Báo động tình trạng tự tử ở Nga – đối tượng đa số đều là trẻ vị thành niên.
Thứ hai vừa qua, cảnh sát đã phát hiện một thiếu nữ trong tình trạng bị thương nặng nằm trên mặt đất phủ đầy tuyết ở thành phố Krasnoyarsk, thuộc Siberia (Nga). Qua điều tra, cảnh sát đi đến kết luận nạn nhân là Ekaterin, 15 tuổi đã tự tử bằng cách gieo mình xuống từ một căn hộ ở gần đó.
Trước đó một ngày, hôm chủ nhật, thi thể của hai nữ sinh Yulia Konstantinova 15 tuổi và Veronika Volkova 16 tuổi đã được tìm thấy trên mái nhà của một khu chung cư tại thị trấn Ust-llimsk, Irkutsk, Liên bang Nga.
Hai ngày trước đó, một thiếu nữ 14 tuổi đến từ thành phố Chita đã tự tử bằng cách lao mình vào một đoàn tàu đang đến.
Đây là một vài trường hợp trong số hàng loạt những vụ tự tử ở trẻ vị thành niên đang liên tiếp diễn ra ở Nga từ giữa năm 2015 đến nay.
Báo điều tra Novaya Gazeta báo cáo rằng: "Chúng tôi ước tính có 130 vụ tự tử của vị thành niên diễn ra từ tháng 11/2015 đến tháng 4/2016. Hầu hết tất cả những đứa trẻ này đều là thành viên của những nhóm kín trên Internet và đều có một cuộc sống đầy đủ cùng một gia đình hạnh phúc".
Trò chơi tử thần – nơi người chơi dùng cả tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ.
Sau quá trình điều tra, phía cảnh sát phát hiện nạn nhân trong tất cả những vụ tự tử trên có một điểm chung đáng chú ý là họ đều là thành viên của những "trò chơi tử thần" – một trào lưu nguy hiểm đang được ưa chuộng trên mạng xã hội ở Nga.
Rất có thể, chính những trò chơi này là nguyên nhân trực tiếp đã chi phối, ảnh hưởng và xúi giục những thiếu nữ này tìm đến cái chết như một cách thức để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Với trường hợp của hai nữ sinh Yulia Konstantinova và Veronika Volkova, khi bắt tay vào điều tra, cảnh sát phát hiện rằng hai nữ sinh này đều là thành viên của trò chơi tử thần mang tên Cá Voi Xanh.
Cả Veronika Volkova (trái) và Yulia Konstantinova (phải) đều là thành viên của trò chơi tử thần mang tên Cá Voi Xanh.
Ngay lập tức, Ủy ban điều tra Nga đã chuyển cuộc điều tra theo hướng "kích động tự sát" thay vì một vụ án tự tử thông thường như lúc ban đầu.
Cảnh sát tin rằng, chính những kẻ đứng đằng sau hội nhóm bí ẩn này đã thao túng, dẫn dắt hai thiếu nữ này đi vào con đường tự giết bản thân mình để có thể hoàn thành nhiệm vụ trong trò chơi.
"Nhân viên điều tra đã đến kiểm tra hiện trường, nhà của hai nạn nhân, lấy lời khai từ người thân và bạn bè của họ để xây dựng động cơ của vụ án. Điều đặc biệt chú ý trong suốt quá trình điều tra vụ án hình sự này sẽ là các mối quan hệ xã hội của nạn nhân trên Internet", báo cáo nêu rõ.
Theo thông tin từ phía cảnh sát, trước khi thực hiện hành vi tự tử, hai thiếu nữ này đã nhiều lần có hành động tự làm tổn hại cơ thể, sau đó vào ngày thứ 50 tham gia trò chơi, họ chính thức tự tử sau khi để lại dòng trạng thái đầy ẩn ý trên trang cá nhân của mình.
Yulia Konstantinova đã có nhiều hành động làm tổn hại thân thể trước khi thực hiện việc tự tử hôm chủ nhật vừa qua.
Yulia đã để lại lời nhắn với dòng chữ "Kết thúc" trên trang cá nhân và trước đó cô đã đăng tải một bức ảnh là hình một chú cá voi xanh - biểu tượng của trò chơi.
Bạn của cô, Veronika viết rằng: "Không còn ý nghĩa gì nữa... Kết thúc". Ngoài ra, cô ấy còn thường xuyên đăng tải những thông điệp đau buồn như: "Bạn có cảm thấy rằng bản thân đang dần trở nên vô dụng?" hoặc "Tôi chỉ là một bóng ma".
Phía cảnh sát cũng cho biết họ đã bắt giữ hai thiếu niên có mặt tại hiện trường để ghi hình lại toàn bộ cuộc tự tử bi thảm của 2 cô gái trẻ này.
Cô viết trên trang cá nhân dòng chữ "Kết thúc" như lời thông báo về việc tự tử của mình.
Phía cảnh sát Krasnoyarsk cho biết rằng cô gái trong vụ án của họ cũng là thành viên của một trò chơi trên mạng xã hội ‘Vkontakte’ và đã được người quản lý của nhóm giao cho một "nhiệm vụ".
Theo đó, thiếu nữ này buộc phải khắc chữ lên cánh tay của mình và sau đó tìm một tòa nhà cao tầng để nhảy xuống. Rất may, vào phút cuối cùng cô ấy đã không làm theo mệnh lệnh, nhưng cảnh sát lo ngại rằng rất nhiều người chơi khác đã làm theo.
Hiện, cảnh sát Krasnoyarsk đã mở 3 chuyên án để điều tra các vụ kích động tự tử liên quan đến các nữ sinh do một nhóm bí ẩn trên mạng xã hội cầm đầu. Rất may, trong cả 3 trường hợp này, nạn nhân đều đã được cứu sống.
Hiệu trưởng của một trường học ở đây cũng xác nhận với cảnh sát về một cuộc gọi nặc danh thông báo với ông việc học sinh trong trường đang tham gia vào một "nhóm tử thần" và hiện đang lên kế hoạch để kết liễu cuộc đời vào một ngày gần nhất.
Cá Voi Xanh - biểu tượng của trò chơi tử thần.
Trong trường hợp ở Chita, cảnh sát giao thông cũng xác nhận chính trò chơi tử thần "Cá Voi Xanh" là nguyên nhân dẫn đến việc cô gái trẻ gieo mình vào đoàn tàu đang đến.
Ngoài ra phía cảnh sát còn thông báo thêm trường hợp của một cô gái khác đã lên kế hoạch tự tử cùng với một thiếu niên đã chết nhưng cô đã thay đổi quyết định vào phút cuối cùng.
Năm ngoái, Philip Budeikin 21 tuổi – bị cáo buộc là kẻ cầm đầu một trong những nhóm tử thần đã bị bắt giữ và sau đó bị buộc tội tự ý thành lập một nhóm gồm 8 người để kích động tự tử trong giai đoạn từ 2013 đến 2016.
Philip Budeikin - kẻ cầm đầu một nhóm kích động tự tử trên mạng xã hội bị bắt giữ vào năm ngoái sau khi gây ra cái chết cho 15 thanh thiếu niên ở Nga.
Theo cáo trạng, trước khi bị bắt Philip cùng với nhóm của mình đã kích động 20 thanh thiếu niên tự tử, trong đó có 15 nạn nhân tự tử thành công và 5 người khác đã được cứu sống vào phút cuối.
Sau khi kẻ cầm đầu bị bắt giữ, số vụ tự tử có giảm đi nhưng hiện tại sự việc này lại bùng phát một lần nữa.
Những "tử thần" đã làm việc như thế nào?
Cơ quan mật vụ FSB, do tổng thống Vladimir Putin đứng đầu nhận định rằng: "Nguyên nhân gây ra những vụ tự tử ở trẻ vị thành niên trên mạng Internet là vô cùng nghiêm trọng".
Theo đó, đây là những vụ án có tổ chức, có kế hoạch thực hiện rõ ràng, cụ thể. Ngay khi ấn nút tham gia trò chơi, người chơi đã được những tên "đạo diễn" đứng đằng sau lên kế hoạch từng bước dẫn dắt họ đến với nhu cầu được tự tử.
Ban đầu, người chơi sẽ được tẩy não rằng: "Những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống đều bắt đầu bằng kí tự "S" – trong đó có semiya (gia đình), Saturday (thứ bảy), sex, và suicide (tự tử)".
Sau đó, công cuộc tẩy não sẽ được tiếp tục bằng nhiều hình thức khác nhau. Nó có thể là một bài hát với ca từ "Chúng tôi đã lên đường đi đến một không gian tươi đẹp, và chúng tôi không còn vương vấn gì đối với thế giới này".
Hay một bức ảnh về một đoàn tàu đang đến với dòng chữ "Thế giới này không dành cho chúng ta". Đôi lúc nó sẽ là bức ảnh của một thiếu niên ngồi trên mái nhà với dòng minh họa "Chúng ta là những đứa trẻ của một thế hệ đã chết".
Tham gia trò chơi, người chơi sẽ được khuyến khích dùng dao khắc hình cá heo lên cánh tay hoặc chân của mình.
Đặc biệt, khi tham gia vào trò chơi này, người chơi sẽ được khuyến khích sử dụng dao hoặc dao lam để khắc hình cá heo lên cổ tay hoặc chân của mình.
Họ còn bị bắt phải xem những bộ phim kinh dị cả ngày lẫn đêm và thường được đánh thức vào lúc 4h20 sáng cùng những câu hỏi như: "Bạn đã phải trải qua bao nhiêu ngày buồn tẻ, chán ngắt như thế này rồi?"
Đến ngày thứ 50 tham gia trò chơi, khi đã hoàn thành xong công cuộc tẩy não, những tay "đạo diễn" này sẽ bảo người chơi theo cách thức và địa điểm được chỉ định để thực hiện việc tự tử, hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng của trò chơi.
Báo điều tra Novaya Gazeta nhận định: "Chúng tôi biết chắc rằng những tên "đạo diễn" phía sau những trò chơi này đều là người trưởng thành và đang làm những công việc có liên quan đến trẻ nhỏ.
Chúng rất am hiểu thói quen và đam mê của trẻ cùng những thứ ngôn ngữ và văn hóa mà giới trẻ ưa chuộng.
Chúng còn rất giỏi về tâm lí. Bọn họ có thể thuyết phục một cô gái rằng cô ấy rất "béo", nói với một chàng trai rằng anh ta chính là một "kẻ thất bại" trong thế giới này. Và rằng có một thế giới khác mà ở đó những "cô béo" hay những "anh chàng thất bại" mới là người được chọn".