“Soái ca” du học sinh Việt tại Úc đạt IELTS 9.0: “Tôi không phải là người kỉ luật cho lắm, nhiều thói quen cố gắng mãi nhưng không làm được”

Bài: Ninh Linh - Thiết kế: Hương Xuân, Theo Trí Thức Trẻ 12:39 01/11/2018
Chia sẻ

Nguyễn Việt Hùng, du học sinh tại Đại học New South Wales, đã nghiên cứu phát hiện ra 8 loài vi khuẩn hoàn toàn mới và là người Việt Nam duy nhất vinh dự được mời phát biểu tại Hội nghị khoa học vi sinh hàng đầu thế giới ISME17 tổ chức tại Đức.

“Soái ca” du học sinh Việt tại Úc đạt IELTS 9.0: “Tôi không phải là người kỉ luật cho lắm, nhiều thói quen cố gắng mãi nhưng không làm được” - Ảnh 1.

Từ chối học bổng của ba trường đại học danh tiếng ở Úc để theo đuổi đúng lĩnh vực đam mê, anh có hài lòng với cuộc sống hiện tại không?

Tôi nghĩ rằng mỗi người có quy chuẩn, khái niệm riêng về “cuộc sống mơ ước”. Bản thân tôi khá may mắn vì từ nhỏ đến lớn “thống nhất” với một niềm đam mê duy nhất, đó là nghiên cứu khoa học. Lí do tôi từ chối học bổng của ba trường Macquarie University, University of Sydney, và University of Melbourne để theo học Đại học New South Wales vì tôi chưa thỏa mãn với tính thực tiễn của các dự án nghiên cứu. Tôi biết đích xác mình muốn gì và cần làm gì để hiện thực hóa niềm đam mê đó.

Công việc nghiên cứu không hề đơn giản, bên cạnh yếu tố may mắn, để đạt được những thành quả như hiện tại, tôi đã bỏ không ít công sức. Thực tế, nghiên cứu khoa học không phải là một công việc mang lại nhiều tiền. Có đôi khi, tôi thoáng một chút nuối tiếc vì bản thân hoàn toàn có thể lựa chọn một con đường khác, mang lại thu nhập tốt hơn. Đó là những cảm xúc rất đời, rất dễ thường gặp của con người chúng ta. Nhưng, xét đến cùng, tôi rất hài lòng với cuộc sống của mình, hài lòng tới 99% đấy. Bởi đó là con đường tràn đầy hứng khởi, đam mê và có khả năng giúp ích cho xã hội.

“Soái ca” du học sinh Việt tại Úc đạt IELTS 9.0: “Tôi không phải là người kỉ luật cho lắm, nhiều thói quen cố gắng mãi nhưng không làm được” - Ảnh 2.

Đánh thức và theo đuổi đam mê - đó là một may mắn lớn nhưng không phải ai cũng dễ dàng tìm thấy. Nhiều người vẫn loay hoay, chật vật với giấc mơ của mình. Anh có lời khuyên nào cho họ?

Khi định vị được đam mê, mỗi người sẽ tiệm cận giấc mơ của mình bằng những hành động khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện cần và đủ bạn đang sở hữu. Có người rất dễ dàng, thuận lợi, nhưng có người lại vấp phải không ít khó khăn. Trước ngã rẽ quan trọng của cuộc đời, vì hoa mắt trước vô số lựa chọn nên có thể có người chọn sai. Tôi muốn khuyên các bạn, hãy suy nghĩ kĩ trước khi đưa ra quyết định. Nếu quyết định đúng, bạn sẽ không mất nhiều thời gian để sửa lỗi.

Là một nhà khoa học, có khi nào anh sợ không được xã hội công nhận những công trình của mình không?

Bất cứ nhà nghiên cứu hay nhà khoa học nào cũng luôn thường trực một nỗi lo là liệu công trình của mình có được xã hội công nhận hay không. Cá nhân tôi cho rằng, xã hội không công nhận không phải là do lỗi của xã hội mà là do cách các nhà nghiên cứu họ giới thiệu khiến xã hội không hiểu được lợi ích của nó, có thể do thông tin hay ngôn từ sử dụng quá chuyên biệt. Các nhà nghiên cứu cần học cách truyền đạt để mọi người dễ hiểu hơn. Ở bên Úc có những khóa học dành cho các nhà nghiên cứu giao tiếp, truyền đạt tốt hơn đối với những người không phải nhà khoa học.

“Soái ca” du học sinh Việt tại Úc đạt IELTS 9.0: “Tôi không phải là người kỉ luật cho lắm, nhiều thói quen cố gắng mãi nhưng không làm được” - Ảnh 3.

Được biết là gia đình anh rất ủng hộ quyết định theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu vi sinh vật của anh - lĩnh vực mà ít người trẻ lựa chọn, bởi có lẽ họ cho rằng nó quá mông lung… Tôi nghĩ rằng, anh là một người may mắn đấy!

Đúng vậy! Từ nhỏ đến lớn, tôi là một đứa trẻ hơi bướng, chỉ làm những điều rất muốn làm; có những môn học không thích, tôi sẽ không dành nhiều thời gian để học còn những môn nào gây cho tôi sự hứng thú thì tôi chỉ tập trung vào đó để khám phá và nghiên cứu. Gia đình đã luôn ủng hộ lựa chọn của tôi, đặc biệt là mẹ - một người luôn luôn thúc đẩy, cổ vũ tôi tới công việc nghiên cứu vi sinh vật này. Tôi cho rằng, sự giáo dục của gia đình sẽ chiếm tới 60% trong quá trình phát triển một con người và may mắn, tôi đã nhận được trọn vẹn sự hậu thuẫn 60% ấy từ gia đình của mình.

Rõ ràng, không phải bạn trẻ nào cũng may mắn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của gia đình như vậy. Thậm chí, họ còn bị gia đình phản đối, ngăn cản và cho rằng những thứ gọi là đam mê kia rất phù phiếm, viển vông?

Sự phản đối của cha mẹ chính là một dấu mốc giúp bạn chứng thực những gì bạn đang làm có thật sự là đam mê không! Nếu thật sự là đam mê, tôi nghĩ vượt qua sự phản đối ấy sẽ không quá khó khăn. Cần phải thấy rằng, sự phản đối của cha mẹ bắt nguồn từ sự lo lắng của họ dành cho bạn, cho nên đừng vội oán trách họ. Cha mẹ nào cũng mong muốn con cái có một cuộc sống hạnh phúc với công việc ổn định, thu nhập cao. Thực tế cho thấy, ở nhiều đất nước, nếu không kiếm được tiền thì sẽ không làm được gì, kể cả bạn cố gắng, nỗ lực đến mấy. Không có tiền, liệu đam mê ấy có được nuôi dưỡng và phát triển?

“Soái ca” du học sinh Việt tại Úc đạt IELTS 9.0: “Tôi không phải là người kỉ luật cho lắm, nhiều thói quen cố gắng mãi nhưng không làm được” - Ảnh 4.

Tôi mong các bạn trẻ khi vấp phải sự phản đối của gia đình, trước tiên hãy giữ cho mình một thái độ bình tĩnh, cẩn trọng suy nghĩ, sau đó trình bày và giải thích với bố mẹ về niềm đam mê của bạn. Đó không phải là những lời nói tô vẽ viển vông, mà hãy thuyết phục họ bằng lý lẽ và kế hoạch cụ thể với đường đi nước bước, cách bạn tổ chức, thực hiện niềm đam mê đó. Hãy làm cho họ yên tâm trước, sau đó mới mong họ chấp thuận và ủng hộ.

Trong trường hợp cha mẹ quá lo lắng, vẫn nhất quyết phản đối sở thích của bạn, không sao cả, hãy cứ nhún nhường một bước, lắng nghe những lời khuyên, những kinh nghiệm của họ - đó cũng chính là quãng thời gian bạn trau dồi, rèn luyện bản thân cứng cáp, vững vàng hơn, đợi “đủ lông đủ cánh” thực hiện những điều bản thân thật sự mong muốn.

“Soái ca” du học sinh Việt tại Úc đạt IELTS 9.0: “Tôi không phải là người kỉ luật cho lắm, nhiều thói quen cố gắng mãi nhưng không làm được” - Ảnh 5.

Theo như anh nói là bố mẹ luôn lo lắng con cái làm những công việc không ổn định, không kiếm ra tiền nuôi sống bản thân. Liệu, tiền có phải mục tiêu sống lớn nhất không?

Tôi có đặt tiền là mục tiêu sống nhưng đó không phải là mục tiêu lớn nhất trong đời. Đặt mơ ước của mình ở vị trí cao nhất nhưng tuyệt đối không được phép quên một điều: Tiền cực kỳ quan trọng. Rõ ràng, thực tế cuộc sống là không có tiền không thể sống được và kể cả có sống được thì cũng khó lòng theo đuổi đam mê đến cùng. Vì thế phải suy nghĩ làm sao vừa kiếm được tiền vừa có thể theo đuổi ước mơ. Nếu đi tới một giai đoạn không thể theo đuổi mơ ước thì phải hi sinh điều đó một thời gian để tạo lập kinh tế vững vàng trước đã. Sau khi lấy bằng cử nhân, tôi biết rằng học nghiên cứu không thể kiếm được nhiều tiền nên tôi đành cắt bớt thời gian dành cho đam mê để đi kiếm tiền, còn hơn là bỏ hoàn toàn ước mơ ở lại. Khi học tiến sĩ, tôi có đi dạy thêm ở trường, dạy Ielts để trang trải cho việc nghiên cứu. Có tiền mới nuôi dưỡng được ước mơ.

“Soái ca” du học sinh Việt tại Úc đạt IELTS 9.0: “Tôi không phải là người kỉ luật cho lắm, nhiều thói quen cố gắng mãi nhưng không làm được” - Ảnh 6.

Bên cạnh công việc nghiên cứu khoa học, hẳn nhiên anh còn các mối bận tâm khác, như thời gian dành cho bạn bè, gia đình và tổ chức cuộc sống cá nhân của mình nữa. Làm thế nào để sắp xếp chu toàn mọi việc, có cần đưa bản thân vào một khung kỉ luật nào đó không?

Tôi không phải là người kỉ luật cho lắm, có một số thói quen đã cố gắng nhưng tôi không làm được. Tôi thường lên kế hoạch và sắp xếp thời gian trong một tuần. Tôi không bao giờ lên kế hoạch chi tiết, đặt ngày giờ cho công việc của mình vì lên kế hoạch cụ thể chắc chắn 100% không thể thực hiện được. Do đó, tôi lên kế hoạch chung chung.

Ví dụ, tôi mong muốn được học tiến sĩ nhưng cũng không cụ thể là mình sẽ theo lĩnh vực nào, trước đó tôi còn vạch ra là mình theo ngành hải dương học. Khi tôi nghiên cứu về vi sinh vật, việc tham gia hai hội thảo lớn ở Đức và Trung Quốc không hề nằm trong dự định mà thành công hơn mong đợi. Tôi vẫn giữ thói quen từ khi học cử nhân là cố gắng làm được hết mọi việc đặt ra trong 1 tuần. Ở tầm tuổi tôi, có rất nhiều thứ cần phải quan tâm đến, nếu không có kỉ luật thì sẽ lãng phí rất nhiều điều. Tôi dành 50-60 tiếng/tuần cho việc nghiên cứu, và vì là Chủ tịch Hội du học sinh Việt tại Úc nên tôi dành khoảng 10-12 tiếng/tuần.

“Soái ca” du học sinh Việt tại Úc đạt IELTS 9.0: “Tôi không phải là người kỉ luật cho lắm, nhiều thói quen cố gắng mãi nhưng không làm được” - Ảnh 7.

Nhiều người cho rằng thành công trong cuộc sống còn phụ thuộc vào số mệnh, tự kỉ luật có hay không cũng không giúp ích được gì. Anh có suy nghĩ gì về quan điểm này?

Tôi nghĩ là cả hai. Nhiều người có thể phất lên là do may mắn nhưng quan trọng hơn là sự chuẩn bị cho những cơ hội đến với mình, nếu không bạn có thể vụt mất may mắn. Nhiều người bi quan cho rằng số phận mặc định họ không thể thành công. Điều này có thể đúng hoặc cũng có thể là do họ chưa có sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ càng. Khi học cử nhân, tôi chọn học thêm tin học, xác suất thống kê, vi sinh học thực phẩm… một phần là do thích, một phần là để chuẩn bị cho những cơ hội khác. Tôi có sở thích nuôi cá cảnh, có một thời gian tôi được nhận vào làm một công ty chuyên về cá cảnh vì họ đang cần người vừa biết về cá cảnh vừa biết tin học để xây dựng website. Qua đó, tôi lại biết thêm cách thức nuôi các loài sinh vật khác như san hô, bọt biển… và những kiến thức đó lại giúp tôi vững vàng hơn khi học tiến sĩ. Khi cơ hội chưa tới, đừng nản, hãy trau dồi kiến thức thật nhiều, hãy tự kỉ luật bản thân. Và bản thân tôi cũng đang cố gắng và rèn giũa.

Anh có dự định cho tương lai sắp tới chưa?

Tôi quan niệm công việc nghiên cứu của mình không khác việc khởi nghiệp là mấy, cũng phải đi tìm tòi, suy nghĩ, tìm lối đi rồi xây dựng, đi lên từ hai bàn tay trắng. Tôi rất mong đến ngày được trở về Việt Nam và đưa những công trình nghiên cứu của mình áp dụng vào ngành nuôi trồng thủy hải sản. Tôi cũng hi vọng những bạn trẻ có đam mê, cứ dám nghĩ dám làm, đừng ai chê trách hay phê phán họ vì mỗi người có một sự nghiệp khác nhau. Cứ sống tốt thì sẽ gặp những điều may mắn.

Chúc anh sẽ thực hiện trọn vẹn những dự định của mình và cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày