh là kẻ bội bạc.
Thật ra, không ai bắt cô phải hy sinh. Cô tự nguyện. Cô yêu – và trong lúc yêu, chính cô thấy mình hạnh phúc khi được làm điều đó. Vậy mà khi bị bỏ lại, tất cả những điều từng khiến cô vui, từng là biểu hiện của tình yêu, lại trở thành danh sách thống kê những nỗi thất vọng.
Đó là điều tàn nhẫn nhất mà ta có thể làm với chính mình: biến lòng tốt thành bảng kê công trạng, rồi ngồi đó chờ người ta quay lại ký tên ghi nhận.
Yêu không phải là một cuộc thi tích điểm. Và tình yêu không nở ra từ lòng biết ơn.
Điều nhiều người không chịu nhìn thẳng, là chính bản thân ta đã từng vui khi làm những điều đó. Khi lo cho họ, khi giúp họ, khi bỏ bớt nhu cầu cá nhân để bên cạnh họ – ta từng thấy mình hạnh phúc khi được chăm chút, yêu thương. Ta hy sinh cho họ, giúp đỡ và chăm sóc cho họ, nhưng thật ra là ta cũng đang hy sinh cho mình, tưới tắm niềm vui và sự ấm áp chân thành của chính mình.
Nếu hiểu được điều đó, thì sau chia tay ta sẽ không còn cay đắng. Vì ta biết:“Tôi đã sống thật lòng và yêu đúng cách. Chỉ là người này không còn dành cho tôi.”
Và đó không phải là thất bại.
Thất bại là khi ta yêu, hy sinh, rồi dằn vặt mình, coi những gì đã làm là sai lầm, là thiệt thòi. Đó là những phản ứng rất bình thường của con người khi trải qua sự tan vỡ. Nỗi đau, niềm cay đắng, hụt hẫng, thất vọng - khiến ta bám chấp vào vị trí một nạn nhân đang kêu gào được xoa dịu. Nhưng chỉ cần thay đổi lăng kính đi một chút, hãy nghĩ những gì ta đã làm vì yêu – là phần tử tế nhất của con người mình. Ta cho đi nhưng cũng nhận lại rất nhiều điều tốt đẹp khác.
Khi coi việc mình hy sinh là để bản thân được sống đúng với sự thôi thúc của trái tim, thì dẫu người ta rời đi, ta cũng không còn thấy mình bị bỏ rơi. Vì họ có thể mất ta - nhưng ta không mất chính mình.
Ai cũng có quyền yêu sai, thương lầm. Nhưng đừng để lòng tốt trở thành gánh nặng. Nếu đã yêu ai đó bằng tất cả sự chân thành, thì điều duy nhất ta cần giữ lại sau chia tay – là lòng tự trọng và một trái tim đủ đẹp để không hối tiếc vì đã từng tử tế. Không ai nợ ai điều gì trong tình yêu.Nhưng ta nợ chính mình một cuộc sống không oán giận, không dằn vặt, không cay đắng vì những điều từng khiến ta hạnh phúc.
Và nhất là với những cô gái – làm ơn, hãy tỉnh táo khi yêu. Yêu ai cũng được. Bao dung cũng được. Hy sinh cũng được. Nhưng đừng quên đặt mình lên trước. Đừng biến tình yêu thành một cuộc đánh đổi, mà trong đó mình cứ mãi phải gồng lên để chứng minh “tôi xứng đáng được giữ lại”.
Bạn không cần ai phải công nhận bạn đã tốt thế nào. Bạn chỉ cần biết: mình đã sống đúng với điều mình tin là đẹp. Và nếu một ngày, người ta vẫn chọn rời đi, thì hãy vẫn ngẩng cao đầu và bước tiếp.
Vì sau tất cả, bạn không mất gì cả. Bạn đã từng có những tháng ngày vui vẻ, hạnh phúc, được yêu hết mình, và trở thành một phiên bản nỗ lực, tử tế, hoàn thiện hơn mỗi ngày. Bạn đã trưởng thành, đã yêu đậm sâu, đã sống thật và cũng từng có những tháng ngày hạnh phúc– và đó là cái được lớn nhất sau mỗi cuộc tình tan vỡ.
Đừng để nỗi thất vọng của một cuộc chia tay khiến bạn quên đi giá trị của mình. Yêu ai cũng đừng quên yêu mình trước. Tình yêu có thể đánh mất, nhưng lòng tự trọng thì tuyệt đối không được đánh rơi. Và lòng tự trọng ấy xuất phát từ chính giây phút bạn chấp nhận khép lại một chương đã qua và mỉm cười chờ đợi những điều tốt đẹp đang tìm đến.