Nhiều quán quen của giới trẻ Sài gòn đóng cửa
Ngay ngày đầu tháng 10, khi TP.HCM mở cửa các hoạt động kinh doanh trở lại trong trạng thái bình thường mới, Starbucks thông báo chia tay với cửa hàng tại khách sạn Rex đường Nguyễn Huệ.
Thương hiệu này không đưa ra lý do cho sự chia tay, nhưng thể hiện sự tiếc nuối, và hẹn gặp khách hàng ở 2 quán lân cận tai phố đi bộ Nguyễn Huệ và Vincom Đồng Khởi.
Quán cà phê đắt khách của Starbucks tại khách sạn Rex đã nói lời tạm biệt sau 4 tháng đóng cửa chống dịch
Starbucks Rex có mặt từ năm 2013, là quán cà phê thứ 3 khi thương hiệu này có mặt tại Việt Nam. Quán có thiết kế khá sáng tạo dựa trên di sản kiến trúc vốn có của khách sạn Rex, tạo nên một không gian tao nhã và thanh lịch.
Về độ hot của các quán cà phê tại khu vực trung tâm TP.HCM, có lẽ giới trẻ khẳng định Starbucks Rex đứng hàng đầu. Hầu hết ngày cuối tuần, quán luôn full chỗ. Còn các ngày trong tuần thì khoảng thời gian đầu giờ sáng, hầu như khách cũng khó tìm được một chỗ ngồi, mặc dù quán này có diện tích không nhỏ.
Đột ngột đóng cửa một địa chỉ vốn được giới trẻ và cả khách du lịch yêu thích, khách hàng của Starbucks dù thể hiện sự tiếc nuối. Nhưng cũng ngầm hiểu lý do lớn là sau nhiều tháng giãn cách, tạm dừng hoạt động, ông lớn cà phê này đã phải tính đến việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình.
Cũng vào tuần đầu tháng 10, khi TP.HCM mở cửa nền kinh tế sau nhiều tháng giãn cách chống dịch, The Coffee House bất ngờ thông báo đóng cửa quán signature trên đường Phạm Ngọc Thạch (Quận 3). Đây là phiên bản mà chuỗi này chuyên phục vụ cà phê đặc sản với giá cao vượt trội so với các quán khác của chuỗi.
Giá thức uống cao, nhưng đông khách lui tới địa điểm này bởi không gian quán rất được chú trọng. Quán có vị trí đắc địa tại khu vực Hồ Con Rùa gần nhà thờ Đức Bà, thiết kế đẹp, thoáng mát. Cũng vì vậy mà khi địa điểm này đóng cửa, nhiều người trẻ tiếc ngẩn ngơ một điểm check in quen thuộc, yêu thích.
So với các chuỗi cà phê khác, đến thời điểm này, có lẽ The Coffee House là chuỗi có số lượng cửa hàng giảm mạnh nhất. Cập nhật trên hệ thống của chuỗi chỉ còn khoảng 140 quán, trong khi trước thời điểm làn song Covid-19 thứ 4 bùng phát, vào tháng 4/2021 có khoảng 180 quán.
Số cửa hàng "biến mất" của chuỗi cà phê được định vị cho người trẻ này tập trung nhiều nhất ở TP.HCM. Khi truy cập nhiều địa điểm quen thuộc tại các Quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình... Thời điểm này, khách sẽ nhận được dòng thông báo đóng cửa vĩnh viễn hoặc tạm dừng hoạt động.
Các chuỗi cà phê đang liên tiếp đóng nhiều cửa hàng có vị trí đắc địa tại khu vực trung tâm TP.HCM
Chuỗi Trung Nguyên Legend những ngày này cũng lặng lẽ gỡ, thông báo tạm đóng cửa nhiều cửa hàng tập trung ở các quận trung tâm TP.HCM, đặc biệt là Quận 1, quận 3. Chung tình cảnh, King Coffee của bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng đóng nhiều quán ở khu vực trung tâm TP như Bùi Viện, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Quang Khải…
Highlands Coffee cũng đóng một số ít cửa hàng ở khu vực trung tâm nhưng chuỗi này vẫn có quán mở mới ngày sau khi TP.HCM bỏ giãn cách xã hội
Ai rồi cũng phải… xuống đường đẩy xe bán cà phê
Theo Savills Việt Nam, chi phí mặt bằng là một trong những chi phí rất đáng kể trong tổng chi phí của một doanh nghiệp F&B, kế tiếp đó là về nhân lực. F&B là một trong những phân khúc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất do tác động của giãn cách xã hội. Sau giai đoạn khó khăn, nhiều thương hiệu xác định chiến lược phát triển thận trọng hơn, lựa chọn địa điểm kỹ càng và quản lý các chi phí chặt chẽ hơn.
Áp lực về dòng tiền rất lớn trong suốt gần 4 tháng giãn cách xã hội khiến các chuỗi cà phê phải tính toán lại chiến lược kinh doanh theo phương án sống chung với dịch. Ngoài việc phục vụ nhu cầu mới của khách là hạn chế sử dụng tại chỗ, việc đóng bớt cửa hàng ở những vị trí có giá thuê cao ngất ngưỡng là phương án tối ưu trong tình thế phải tiết giảm chi phí, trong đó mặt bằng chiếm 20-30% chi phí kinh doanh.
The Coffee House cho biết công ty vẫn tiếp tục đàm phán với chủ cho thuê mặt bằng hỗ trợ giá thuê. Tuy nhiên, các cửa hàng hiện có phải chuyển đổi mô hình, công năng để kiểm soát chi phí và phù hợp với các yêu cầu mới như '3 tại chỗ', giao hàng online là chủ yếu.
Chuỗi đã nhanh chóng kích hoạt mô hình ki-ốt và xe đẩy để phục vụ nhu cầu mua mang đi của khách. Ki-ốt đầu tiên ra mắt là một quầy hàng siêu nhỏ "ở ghép" cùng siêu thị Kingfoodmart trên đường Phạm Hùng (huyện Bình Chánh, TP.HCM).
CEO Lê Bá Nam Anh của chuỗi cà phê này đánh giá nhu cầu mua mang về đang trở thành thói quen mới sau giãn cách xã hội. Chuỗi sẽ kết hợp với các cửa hàng phân phối lớn trên thị trường mở các ki-ốt tại nơi có mật độ người tiêu dùng cao, còn xe đẩy sẽ mang đến một The Coffee House thu nhỏ.
Chuỗi Chuk Chuk bán cà phê, trà sữa, kem của KiDo mới ra mắt đầu tháng 6/2021, cũng đi theo mô hình cửa hàng kết hợp ki-ốt và xe đẩy, để thích ứng với tình hình mới. Ông Trần Lệ Nguyên - Chủ tịch HĐQT Kido, kỳ vọng đây cũng là cách đi nhanh nhất để chạm đến tham vọng 1.000 điểm bán vào năm 2025.
Highlands từ rất sớm đã gia nhập phong trào đẩy xe xuống đường bán cà phê
"Sáng kiến" đẩy xe xuống đường bán cà phê có lẽ bắt đầu từ khi cà phê Ông Bầu ra đời ngay đợt dịch Covid-19 lần đầu vào đầu năm 2020. Ngay khi những chiếc xe đẩy màu vàng của Ông Bầu xuất hiện, hàng loạt ông lớn từng chỉ hiện diện ở các ngã ba, ngã tư đường, trung tâm thương mại sang chảnh, đã ngay lập tức hòa vào cuộc đua đẩy xe xuống đường bán cà phê.
Tận dụng các vỉa hè rộng tại khu vực trung tâm TP.HCM hoặc bên dưới các tòa nhà văn phòng, hiện nay, nhiều ki-ốt, xe đẩy của các chuỗi như Passio Coffee, Guta. King Coffee… liên tục mọc lên và thu hút rất đông khách hàng.
Tại góc đường Trần Cao Vân - Hai Bà Trưng (Quận 3), 2 ki-ốt của Guta và Passio Coffee từ sáng đến trưa luôn tấp nập. Hầu hết là dân văn phòng thường mua cà phê mang đi.
Bất ngờ nhất là "ông lớn" Highland Coffee đã "xuống đường" ngay từ đợt dịch đầu tiên năm 2020 với những chiếc xe đẩy rất nhỏ gọn. Xe cà phê dạo của Highlands được đặt trước các tòa nhà văn phòng ở Quận 1, Quận 3, dọc các tuyến đường có nhiều tòa nhà văn phòng ở khu vực trung tâm TP.HCM. Menu cũng rất nhỏ gọn, chỉ gồm các món cà phê, bạc xỉu.
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát kéo dài tại TP.HCM, khi nhiều chuỗi khác phải tạm dừng hoạt động thì Phúc Long vẫn mở bán đều đặn nhờ "ở ghép" tại các cửa hàng Winmart , siêu thị Winmart sau khi được Masan rót vốn đầu tư. Hệ thống cửa hàng WinMart đang có độ phủ lớn nhất thị trường, cùng với mô hình ki-ốt tiện lợi, Masan đặt kế hoạch có ngay 1.000 ki-ốt bán trà sữa, cà phê Phúc Long chỉ sau 1 năm bước chân vào thị trường.
King Coffee của bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng không ngoại lệ khi nhanh chóng "xuống đường" bằng xe đẩy đặt gần các tòa nhà văn phòng.
Cùng với thu gọn mô hình phục vụ, các chuỗi cà phê đang thu nhau ra mặt sản phẩm mới như cà phê pha sẵn, đóng chai, đóng lon uống liền, cà phê hòa tan… để đa dạng sản phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhanh của khách hàng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực F&B nhận định, khách hàng có nhu cầu trải nghiệm không gian cà phê đang hẹp đi, việc "xuống đường" khiến các đại gia có thêm khách hàng mới. Không tốn nhiều chi phí mặt bằng, nhân viên, bàn ghế... và giá thành nước uống nhờ đó giảm đi, phù hợp nhiều đối tượng.
JLL Việt Nam cũng xác nhận nhiều chuỗi lớn trong ngành F&B hiện nay đang tìm đến mô hình ki-ốt và xe lưu động, như một cách để thử nghiệm bán các món mang đi mà không phải lo nhiều về chi phí thuê nhân viên và mặt bằng. Đây là phương án ngắn hạn để các đơn vị F&B thử nghiệm ở những thị trường mới, cũng như tăng nhận diện thương hiệu và chạm đến nguồn khách hàng tiềm năng.