Những hình ảnh người dân miền Trung oằn mình chống lại bão lũ, từ đó lòng tốt được khơi dậy là một nghĩa cử rất đẹp của người Việt Nam. Một trong những người để lại nhiều dấu ấn nhất trong các hoạt động từ thiện mùa lũ chắc chắn là Thủy Tiên. Nhưng cô cũng là người đang để lại nhiều tranh cãi nhất về cách làm từ thiện.
Sự nhiệt tình và lòng tốt của Thủy Tiên là không thể bàn cãi. Nhưng cách làm của Thủy Tiên là thứ khiến nhiều người phải đặt câu hỏi cũng như tranh luận. Từ thiện thế nào là đúng? Từ thiện thế nào là từ thiện mang tính xây dựng? Đó là câu hỏi nhiều người đặt ra sau khi nhìn cách Thủy Tiên sử dụng số tiền ủng hộ lên tới hơn 150 tỷ.
(Ảnh: FB Thủy Tiên)
Rất nhiều chuyên gia, nhiều nhà hảo tâm, hoạt động xã hội đã lên tiếng và tạo ra một cuộc tranh luận mở về vấn đề này. Một trong số đó là anh Phạm Trường Sơn, một người có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực công tác xã hội và phát triển cộng đồng. Hiện tại anh Sơn đang là Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN (gọi tắt là Trung tâm LIN) - chuyên hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận, tình nguyện viên và nhà tài trợ để thúc đẩy sự phát triển bền vững tại Việt Nam. Những chương trình trọng điểm của LIN bao gồm Quỹ cộng đồng Rút Ngắn Khoảng Cách (tài trợ nhiều dự án và chương trình thiện nguyện từ năm 2009 đến nay) và các hoạt động thúc đẩy hợp tác đa phương giúp kết nối nguồn lực tại địa phương vì mục tiêu thiện nguyện và phát triển cộng đồng.
Với kinh nghiệm công tác xã hội và quản lý các mối quan hệ đối tác với hơn 200 nhóm tổ chức phi lợi nhuận vì cộng đồng tại khu vực phía Nam, anh Sơn đã có chia sẻ cá nhân như sau:
"Số tiền 150 tỷ trong vỏn vẹn tuần lễ có được từ cô Tiên đúng là giấc mơ về gây quỹ của các tổ chức xã hội, thông thường thì các tổ chức truyền thống có giấy phép với những dự án dài hơi mới viết một đề cương dự án gởi các nhà tài trợ quốc tế mới gây quỹ số tiền lớn như 500k hay 1 triệu đô la xài trong 3 năm.
Tuy nhiên, việc chuyển dịch từ gây quỹ quốc tế sang trong nước là một quá trình đang diễn ra trong tất cả các tổ chức, thì đây lại là một minh chứng tích cực cho thấy nguồn lực trong nước còn đó. Sự tham gia ủng hộ của người dân là có thật để người làm công tác hoạt động xã hội cố gắng hơn nữa. Thực lòng mà nói thì đó chỉ là một phần của tổ chức xã hội có giấy phép và hoạt động theo quy định chính phủ, Sài Gòn này mình biết hàng trăm tổ chức khác đang làm thiện nguyện cũng gây quỹ hiệu quả vô cùng, nói chung là họ đã có một cộng đồng tin tưởng họ, vì vậy họ vẫn âm thầm làm thiện nguyện nhưng ít ai biết đến.
...
Cuối cùng, xin thưa là nhiều người hỏi thế người làm công tác xã hội làm gì giúp người dân ở đó, mà ngồi đây viết Facebook? Mình nghĩ đơn giản vầy, dân làm công tác xã hội chuyên môn hiện nay không làm gì ở vùng đó được bằng cô Tiên đâu vì cách làm họ khác. Họ cũng đang tất bật ngày đêm làm ở cộng đồng của họ rồi. Vì vậy họ ủng hộ, đóng góp cho các tổ chức làm trong ấy thôi. Theo quan sát cho thấy: Dân thiện nguyện đang bắt đầu công việc tái thiết sau lũ, đây là cách làm riêng của họ vì đúng với năng lực họ được đào tạo. Âu cũng là thế mạnh của họ và cũng là bài học kinh nghiệm họ rút ra sau nhiều năm có lũ. Túm lại là ai làm việc mình cảm thấy tốt nhất là an tâm được rồi."
(Trích Facebook cá nhân anh Sơn Phạm)
Để có một cái nhìn toàn cảnh, đa chiều hơn từ chính những người làm từ thiện và công tác xã hội, chúng tôi đã có một cuộc trao đổi ngắn với anh Sơn Phạm về câu chuyện Thủy Tiên lần này.
Anh Sơn Phạm - Phó Giám đốc Trung tâm LIN (Ảnh: FBNV)
Xin chào anh Sơn, anh có thể chia sẻ một chút suy nghĩ của mình về cách làm từ thiện đang gây nhiều tranh luận của Thủy Tiên?
Trước hết tôi đề cao tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của Thủy Tiên đã hết mình giúp đỡ người dân miền Trung. Không chỉ dừng ở việc kêu gọi suông, Thủy Tiên còn chịu lăn xả vào vùng bị ảnh hưởng để tận tay tiếp tế trao quà, điều này cũng cho thấy tinh thần dấn thân của Tiên.
Tuy nhiên, hiện nay, theo những quan sát của tôi thì cách làm từ thiện của Thủy Tiên không mới và giống với cách làm của khối đoàn thể và Mặt trận Tổ quốc cũng như nhiều nhóm từ thiện khác. Cách làm này dựa vào danh sách và sự sắp xếp của chính quyền địa phương nên hoàn toàn yên tâm trong việc phát tiền từ thiện. Đây là cách phối hợp hiệu quả nhất trong trường hợp của Thủy Tiên. Tôi đánh giá là một cách làm theo kiểu truyền thống mấy chục năm nay đã làm như thế này rồi.
Cách từ thiện của Thủy Tiên có vẻ như mang lại hiệu quả ở tính thời điểm và tức thời, nhưng anh có đánh giá gì về cách làm này ở mặt đường dài, về tương lai?
Tôi nghĩ với năng lực của Thủy Tiên thì đây là cách làm tốt nhất để giải ngân nhanh nhất số tiền mà cô gây quỹ được, tạm thời bỏ qua những phát biểu của cô trước đó như làm một mình, xây cầu và đường cho người dân, cách làm hiện nay của Thủy Tiên đúng là cách làm mang tính thời điểm.
Tuy nhiên, ở đường dài thì góc nhìn của nhà thực hành xã hội sẽ khá phức tạp, vì cách phát tiền và lên hình người nghèo, cảnh nghèo ở bình diện rộng như thế thì lâu dài thể hiện đó là một cộng đồng thiếu sức sống, không thể hồi phục và chờ đợi sự trợ giúp chứ không thể hiện được năng lực, nguồn lực và con người tích cực vượt qua hoàn cảnh của cộng đồng. Hơn nữa, khi đã đầu tư nhiều vào cách phát tiền thì ngân sách đầu tư cho cầu, đường sẽ không còn nữa vì vậy các vấn đề cốt lõi của cộng đồng như hạ tầng cơ sở, hồi phục sau lũ và xây dựng lại cộng đồng sẽ là một câu hỏi rất lớn.
Bởi vậy, nếu được, Thủy Tiên cần cân bằng nguồn ngân sách giữa hiện tại và đầu tư vào những dự án dài lâu cùng nguồn lực khác của địa phương để hồi phục sau lũ.
Cách phát tiền hiện tại của Thủy Tiên đang gây nhiều tranh cãi. Ví dụ như việc phát tiền cho các hộ gia đình không đồng đều, có nhà 10 triệu, có nhà 200 triệu. Theo anh, đó có phải là một cách từ thiện đúng với những vùng cần từ thiện trên diện rộng?
Câu hỏi này rất khó bởi bạn cần phải là người dân ở đó mới có thể trả lời chính xác nhất. Tôi nghĩ, dễ làm nhất lúc này và có thể phát cho một lúc nhiều người như vậy thì Thủy Tiên nên phát một số tiền cố định cho mọi người tại một cộng đồng. Không nên ngẫu hứng phát người nhiều, người ít vì chúng ta không đủ thời gian để đánh giá ai nghèo hơn ai, và cũng để tránh việc bà con có sự nghi kị lẫn nhau.
Theo anh, từ thiện như thế nào là hiệu quả và có tính bền vững với những người được nhận sự giúp đỡ?
Theo tôi, đơn giản là khi người thực hiện công việc từ thiện, người ta có thể suy nghĩ nhiều lựa chọn phù hợp cho người nhận, ví dụ quán cơm 2.000, 5.000, siêu thị 0 đồng tại Sài Gòn… tất cả mô hình này đều có thể tổ chức được ở mọi miền đất nước mà không cần người có chuyên môn. Để hiệu quả hơn nữa thì người làm từ thiện chỉ cần thực hiện một công việc nhỏ là hỏi han nhiều người xem họ cần gì và mình cung cấp đúng cái họ cần. Tuy nhiên để bền vững thì từ thiện không giải quyết được vì đây là công việc của những người được đào tạo chuyên môn và có cam kết thúc đẩy sự phát triển ở một cộng đồng nhất định.
Từ góc nhìn của một người làm hoạt động xã hội có kinh nghiệm, nếu có thể dành cho Thủy Tiên một lời khuyên, anh sẽ nói điều gì?
Với hoàn cảnh cứu trợ khẩn cấp và năng lực của Thủy Tiên, tôi nghĩ cô ấy cứ tiếp tục phát tiền như thế là được rồi và các đoàn từ thiện khác sẽ thực hiện việc phát quà. Thông tin rõ ràng trước lịch trình đi vùng nào lên Facebook và số lượng bao nhiêu để các đoàn từ thiện khác có thể bao phủ phần còn lại.
Về phần phát trực tiếp thì cần thêm người hỗ trợ Thủy Tiên để phát nhằm tránh trường hợp bắt người dân phải chờ đợi lâu, quan sát cho thấy người nhận phần lớn là phụ nữ và người già vì vậy để họ chờ đợi lâu không phải là một giải pháp tốt.
Cuối cùng, với năng lực không thể đối chiếu hoàn cảnh cụ thể khi cấp phát hàng loạt, mình nghĩ Thủy Tiên nên tin tưởng vào địa phương để phát toàn bộ, đừng đánh giá chủ quan người giàu và nghèo dựa trên bề ngoài của họ. Đây là trường hợp đặc biệt sau lũ nên cả người giàu và nghèo đang đều bị ảnh hưởng cả thôi, nếu tốt hơn thì đội ngũ của Thủy Tiên phải làm việc tốt với địa phương trong việc ra danh sách nhằm hạn chế tối đa những tiêu cực đã xảy ra gây mất lòng tin của người dân trong lũ.
Cảm ơn anh về những chia sẻ này.