Tạp chí bóng đá Anh tin Xuân Trường sẽ mở đường cho bóng đá Đông Nam Á

Gia Viên, Theo Trí Thức Trẻ 15:15 13/01/2016

Trên tạp chí bóng đá danh tiếng FourFourTwo (Anh), cây bút John Duerden đã có bài viết đầy cảm xúc về sự kiện Lương Xuân Trường sang chơi bóng ở K.League.

Tạp chí bóng đá Anh tin Xuân Trường sẽ mở đường cho bóng đá Đông Nam Á - Ảnh 1.

Khoảng 8 năm trước, tôi có hỏi một huấn luyện viên hàng đầu tại Hàn Quốc là liệu ông có nhìn sang Đông Nam Á khi tìm kiếm cầu thủ để củng cố đội hình của mình. Câu trả lời tôi nhận được vô cùng tiêu cực: Các cầu thủ đến từ khu vực nêu trên "quá lười biếng" và "vô kỷ luật".

Suy nghĩ ấy, theo tôi, cũng là một kiểu lười biếng. Năm 2016 có thể là thời điểm để người Hàn Quốc thay đổi quan điểm đối với những tài năng trẻ thuộc khu vực vẫn bị xem là “vùng trũng” nhưng yêu bóng đá bậc nhất châu Á.

Lương Xuân Trường chỉ mới 20 tuổi, nhưng tiền vệ người Việt Nam đang phải gánh trên vai rất nhiều áp lực sau khi ký hợp đồng với CLB Incheon United thuộc giải K-League. Xuân Trường có thể trở thành Piyapong Pue-on mới. Nếu vậy, ngôi sao trẻ của bóng đá Việt Nam sẽ là người thay đổi cuộc chơi theo nhiều góc độ khác nhau.

Trên thực tế, việc Hàn Quốc trải qua một quãng thời gian dài không quan tâm tới khu vực Đông Nam Á quả là đáng ngạc nhiên. Trong thập niên 1980, Piyapong đã tỏa sáng rực rỡ ở giải đấu chuyên nghiệp lâu đời nhất của châu Á và câu chuyện về Piyapong vẫn còn được kể tại phía nam vĩ tuyến 38 với sự ngưỡng mộ giống như ở Bangkok.

Năm 2010, biểu tượng của bóng đá Thái Lan tham dự một trận giao hữu quốc tế tại sân vận động Seoul. Kết thúc trận đấu, qua người con trai, Piyapong đã có cuộc phỏng vấn với rất đông các phóng viên Hàn Quốc háo hức vây lấy ông.

Một bước đại nhảy vọt

Sau sự ra đi của Piyapong tới Malaysia (ông kể rằng đã nhận lời mời từ những CLB lớn của nước Anh nhưng ông chỉ muốn được thi đấu gần nhà), Đông Á gần như cũng quên luôn khu vực Đông Nam Á. Mọi chuyện thay đổi gần đây với sự quan tâm từ phía Nhật Bản. J-League đã theo chân các công ty Nhật Bản tiến vào Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Malaysia để bắt tay hợp tác với các LĐBĐ và các đài truyền hình thuộc các quốc gia này. Sau đó, các CLB Nhật Bản bắt đầu công cuộc tìm kiếm tài năng.

Lê Công Vinh từ Việt Nam và Irfan Bachdim từ Indonesia, đã được ký, nhưng ấn tượng mà cả hai cầu thủ này tạo ra lại chưa đủ thuyết phục. Nhật Bản vẫn không ngừng tìm kiếm một ngôi sao từ ASEAN để làm cho ngôi sao ấy tỏa sáng ở cấp độ cao hơn. Người Nhật hy vọng là nếu, hoặc khi điều đó xảy ra, những lợi ích thương mại sẽ là rất đáng kể.

Tạp chí bóng đá Anh tin Xuân Trường sẽ mở đường cho bóng đá Đông Nam Á - Ảnh 2.

Hàn Quốc bây giờ cũng nhận ra điều đó. Khi chiêu mộ Lương Xuân Trường, Incheon tin rằng họ có thể thu lại số tiền lớn hơn nhiều so với khoản lương trả cho cầu thủ người Việt từ các thỏa thuận về tài trợ và kinh doanh. Triển vọng ấy là khá sáng sủa. Incheon đã có được vị thế rất tốt để tận dụng những lợi thế mà ngôi sao mới của họ sẽ mang lại.

Nằm ở bờ biển phía Tây, Incheon không chỉ là khu vực mà bóng đá đã du nhập vào Hàn Quốc năm 1882 bởi các thủy thủ Anh, nó còn nằm cạnh một số thành phố vệ tinh của Seoul, nơi sinh sống của phần lớn cư dân Việt Nam tại Hàn Quốc với khoảng 150.000 người. Với việc các trận đấu thuộc K-League sẽ được phát sóng tại Việt Nam vào năm 2016, Incheon chính là CLB hoàn hảo dành cho Lương Xuân Trường, mặc dù khí hậu mùa đông tại Hàn Quốc có thể là một cú sốc đối với tiền vệ này.

Không phải là một đội bóng lớn, Incheon chưa giành được thành công thực sự nào kể từ khi thành lập vào năm 2004. Incheon hoạt động chủ yếu bằng một phần ngân sách của thành phố và họ không được đỡ đầu bởi các tập đoàn khổng lồ Hyundai hay Samsung, khiến khoảng cách giữa Incheon với phần còn lại K-League đang có nguy cơ bị nới rộng.

Lần gần nhất Incheon tiến gần đến một danh hiệu là lọt vào trận chung kết Cúp Quốc gia Hàn Quốc 2015. Nếu Xuân Trường có thể giúp đội bóng mới đoạt danh hiệu, anh chắc chắn sẽ tạo dựng được tên tuổi.

Trên đà phát triển

Xuân Trường sẽ vươn đến tầm Piyapong? Có thể. Tiền đạo người Thái đã trải qua 2 mùa giải với Lucky Goldstar và ông chính là Vua phá lưới năm 1985 khi CLB được tập đoàn LG hậu thuẫn này đã giành chức VĐQG. Nếu điều tương tự xảy ra vào thời điểm hiện tại, nó sẽ là một sự kiện lớn. Áp lực với Xuân Trường không những phải giúp Incheon leo cao trên BXH, mà còn phải chứng tỏ rằng các cầu thủ Đông Nam Á có đủ khả năng thi đấu tại Đông Á.

Các bước tiến gần đây của Thái Lan, từ chất lượng cầu thủ cho đến lối chơi của các đội bóng, vẫn chưa được ghi nhận tại Seoul hay Tokyo. Việc chỉ sản xuất ra duy nhất một Piyapong cách đây 3 thập kỷ là quá ít để khu vực Đông Nam Á ghi dấu ấn trên bản đồ bóng đá châu lục. Nếu ĐT Thái Lan lọt vào giai đoạn cuối cùng của vòng loại World Cup 2018, đồng thời Buriram United gây tiếng vang tại Champions League châu Á, thái độ thờ ơ đối với Đông Nam Á mới có thể biến mất.

Tạp chí bóng đá Anh tin Xuân Trường sẽ mở đường cho bóng đá Đông Nam Á - Ảnh 3.

Phải mất thời gian và một điều gì đó tạo sự khác biệt. Có nhiều thứ để không đồng tình với giải vô địch Đông Nam Á cấp CLB ASEAN Super League như đề xuất của ông Zainudin Nordin. Nhưng cựu chính khách người Singapore hoàn toàn đúng khi nói rằng châu Âu hiện là giấc mơ xa vời cho các cầu thủ Đông Nam Á. Đi về hướng Bắc là giải pháp tốt nhất trong tương lai gần.

Nếu Thái Lan, Indonesia, Malaysia... đã bắt đầu xuất khẩu các ngôi sao của mình sang Hàn Quốc hoặc Nhật Bản và nếu những cầu thủ ấy có thể khẳng định được năng lực ở chiến trường khốc liệt bậc nhất châu Á, thì con đường từ Đông Nam Á tới K-League và J-League sẽ mỗi lúc một thênh thang. Trung Quốc cũng nên được xem là một điểm đến thích hợp, dẫu rằng nhiều CLB thuộc giải China Super League hiện vẫn ưu tiên các cầu thủ Hàn Quốc và Australia cho suất ngoại binh quốc tịch châu Á.

Đây là một tình huống đôi bên cùng có lợi. Cơ hội được học hỏi, trải nghiệm tại Hàn Quốc và Nhật Bản là thứ mà bóng đá Đông Nam Á rất cần vào thời điểm này. Trong khi đó, hai người khổng lồ Đông Á phải được vùng vẫy trong một châu Á cân bằng, giàu sức cạnh tranh nếu muốn trở thành kẻ thách thức thực sự ở tầm quốc tế. Điều đó sẽ không xảy ra nếu những khu vực như ASEAN vẫn tụt hậu quá xa.

K-League và J-League sắp đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của các ngôi sao trẻ đến từ những làng cầu kém phát triển hơn. Sớm hay muộn, một ngôi sao ASEAN sẽ nổi lên tại Đông Á. Chỉ cần một tia lửa. Chỉ cần một Piyapong của thế kỷ 21. Cũng có thể đó là một tiền vệ 20 tuổi đến từ Việt Nam sẽ mở đường cho bóng đá Đông Nam Á tỏa sáng tầm châu lục.