Sông băng tại Gletsch, Thụy Sĩ ngày 3/8/2018. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo nghiên cứu hằng năm về tình trạng các dòng sông băng được Uỷ ban Băng quyển thuộc Viện Hàn lâm khoa học Thụy Sĩ công bố ngày 15/10, kết quả đo lường đối với 20 dòng sông băng cho thấy tỷ lệ băng tan trong năm nay đã đạt "mức cao kỷ lục". Nghiên cứu cho thấy các đợt nóng khắc nghiệt trong mùa Hè vừa qua ở Thụy Sĩ đã làm tiêu tan hy vọng về một mùa Đông nhiều tuyết bất thường, góp phần hạn chế hiện tượng băng tan năm nay.
Theo nghiên cứu, trong tháng 4 và tháng 5, lượt tuyết bao phủ trên các dòng sông băng cao hơn 20% - 40% so với thông thường, với một số khu vực ghi nhận những lớp băng dày khoảng 6m ở thời điểm cuối tháng 6.
Tuy nhiên, qua 2 tuần thời tiết nóng nực vào cuối tháng 6 và cuối tháng 7, lượng tuyết và băng tan chảy trên các dòng sông băng ở Thụy Sĩ tương đương với tổng lượng nước uống tiêu thụ hằng năm của quốc gia Bắc Âu này.
Hệ quả là lớp băng tuyết dày nhanh chóng biến mất và hiện tượng băng tan nhanh tiếp tục diễn ra cho tới đầu tháng 9. Điều này đồng nghĩa trong 12 tháng qua, khoảng 2% khối lượng sông băng của Thụy Sĩ đã "bốc hơi" với tỷ lệ hao hụt trong 5 năm qua "vượt quá 10%". Đây là một tỷ lệ sụt giảm chưa từng thấy trong hơn một thế kỷ qua.
Nghiên cứu này được công bố chưa đầy một tháng sau khi hàng trăm người đã tổ chức lễ tưởng niệm cho sông băng Pizol sắp biến mất vì sự nóng lên trên toàn cầu. Đây là một trong hơn 500 dòng sông băng đang dần biến mất trên dãy núi Alps kể từ khi bước sang thế kỷ 20. Dòng sông băng Pizol này đã bị mất khoảng 80 - 90% lượng băng kể từ năm 2006.
Một nghiên cứu gần đây của các nhà nghiên cứu sông băng thuộc Học viện Công nghệ ETH Thụy Sĩ cho thấy hơn 90% trong khoảng 4.000 sông băng trên dãy Alps có thể biến mất vào cuối thế kỷ này nếu như không hạn chế được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.