Trong thế giới công sở, có một kiểu người tưởng chừng là nhân sự chủ chốt, không bao giờ bị sa thải khi công ty gặp khó khăn nhưng thực chất họ lại là những người có vị trí bị lung lay nhất.
Cao Chí Luỹ (Từ Tranh thủ vai) trong Upstream (Ngược Dòng Cuộc Đời) - bộ phim đang hot rần rần trên MXH là một ví dụ điển hình. Trong buổi sáng bị sa thải, Cao Chí Luỹ (Từ Tranh) vẫn không mảy may biết gì mà dõng dạc tuyên bố với vợ và gia đình rằng: “Đội R&D (Research & Development - Nghiên cứu và phát triển) chỉ có chồng em là chủ chốt thôi”.
Nhưng chỉ vài tiếng sau, anh trở thành cái tên đầu tiên xuất hiện trong danh sách cắt giảm nhân sự. Điều này xảy ra bất chấp bối cảnh anh đang là quản lý cấp trung (trưởng nhóm), bất chấp anh đã cống hiến suốt 11 năm cho công ty, cùng công ty vượt qua bao nhiêu khó khăn. Bất kỳ ai ở trong tình huống này có lẽ đều phải cay đắng tự chất vấn bản thân: Tại sao? Mình đã mắc lỗi ở đâu mà bị đối xử như vậy?
Có 3 sự thật phũ phàng thậm chí nếu nghĩ lại, bản thân Cao Chí Luỹ sẽ cảm thấy xấu hổ về màn sa thải đau đớn này!
Chắc chắn sẽ có người phản bác nhận định này. Bởi khi làm shipper, Cao Chí Luỹ đã tự mình phát triển app cho người giao hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả công việc. Nhưng bạn đang nhìn từ góc độ của một người ngoài, không phải từ sếp của anh ta.
Trong mắt lãnh đạo, Cao Chí Luỹ có đầy khuyết điểm.
Ngay từ đầu phim, team của Cao Chí Luỹ có một nhân viên mới. Người này viết code sai, mắc những lỗi rất ngớ ngẩn và nhiều người biết về lỗi sai này. Cách xử lý tình huống của Cao Chí Luỹ là để nhân viên đổ lỗi lên người mình. Bởi anh nghĩ rằng nếu người đó phải chịu trách nhiệm thì sự phát triển và con đường thăng tiến sẽ bị ảnh hưởng, còn nếu mình nhận lỗi thì chỉ bị quở trách vài câu.
Cao Chí Luỹ có phải là một người tốt không? Có! Vì anh đã chọn cách suy nghĩ cho nhân sự mới. Nhưng cũng chính vì việc đó mà trong mắt lãnh đạo, Cao Chí Luỹ trở thành nhân viên kém cỏi, ngay cả đoạn code đơn giản như vậy cũng để mắc lỗi. Tại sao công ty phải bỏ ra 500.000 - 600.000 NDT/năm (tương đương 1,7 - 2 tỷ đồng) để nuôi một nhân viên như vậy?
Chưa hết, khi nhận thông tin bị sa thải, Cao Chí Luỹ đã mất bình tĩnh, ném chiếc ghế về phía sếp lớn và khiến tấm kính phía sau đổ sập. Vừa ném, anh ta vừa hét lớn oán trách công ty: "Tôi làm việc như trâu, ngày nào cũng tăng ca. Tôi làm ở đây cả đời để rồi bị tiểu đường. Giờ không khỏe bằng Phấn Đẩu nên các người đuổi tôi? Các người bị làm sao vậy? Lũ **** ***! Đây là phân biệt tuổi tác. Lũ vô ơn!".
Hành động của Cao Chí Luỹ không chỉ cho thấy anh là người không giỏi cân bằng mà còn giúp công ty củng cố quyết định sa thải của mình. Bởi lẽ không ai chấp nhận một người có thể bùng phát ý định tấn công sếp lớn, gây thiệt hại đến tài sản công ty cả. Dù 11 năm qua, anh ta có đóng góp nhiều đến cỡ nào, anh ta đã không ăn không ngủ cày ngày cày đêm ra sao thì đó cũng là chuyện của quá khứ, anh ta được trả lương để làm việc đó. Bây giờ anh không đáp ứng yêu cầu về hiệu quả công việc, bị sa thải là điều sớm xảy ra.
Không khó để bắt gặp những người có năng lực làm việc tốt nhưng năng lực quản lý lại kém. Những sai lầm mà nhân viên mới của Cao Chí Luỹ mắc phải hoàn toàn tránh được nếu anh quản lý nhân sự tốt hơn.
Là trưởng phòng, Cao Chí Luỹ cần có cách theo dõi khác, cụ thể hơn và sát sao hơn với người mới. Cuối mỗi ngày, anh có thể kiểm tra một lượt việc công việc của người đó, thường xuyên nhắc nhở và nhấn mạnh về sự chú tâm trong công việc. Nhưng Cao Chí Luỹ không làm điều đó và nó cho thấy kỹ năng quản lý kém cỏi.
Một chi tiết khác cũng chứng minh điều này là sự xuất hiện của một trưởng nhóm khác là Phấn Đẩu - đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Cao Chí Luỹ trong công ty. Cả số lượng và chất lượng dự án mà nhóm của anh phụ trách đều không bằng nhóm của Phấn Đẩu.
Với các lãnh đạo cấp cao, đây không chỉ là vấn đề quản lý năng lực mà còn trực tiếp thể hiện hiệu quả làm việc của cả nhóm. Bạn nghĩ xem, cùng số lượng nhân sự, cùng trả lương tương đương nhưng kết quả lại chênh lệch một trời một vực thì liệu lãnh đạo có thể nhắm mắt làm ngơ?
Có một chi tiết khủng khiếp về Cao Chí Luỹ là anh không có bạn bè hay đồng nghiệp thân thiết.
Ngày cha nhập viện, Cao Chí Luỹ thiếu hơn 100.000 NDT (hơn 346 triệu đồng) tiền viện phí. Theo logic thông thường, anh có thể vay mượn từ người thân và bạn bè nhưng lại không thể làm vậy. Cao Chí Luỹ không có bạn bè. Thậm chí anh không có nổi vài ba người có thể cho vay 10.000 - 20.000 NDT (khoảng 34,6 - 69 triệu đồng). Mối quan hệ cá nhân của Cao Chí Luỹ kém đến cỡ nào mới như thế!
Một ngày khác, khi Cao Chí Luỹ giao đồ ăn đến công ty cũ, Phấn Đẩu đã dùng những lời lẽ sỉ nhục và chế giễu anh. Ấy thế mà tất cả các đồng nghiệp cũ, không một ai đứng ra nói đỡ hay bênh vực anh ấy. Điều duy nhất mà họ bàn tán về anh rằng: “Không phải anh ấy nói là tự mình khởi nghiệp hay sao?”.
Tôi có một người chú là giám đốc ở bệnh viện tư nhân và đã nghỉ hưu. Theo lẽ thông thường, “người đi trà lạnh” nên những người đã nghỉ hưu không được mấy ai quan tâm. Ấy thế mà khi chú quay trở lại khám bệnh, nhân viên cũ ở các khoa đều bày tỏ sự kính trọng và nhiệt tình như khám bệnh cho người nhà. Đây là mối quan hệ quan hệ tốt mà chú có được trong 7-8 năm làm việc ở bệnh viện.
Ở tuổi 45, với mức lương 500.000 - 600.000 NDT, cách phổ biến nhất để tìm được việc mới là thông qua các mối quan hệ cá nhân. Nhưng Cao Chí Luỹ không có nổi một người bạn nào có thể đem đến cơ hội việc làm, cuối cùng ngờ nghệch đến mức rơi vào tay lừa đảo.
Việc Cao Chí Luỹ có thể phát triển khi làm shipper không phải vì năng lực vượt trội mà chính là nhờ sự hỗ trợ từ đồng nghiệp. Đó là một chàng trai trẻ hơn nhưng có nhiều kinh nghiệm làm việc hơn, hỗ trợ anh như bảo mẫu. Nếu thiếu sự hướng dẫn đó thì có lẽ anh ấy đã sớm từ bỏ công việc này.
Trong mắt lãnh đạo, điều họ cần là người quản lý cấp trung vừa có năng lực làm việc vừa có khả năng lãnh đạo nhân viên, không phải một người chỉ có kinh nghiệm không chịu trau dồi kỹ năng. Vì vậy, nếu là người am hiểu quy luật chốn công sở thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Cao Chí Luỹ bị sa thải.
(Nguồn: Baidu)