Sony và nhiều ông lớn công nghệ khác đầu tư 1 tỷ USD vào Epic Games để làm một "Siêu vũ trụ" - bước tiến hóa tiếp theo của Internet

Kim, Theo Pháp luật & Bạn đọc 23:26 17/04/2021

Nhìn vào số tiền khổng lồ Epic Games vừa nhận được, ai cũng đặt ra câu hỏi: Mục đích tương lai của Epic là gì mà cần số tiền lớn từ những cái tên đình đám?

Mỗi khi một khoản tiền vốn khổng lồ được rót vào một công ty game, ta thường có xu hướng mong chờ một game bom tấn mới, một công nghệ đột phá hay mong đợi công ty chuyển chủ sở hữu. Nhưng trong trường hợp này, Epic Games nói rằng họ đang phát triển một thứ có tên "Metaverse", tạm dịch là "Siêu vũ trụ".

Sony và nhiều ông lớn công nghệ khác đầu tư 1 tỷ USD vào Epic Games để làm một Siêu vũ trụ - bước tiến hóa tiếp theo của Internet - Ảnh 1.

Tim Sweeney

"Chúng tôi cảm kích trước hành động của các nhà đầu tư hiện tại và cả những bên mới cộng tác, những người ủng hộ tầm nhìn xa của Epic và của siêu vũ trụ", CEO Tim Sweeney nói. "Những khoản đầu tư này sẽ giúp tăng tốc độ xây dựng một trải nghiệm cộng đồng trong game Fortnite, Rocket League và Fall Guys, đồng thời cung cấp sức mạnh của Unreal Engine, các dịch vụ của Epic Online và cửa hàng Epic Games cho các nhà phát triển".

Cả Epic Games và CEO của họ đã nhiều lần nhắc tới việc thành lập một siêu vũ trụ, tuy nhiên chưa có thông tin nào rõ ràng dù cho dự án vừa nhận được số vốn lên tới 1 tỷ USD. Vậy thứ siêu vũ trụ này là gì, và tại sao Epic Games muốn tạo ra nó?

Thuật ngữ "siêu vũ trụ"…

... xuất hiện lần đầu trong cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng Snow Crash của Neal Stephenson, mô tả một không gian ảo cho phép người dùng sử dụng những bản thể - avatar ảo để tương tác với nhau. Suốt thập kỷ qua, nhiều cái tên có tiếng trong ngành công nghiệp game đã và đang tìm cách tạo ra những phiên bản khác nhau của siêu vũ trụ. Tuy nhiên, chưa hãng nào thực hiện được giấc mơ lớn, chưa ai định nghĩa được hình dáng, chức năng và độ lớn của "siêu vũ trụ".

Vẫn có một số gạch đầu dòng được đa số các nhà phát triển đồng thuận. Theo lời Matthew Ball, nhà phân tích thị trường của công ty đầu tư mạo hiểm và cố vấn tài chính Epylion Industries, siêu vũ trụ là:

- Một không gian ảo liên tục trực tuyến cho phép người chơi tương tác với nhau trong thời gian thực.

- Tại đây, tồn tại các sự kiện diễn ra lập tức cũng như những sự kiện được lên kế hoạch trước, kết nối thực tại với thế giới ảo.

- Siêu vũ trụ sẽ sở hữu một nền kinh tế riêng, cho phép các nhà phát triển nội dung làm tiền từ những sản phẩm họ tạo ra trong thế giới này.

- Mọi dịch vụ, công ty, cá nhân và nền tảng tồn tại trong siêu vũ trụ đều được kết nối với nhau.

Trên lý thuyết, siêu vũ trụ ảo này sẽ là hậu duệ của mạng Internet ta đang biết.

Sony và nhiều ông lớn công nghệ khác đầu tư 1 tỷ USD vào Epic Games để làm một Siêu vũ trụ - bước tiến hóa tiếp theo của Internet - Ảnh 2.

Ảnh: Glenn Harvey/Washington Post

Đã nhiều lần, CEO Tim Sweeney mô tả việc "chuyển nhà" từ mạng Internet sang Metaverse cũng tương tự như cách công nghệ email phát triển theo năm tháng. Những ngày đầu, email thuộc hệ thống nội bộ, đến khi biểu tượng @ xuất hiện và được thêm vào địa chỉ email, ta mới có thể kết nối tới bất cứ địa chỉ email nào có trên Internet. Về cơ bản, mọi người thỏa hiệp, đồng ý liên kết hệ thống riêng với nhau, tạo thành một hệ thống mở kết nối qua lại.

Ông Sweeney cho rằng sự xuất hiện của siêu vũ trụ sẽ xóa nhòa rào cản giữa các hệ thống khép kín, thay vì ta có nhiều nền tảng mạng xã hội và nhiều nền tảng game, ta sẽ chỉ sử dụng một siêu vũ trụ kết nối mọi thứ và sở hữu một nền kinh tế số riêng biệt.

Những ông lớn đang cố kiến tạo siêu vũ trụ

Trong làng game hiện tại, đã đang có những không gian ảo so sánh được với một siêu vũ trụ, tuy nhiên quy mô vẫn chưa tới tầm cỡ "giả tưởng" kia. Những game nhập vai online trong thế giới mở lớn (MMORPG) có thể chứa hàng trăm ngàn người chơi tương tác với nhau trong thời gian thực, sở hữu một hệ thống tiền tệ riêng, tuy nhiên đây vẫn là hệ thống khép kín, ta không thể kết nối với nó từ bất cứ đâu. Bên cạnh đó, không gian ảo này cũng không thể tải một lúc quá nhiều người chơi, vẫn phải chia game thủ vào những server riêng.

Cũng có nhiều hãng phát triển khác cố gắng tạo ra một không gian ảo tương tự siêu vũ trụ, tuy chưa có cái tên nào đạt "tới tầm". Ta thấy Second Life, Minecraft và đặc biệt là Roblox cố gắng tự tạo siêu vũ trụ của mình. Và ngoài ngành game, nhiều ông lớn công nghệ khác cũng đang có ước muốn tương tự.

Sony và nhiều ông lớn công nghệ khác đầu tư 1 tỷ USD vào Epic Games để làm một Siêu vũ trụ - bước tiến hóa tiếp theo của Internet - Ảnh 3.

Chơi game bắn súng trong môi trường VR, sử dụng bộ điều khiển "bằng xương bằng thịt"

Những dấu hiệu rõ nhất là việc Google thống nhất toàn bộ các yếu tố online của mình lại, bao gồm các ứng dụng, công cụ và hệ thống. Facebook thì có dự án Horizon, sử dụng kính thực tế ảo Oculus VR để truy cập không gian ảo. Công nghệ điện toán đám mây đang ngày một thịnh hành, giờ ta đã có thể chơi cả game trên nền tảng đám mây, chắc hẳn những người kiến tạo siêu vũ trụ sẽ cần một server để chứa đựng thế giới của mình, và chắc chắn, họ đã nghĩ tới việc đưa thế giới ảo “lên mây”.

Chưa ai thành công trong việc tạo ra một siêu vũ trụ, những gì các bên đã làm được là dựng một thế giới ảo khép kín. Một siêu vũ trụ phải thỏa mãn điều kiện cho phép người dùng truy cập từ mọi điểm. Với hàng tỷ USD tiền đầu tư, liệu Epic Games có thực hiện được thế giới mới tồn tại trong tiểu thuyết giả tưởng?

Epic định làm gì với một siêu vũ trụ?

Nhìn vào vụ kiện vẫn chưa ngã ngũ giữa Epic và Apple, có thể thấy ông Sweeney không chỉ đi đòi tiền; Tim Sweeney đang cố lôi kéo những công ty công nghệ lớn ủng hộ hướng đi mới, với một hệ thống lớn kết nối vạn vật trong môi trường ảo. Fortnite là một mảnh ghép trong bức tranh lớn mà Sweeney mường tượng ra, khi có thể chơi trên đa nền tảng và cho phép người chơi mang tiến trình chơi và cả đồ nhặt/mua được lên những nền tảng khác.

Nếu thắng kiện, Epic sẽ tiến một bước gần hơn tới khả năng kết nối vạn vật. Nếu thua kiện, Epic sẽ phải tìm tới những cách khác, nhờ tới những đơn vị khác để hiện thực hóa giấc mơ siêu vũ trụ.

Một trong những que diêm châm ngòi quả bom kiện tụng giữa Epic và Apple

Nếu không có sự thành công vang dội của Fortnite (thu được nhiều tiền tới mức những ông lớn công nghệ như Nintendo, Sony, Microsoft, Apple và Google không thể làm ngơ; doanh thu năm 2019 là 1,8 tỷ USD với gần 250 triệu người chơi toàn cầu), Tim Sweeney sẽ không nghĩ tới việc kiến tạo siêu vũ trụ kết nối vạn vật ảo. Mà Epic cũng không chỉ dựa vào mỗi Fortnite để làm tiền, họ còn sở hữu Unreal Engine, một công cụ hỗ trợ được cả những series truyền hình bom tấn yêu cầu nặng về mặt kỹ xảo, như The Mandalorian hay Westworld.

Hiện tại, Epic còn nhận được khoản đầu tư khổng lồ từ những đối tác có tiếng. Họ mới mua nhà phát triển của Rocket League và Fall Guys, hai game có cộng đồng chơi lớn, nhằm phục vụ mục đích tạo siêu vũ trụ. Cũng cách đây không lâu, SuperAwesome, công ty được thành lập với mục đích đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ trên không gian mạng, gia nhập đại gia đình Epic. Ta đã có thể thấy rõ tham vọng của Tim Sweeney.

Sony và nhiều ông lớn công nghệ khác đầu tư 1 tỷ USD vào Epic Games để làm một Siêu vũ trụ - bước tiến hóa tiếp theo của Internet - Ảnh 5.

Nhân vật Fortnite với khí cụ của siêu anh hùng Marvel. Trước đây, Thanos cũng đã từng xuất hiện trong Fortnite, người chơi còn được "trên tay" cả găng vô cực

Sony và nhiều ông lớn công nghệ khác đầu tư 1 tỷ USD vào Epic Games để làm một Siêu vũ trụ - bước tiến hóa tiếp theo của Internet - Ảnh 6.

Trailer của Star Wars trong Fortnite

Thế bao giờ thì siêu vũ trụ ra mắt?

Câu trả lời ngắn gọn là còn lâu. Hiện tại, đa số các cộng đồng online, các không gian mạng cho người dùng tương tác vẫn còn là hệ thống khép kín. Dù Tim Sweeney cho rằng game có thể là quảng trường trung tâm kéo mọi cộng đồng online lại và tạo thành siêu vũ trụ, nhưng rõ ràng chỉ mỗi ngành công nghiệp game tham gia là không đủ. Nếu vụ kiện với Apple mà không thuận buồm xuôi gió cho Epic, dự án siêu vũ trụ sẽ gặp trở ngại lớn. Tuy nhiên, thời gian để phát triển dự án siêu vũ trụ này cũng dài, kiện tụng chỉ là một trong số nhiều vật cản sẽ phải gặp.

Theo lời Sweeney trả lời phỏng vấn VentureBeat, siêu vũ trụ sẽ có trục đường tiến hóa tuyến tính chứ không phải “một yếu tố đột ngột gây ra nhiễu loạn”. Ông cho rằng những rào cản sẽ dần được tháo gỡ, một khi có nhiều các không gian ảo kết nối với nhau hơn.

Ngành công nghiệp game sẽ còn lớn mạnh nữa, ngày một khẳng định vị thế của một gã khổng lồ tài chính; theo Sweeney đây sẽ là yếu tố thu hút những ngành công nghiệp khác. Ví dụ, ngành công nghiệp xe hơi sẽ có thể cho người dùng tiềm năng trải nghiệm sản phẩm trong môi trường siêu vũ trụ, game thủ sẽ chơi Rocket League bằng một mẫu xe điện chưa ra mắt của Tesla. Ngành công nghiệp điện ảnh sẽ tương tác trực tiếp được với khán giả của mình bằng những màn quảng cáo sáng tạo, cho game thủ trải nghiệm cảm giác “được làm nhân vật chính”. Và trong ví dụ thực tế mới nhất, bạn đã có thể điều khiển Kratos cầm vũ khí chiến đấu với John Wick.

Kratos gia nhập thế giới Fortnite

Nhân tiện nhắc tới tên God of War, năm ngoái Sony đầu tư 250 triệu USD cho Epic, và vừa đầu tư thêm 200 triệu USD nữa trong vòng gọi vốn năm nay. Cũng hơi... làm người theo dõi bối rối, bởi Sony vốn thích phát hành độc quyền nội dung trên nền tảng PlayStation mà lại đi ủng hộ kế hoạch thiết lập siêu vũ trụ đưa mọi thứ về một mối.

Nhưng rồi, xét về mặt công nghệ thì Sony sẽ là ông lớn trực tiếp hưởng lợi từ giao kèo này. Không giống với đối thủ Microsoft đã sở hữu cơ sở hạ tầng với điện toán đám mây dịch vụ online được liên kết thành khối, Sony mới chỉ cầm trong tay tấm vé hạng thương gia trên chuyến bay vào siêu vũ trụ Epic. Nhưng một khi con tàu cất cánh, Sony sẽ có một nền tảng quảng bá không chỉ mảng làm game, mà còn vô vàn những sản phẩm cộp mác Sony khác nữa.

Như Tim Sweeney trấn an các nhà đầu tư trong buổi phỏng vấn với VentureBeat:

"Chúng tôi nhận ra rằng mình chẳng cần công nghệ điên rồ nào để thực hiện dự án. Chúng tôi đang có trong tay mọi thứ mình cần. Và yếu tố giới hạn [siêu vũ trụ] trở thành hiện thực không nằm quá ranh giới mà công nghệ vẽ ra đâu. Các nhà phát triển đang dần ngộ ra được yếu tố nào sẽ tạo nên một trải nghiệm cộng đồng tuyệt vời, thứ nào đẩy xa được trải nghiệm xuyên suốt và cả giới hạn của khoa học viễn tưởng".

Theo: Washington Post, VentureBeat, IGN