*Câu chuyện là chia sẻ cá nhân của bà Trịnh Lan, ở Trung Quốc, được chia sẻ trên Sohu. Tên nhân vật đã được thay đổi.
Khoảng 50 năm trước, trong một ngôi làng nhỏ ở Quảng Đông, Trung Quốc, gia đình bà Trịnh Lan rơi vào cảnh túng quẫn. Mùa màng thất bát khiến mỗi bữa cơm đều trở thành nỗi trăn trở. Trong cơn khốn khó ấy, một bao gạo 20 kg từ người chú của hai anh em Tiểu Tâm và Tiểu Hùng không chỉ là cứu cánh mà còn là biểu tượng của tình thân, lòng nhân ái và sự sẻ chia không toan tính.
Khi đó, bà Trịnh Lan là một người mẹ góa bụa, một mình nuôi hai cậu con trai là Tiểu Tâm, 14 tuổi, và Tiểu Hùng, 12 tuổi. Gia đình bà sống trong căn nhà đơn sơ. Năm đó, vụ lúa thất thu khiến thùng gạo nhà bà cạn dần. Những bữa cơm độn sắn, độn khoai không còn đủ để lấp đầy cái bụng đói của hai cậu bé đang tuổi lớn. Nhìn các con gầy gò, bà Trịnh Lan đau lòng nhưng bất lực.
“Mẹ không thể để các con đói,” bà tự nhủ, dù trong lòng biết rằng gia đình chẳng còn gì đáng giá để xoay sở.
Trong lúc tuyệt vọng, bà Trịnh nghĩ đến em trai của người chồng đã mất, ông Minh – một kế toán ở làng. Gia đình ông Minh đủ đầy hơn với căn nhà ngói khang trang và một cuộc sống ổn định.
Dù biết ông Minh luôn sẵn lòng giúp đỡ, bà Trịnh vẫn ngần ngại vì không muốn trở thành gánh nặng cho người khác, chưa kể chồng bà đã mất nhiều năm nên bà không còn qua lại thân thiết với những người em chồng.
Nhưng khi nhìn Tiểu Tâm và Tiểu Hùng ngồi bên mâm cơm chỉ có vài miếng khoai luộc, bà quyết định đặt lòng tự trọng sang một bên. Bà gọi hai anh em lại và dặn: “Hãy đến nhà chú Minh, xin chú cho vay ít gạo. Mẹ sẽ tìm cách trả sau.”
Sáng hôm đó, hai anh em đến nhà chú mình. Tiểu Tâm tỏ ra chững chạc và nói với em trai: “Chú Minh tốt lắm, chú sẽ giúp mình thôi.” Tiểu Hùng gật đầu, đôi mắt sáng lên khi tưởng tượng về bữa cơm trắng thơm lừng tối nay.
Khi đến nhà, ông Minh đang ngồi trước hiên, xem lại sổ sách. Nhìn thấy hai anh em, ông nở nụ cười hiền hậu. Tiểu Tâm rụt rè lên tiếng, truyền đạt lại lời mẹ.
Ông Minh không hỏi gì nhiều. Ông đứng dậy vào kho, tự tay đóng 20 kg gạo vào một chiếc bao mới. Ông đưa bao gạo cho Tiểu Tâm, chỉ nói ngắn gọn: “Về cẩn thận, đừng để rơi.”
Không một lời trách móc, không một câu hỏi về việc trả nợ. Trên đường về, hai anh em cùng nhau đỡ bao gạo nặng trĩu lên xe đẩy, nhưng bước chân lại nhẹ nhàng.
Lúc đó, hai anh em không biết rằng, điều chờ đợi họ ở nhà còn hơn cả một bữa cơm no.
Về đến nhà, bà Trịnh Lan đang ngồi vá áo bên thềm. Nhìn thấy các con hớn hở kéo bao gạo vào sân, bà thở phào nhẹ nhõm. Bà đứng dậy, mở bao gạo, chuẩn bị chia phần để nấu bữa tối.
Nhưng khi tay bà chạm vào lớp gạo trắng, bà khựng lại. Bên dưới lớp gạo là một phong bì nhỏ. Với đôi tay run run, bà mở phong bì và thấy 20 NDT cùng một mẩu giấy. Trên giấy, nét chữ ngay ngắn của ông Minh ghi: “Mua thịt cho bọn trẻ.”
Bà Trịnh sững sờ vì 20 NDT thời đó không phải số tiền nhỏ, đủ để gia đình bà mua thực phẩm cho cả tuần. Nhưng hơn cả giá trị vật chất, dòng chữ trên mẩu giấy như chạm vào trái tim bà.
Đó không chỉ là sự giúp đỡ, mà là sự thấu hiểu sâu sắc của ông Minh dành cho hoàn cảnh gia đình chị dâu. Ông biết các cháu mình không chỉ cần gạo để no bụng, mà còn cần thịt để lớn lên khỏe mạnh.
Bà ôm lấy phong bì, nước mắt lăn dài trên gò má. Tiểu Tâm và Tiểu Hùng đứng bên cạnh, ngơ ngác nhìn mẹ khóc. Mẹ không sao,” bà nói. “Chú Minh tốt với chúng ta quá. Mẹ sẽ không bao giờ quên ơn này.”
Hình ảnh này khắc ghi thật sâu trong lòng 2 anh em. Sau này, khi lớn lên, các con trai của bà Trịnh đều trở thành những người sống tử tế, luôn sẵn lòng dang tay với những ai khó khăn. Tiểu Tâm, giờ là một giáo viên làng, thường kể lại câu chuyện này cho học sinh, như cách để truyền cảm hứng về lòng nhân ái. Còn Tiểu Hùng lại làm việc ở hợp tác xã, không ngần ngại giúp đỡ những gia đình nghèo trong làng, như cách chú Minh từng làm với gia đình mình.
Bà Trịnh dù đã già nhưng vẫn luôn nhắc về người em trai của chồng với lòng biết ơn vô hạn. Mỗi dịp lễ Tết, bà không quên mang một ít quà quê đến nhà ông Minh, từ bó rau, con cá, cho tới những món đồ bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. Sau này, khi 2 người con trai đã lớn, họ luôn đích thân tới cửa thăm hỏi sức khỏe, giúp đỡ công việc của gia đình chú.
Với gia đình bà Trịnh, đó không chỉ là sự trả ơn, mà là cách để giữ gìn tình thân, để nhắc nhở rằng trong khó khăn, tình người là điều quý giá nhất.
(*Theo Sohu)