"Sống chung với mẹ chồng": Làm dâu, đâu mỗi vợ thương chồng là đủ!

Bảo Anh - Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 10:25 05/06/2017
Chia sẻ

Sự tan vỡ trong cuộc sống vợ chồng của Vân - Thanh trong "Sống chung với mẹ chồng" đang là mối quan tâm của nhiều khán giả. Đa phần ai cũng cảm thấy xót thương cho Vân. Nhưng thực sự mọi đổ vỡ của hôm nay đều có phần lỗi của Vân góp vào.

"Dâu con, rể khách" là một suy nghĩ đã được "ghim vào đầu" của rất nhiều thế hệ. Bởi khi đi lấy chồng, người con gái sẽ rời xa gia đình, đến một nơi mới sống chung với những người mới, gọi những người không sinh ra mình là ba, là mẹ. Khi ấy, tình yêu thương chỉ dành cho chồng chắc chắn là quá ít. Không chỉ chồng, mà con dâu phải tập yêu luôn cả mẹ chồng, bố chồng thì viễn cảnh gia đình hạnh phúc mới thực sự thành hình.

Khi một vài tập phim gần đây của Sống chung với mẹ chồng lên sóng, người ta cứ lên án mẹ con bà Phương hết mức. Người ta trách anh Thanh không thương vợ, mắng anh Thanh thay dạ đổi lòng và đay nghiến anh Thanh vì thói vũ phu.

Nhưng, các bạn nam, các bạn nghĩ xem nếu bây giờ một người con gái cãi lại mẹ bạn với những câu từ và thái độ hỗn xược như thế, bao nhiêu bạn sẽ ngồi im chỉ nghe thôi? Thật khó mà tin nếu các bạn có thể yêu vợ đến mức để cô ấy tự tung tự tác ở nơi mà phép tắc được các đấng sinh thành của bạn đặt ra bao nhiêu năm qua.

Sống chung với mẹ chồng: Làm dâu, đâu mỗi vợ thương chồng là đủ! - Ảnh 1.

Thiết nghĩ hãy đừng bao giờ nghe câu chuyện từ một phía. Trong mối quan hệ mẹ chồng-nàng dâu, mặc dù không có tên các bạn, nhưng các bạn - những người chồng - chính là yếu tố quan trọng nhất. Dung hòa là bạn, bất bình là bạn, cãi nhau là bạn và hàn gắn cũng là bạn. Mang theo một trọng trách cao cả như vậy, làm ơn, đừng nhu nhược.

Sống chung với mẹ chồng: Làm dâu, đâu mỗi vợ thương chồng là đủ! - Ảnh 2.

Về phần bà Phương - một mẫu người phụ nữ điển hình của gia đình truyền thống Việt Nam, cả đời chỉ luôn quen với cái nhìn "từ nhà ra bếp", việc bà lạc hậu hơn xã hội đã là chuyện dễ hiểu, nay người con dâu muốn bà theo kịp được vợ chồng cô ấy, ắt là điều không thể. Tuy bà chỉ quanh quẩn với những công việc không tên trong gia đình, nhưng bà không phải người kém đối nhân xử thế. Thói quen bao nhiêu năm của gia đình bà không thể một chốc một nhát mà thay đổi.

Việc bà vào phòng và dọn dẹp đồ đạc, cũng như tự ý lấy đồ đem đi giặt và làm phai chiếc váy của Vân không đáng trách. Ở đây, bà Phương chỉ vì thương con đi làm vất vả nên mới tìm cách đỡ đần, giống như những bà mẹ chúng ta vẫn làm mỗi ngày. Nếu như Vân tinh ý hơn, có thể chia sẻ trước với bà Phương những điều cô cần, bà hẳn không phải người quá quắt đến độ cố tình làm khác.

Sống chung với mẹ chồng: Làm dâu, đâu mỗi vợ thương chồng là đủ! - Ảnh 3.

Rồi cả việc khi mượn tiền thì bà rất ngọt ngào, đến lúc trả lại thì lại dúi chiếc túi đựng tiền vào Vân cho nó rơi xuống đất. Không phải ngẫu nhiên bà Phương lại có hành động đó. Bà vốn quen với việc mọi thành viên trong gia đình nghe theo lời của mình, nay người con dâu không những cãi lại, mà còn nói hỗn, việc bà trút cơn tức lên mớ tiền ấy là lẽ dĩ nhiên.

Nhưng chỉ tiếc là, trong giây phút ấy, Thanh - nút thắt của câu chuyện - lại hành động vô cùng thiếu suy nghĩ. Khiến cho nút thắt kia càng thêm rối, thêm chặt. Trong khi thật ra, bà Phương không hề muốn hai con cãi vã, điều này thể hiện rõ nhất qua việc bà ôm lấy Thanh để cản không cho anh ta đánh Vân, thậm chí hốt hoảng: "Lỗi tại mẹ con ơi".

Bà chưa một lần bênh Vân, cũng chưa bao giờ nhận sai cho đến giờ. Đạo diễn đã xây dựng bà Phương với hình ảnh độc đoán và đa nghi. Vậy mà, sự độc đoán ấy đã hoàn toàn sụp đổ trước cảnh con dâu bị đánh. Bởi vì xét cho đến cùng, bà cũng là một người mẹ, là một phụ nữ, cũng từng làm dâu.

Sống chung với mẹ chồng: Làm dâu, đâu mỗi vợ thương chồng là đủ! - Ảnh 4.

Trong câu chuyện này, người đáng trách nhất là Minh Vân và đáng thương nhất có lẽ cũng chính là cô. Giá như Vân bỏ được cái định kiến "khác máu tanh lòng" thì có lẽ cô đã trở thành một cô con dâu có cuộc sống dễ dàng hơn với gia đình chồng. Nếu cô ý thức được mình đã có gia đình, và gia đình của cô không chỉ có chồng, mà còn có ba mẹ chồng, thì chắc Vân sẽ không phải là một người con dâu đáng ghét trong mắt bà Phương.

Giá như Vân bớt lại một phần nóng tính, thì mọi chuyện sẽ được bẻ đi theo một hướng khác. Những lời nói mà Vân bộc phát lúc đó, không phải tự bật ra, mà đó là kết quả của sự dồn nén từ những ngày đầu tiên đeo mác cô dâu.

Sống chung với mẹ chồng: Làm dâu, đâu mỗi vợ thương chồng là đủ! - Ảnh 5.

Tôi nhớ như in mình đã rùng mình như thế nào khi nhìn thấy đôi mắt căm hận mà Vân dành cho Thanh và cái tát điếng người trước đó. Chỉ một ánh mắt thôi, tất cả những hờn tủi, yêu ghét, thất vọng về người đàn ông cùng sự tuyệt vọng về tình vợ chồng đều hiện rõ. Ánh mắt ấy ám ảnh đến nỗi, những nóng nảy trong Thanh giãn ra, thay vào đó là sự chột dạ.

Nhưng chuyện xảy ra thì cũng đã xảy ra, chẳng ai có thể thu lại những vết dao đã cứa vào lòng. Có hay chăng, người ta chỉ được phép khép mình lại để vết thương lành miệng theo thời gian.

Tất nhiên, là một người ngoài cuộc để bình phẩm thì dễ thế thôi, bởi vì tất cả chúng ta chẳng trải qua cuộc sống đấy. Nhưng phim ảnh sẽ khiến chúng ta ta được sống thêm một lần, ở những kiếp đời khác. Để chúng ta thấy nhân vật đúng/sai ở đâu mà biết phòng bị trong đời thực. Yêu thương, bảo bọc không chỉ là trách nhiệm của chồng. Càng không phải là thứ mà người vợ chỉ dành cho chồng mình nếu phải sống cùng gia đình mới. Cô dâu nào tâm niệm được điều này, hẳn đã không đau khổ như Vân.

Sống chung với mẹ chồng vẫn đang thu hút rất nhiều những luồng ý kiến trái chiều, và tốn khá nhiều nơ-ron của người xem. Tập phim tiếp theo không biết đạo diễn Vũ Trường Khoa sẽ gỡ nút thắt tình huống như nào để thấu tình đạt lý đây? Đón xem lúc 20h45 trên VTV1.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày