Không sợ thiếu tiền để tiêu, chỉ sợ không biết cách tiêu tiền và giữ tiền.
Nhiều người nghĩ rằng phụ nữ sống một mình thì tiêu xài hoang phí, không ai quản, không ai cản. Nhưng thực ra, sống một mình mới là lúc năng lực sinh tồn và sự khôn ngoan tài chính của một người bị thử thách nhiều nhất.
Suốt 10 năm qua, tôi không dựa dẫm vào ai, cũng chẳng gặp vận may trúng số đổi đời. Nhưng tôi đã tự mình đi từ chỗ là "tháng nào hết tiền tháng đó" trở thành người có thể tiết kiệm một cách ổn định.
Hôm nay, tôi muốn chia sẻ 5 nguyên tắc quản lý tài chính mà tôi luôn kiên trì theo đuổi. Mỗi nguyên tắc đều là bài học tôi phải trả giá bằng va vấp, thậm chí cả nước mắt mới rút ra được.
01. Không phải chi tiêu nào cũng cần soi từng đồng, nhưng chi phí cố định thì phải kiểm soát chặt chẽ
Khi sống một mình, mọi thứ như tiền thuê nhà, điện nước, bảo hiểm, cước điện thoại… đều là những khoản chi chắc chắn không thể tránh.
Điều đầu tiên tôi làm là lập một danh sách "chi phí cố định" trong sổ tay, và tự đặt cam kết: Tổng chi phí cố định mỗi tháng không vượt quá 50% thu nhập.
Tiền thuê nhà luôn khống chế trong mức 1/3 lương tháng, gói cước điện thoại thì dùng loại cơ bản nhất, bảo hiểm chỉ mua những gì thật sự cần thiết, không chạy theo các gói hào nhoáng nhưng vô dụng.
Cuộc sống không phải là không được tiêu tiền, mà là tiêu tiền có kế hoạch, có kiểm soát, để không rơi vào khủng hoảng hay cái hố không đáy của nỗi lo tài chính.
Ảnh minh hoạ
02. Ăn mặc vừa phải, mỗi năm chỉ cho phép bản thân mua một món đắt tiền
Tôi từng là người tiêu dùng "cuồng nhiệt", lướt mạng thấy món gì hot là muốn mua, thấy món nào sắp cháy hàng là lập tức đặt đơn.
Nhưng khi hoá đơn chất đống, cảm giác còn lại chỉ là hai chữ: hối hận .
Về sau, tôi tự đặt quy tắc cho mình: mỗi năm chỉ cho phép bản thân mua một món đồ đắt tiền - phải là món thật sự cần và sử dụng lâu dài.
Năm ngoái, tôi mua một chiếc ghế làm việc tốt; năm trước đó là đổi tủ lạnh cho căn nhà.
Quần áo thì mua ít, ưu tiên kiểu dáng cơ bản, dễ phối. Mỹ phẩm dùng hết một lọ mới được mua lọ tiếp theo.
Bước đầu tiên của quản lý tài chính, chính là học cách khống chế hai chữ: bốc đồng .
03. Nguyên tắc "dòng tiền mặt": Luôn phải để dành sẵn tiền sinh hoạt cho 3 tháng
Sống một mình, điều đáng sợ nhất không phải là cô đơn, mà là bất ngờ: mất việc, ốm đau, chuyện gia đình đột xuất...
Trong những thời điểm ấy, thứ giúp bạn giữ vững được tinh thần, chính là một khoản tiền dự phòng đủ lớn .
Tôi tự đặt ra nguyên tắc không thể phá vỡ: luôn để lại trong tài khoản ngân hàng một khoản đủ dùng cho 3 tháng sinh hoạt. Không tiêu, cũng không dao động.
Số tiền ấy như một tấm đệm tâm lý – dù công việc có tạm thời khó khăn, tôi vẫn có thể bình tĩnh xoay xở.
04. Kiểm soát chi tiêu cho việc xã giao: không phải bữa tiệc nào cũng phải tham gia
Sống một mình không có nghĩa là không có bạn bè, đồng nghiệp – xã giao là chuyện khó tránh.
Nhưng tôi dần học được cách phân biệt: đâu là mối quan hệ thật sự, đâu chỉ là những cuộc gặp xã giao để "duy trì hình thức".
Trước đây, tôi hay ngại bị chê keo kiệt, nên thường cố gắng góp tiền dù không thật sự muốn. Bây giờ, tôi chọn lọc rõ ràng: chỉ đầu tư thời gian và tiền bạc vào những mối quan hệ mang lại năng lượng tích cực cho mình.
Tình bạn không mua bằng tiền. Người bạn thực sự sẽ không đặt nặng chuyện bạn có đãi họ hay không, mà quan tâm bạn có đáng để kết thân hay không.
Ảnh minh hoạ
05. Đừng mơ làm giàu nhanh, tích luỹ đều đặn mới là chỗ dựa vững chắc nhất
Suốt 10 năm qua, tôi chưa từng có khoản thu nhập nào đột biến.
Tất cả đều đến từ việc tiết kiệm từng chút mỗi tháng, không tiêu hoang tiền thưởng cuối năm, làm thêm nhỏ lẻ để tăng thu nhập phụ.
Tôi từng thử đầu tư tài chính, nhưng luôn ưu tiên chiến lược "an toàn có tiến":
- 50% gửi tiết kiệm dài hạn để giữ gốc.
- 30% đầu tư định kỳ vào quỹ.
- 20% để dành linh hoạt, dùng cho những nhu cầu cải thiện đời sống hoặc chi tiêu ngắn hạn.
Ba nguyên tắc tài chính mà tôi luôn giữ là: không tham, không vội, không đầu cơ.
Kết lời: Sống một mình, cũng phải cho mình một tương lai có thể dựa vào
10 năm qua, cuộc sống của tôi không có gì kịch tính hay ngoạn mục.
Nhưng tôi đã cố gắng tiêu tiền vào đúng chỗ, để lại một phần cho tương lai.
Cảm giác an toàn khi sống một mình không đến từ việc bạn có bao nhiêu căn nhà, tủ đồ có bao nhiêu váy áo.
Mà là ở chỗ bạn biết rõ: Mình đang kiểm soát tài chính của chính mình. Mình không sợ bão giông. Mình đủ khả năng nuôi sống bản thân.
Tiền không phải là tất cả nhưng tiền cho bạn quyền được chọn lựa:
Chọn sống một mình, chọn từ chối những điều không xứng đáng, chọn một cuộc đời đàng hoàng và bình yên.
Mong rằng chúng ta đều có thể trở thành người như thế:
Không dựa dẫm ai, không sợ ai, sống không hào nhoáng nhưng vững vàng và ấm áp.