Khi lễ hội địa phương diễn ra, người ta trông thấy người phụ nữ bí ẩn mặc chiếc váy trắng đứng lặng lẽ bên ngoài cửa hàng bách hóa Matsuzakaya ở quận Isezakicho, thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Khuôn mặt bà được trang điểm đậm bằng phấn trắng, đôi mắt kẻ viền đen tạo nên sự tương phản nổi bật không lẫn vào đâu được.
Có lúc, người ta lại thấy bà, vẫn mặc bộ trang phục ấy, vẫn lối trang điểm ấy, đứng gần thang máy trong tòa nhà GM nằm trên một con phố hẹp của Isezakicho. Bà sống lay lắt qua ngày nhờ vài đồng tiền boa mọi người cho khi bà bấm thang máy giúp họ.
Đêm đến, bà nằm ngủ bên cạnh túi hành lý ở ngay hành lang tòa nhà, lúc thì ngủ gật trên chiếc ghế gỗ nhuốm màu thời gian, mặt ghế khắc dòng chữ: "Tôi yêu em, Meri".
Những hình ảnh ấy từng xuất hiện trong bộ phim tài liệu từng đoạt giải thưởng năm 2006 của đạo diễn Takayuki Nakamura. Bộ phim kể về một trong những người nổi tiếng nhất ở thành phố Yokohama mang tên “Yokohama Mary”.
Trong nhiều năm, bà Mary gần như trở thành một "huyền thoại đô thị". Nhiều người dân địa phương được nghe kể về sự tồn tại của người phụ nữ vô gia cư này, một số thậm chí đã từng tận mắt nhìn thấy bà, nhưng dường như không ai thực sự hiểu hết về cuộc đời và con người bà.
"Yokohama Mary" đi dạo trên một con phố thuộc quận Wakabacho, lúc còn trẻ
Một số người nói rằng Mary từng là một “pan-pan”, một từ để chỉ về các cô gái làm nghề mại dâm phục vụ cho lính Mỹ thời quân đội Đồng Minh còn chiếm đóng Nhật Bản. Tuy nhiên, ngoài điều đó ra, họ không nói thêm được gì về xuất thân của bà.
Cũng có tin đồn rằng Mary từng xuất hiện trên trang bìa tạp chí Life. Những người khác cho rằng bà không phải là người vô gia cư, mà sống trong một căn nhà sang trọng ở quận Yamate đắt đỏ. Người ta thậm chí còn nói rằng Mary là một hậu duệ của gia đình Hoàng gia, một số người khác gọi bà là "Nữ hoàng".
"Yokohama Mary" đang đi ngang qua một con phố ở quận Isezakicho, vào năm 1990
Takayuki Nakamura, một người gốc Yokohama, lần đầu tiên tình cờ gặp Mary khi ông còn học trung học, đúng hôm ông đang trên đường đi xem phim. “Tôi đã rất sốc khi lần đầu tiên nhìn thấy bà ấy", Nakamura nhớ lại. “Với khuôn mặt trắng bệch và tĩnh lặng như vậy, nhìn từ xa tôi đã nghĩ rằng bà ấy là một bức tượng. Sau lần đó, tôi không còn ngạc nhiên khi bắt gặp bà ấy trên đường nữa. Bất cứ khi nào tôi vào thành phố, tôi đều thấy bà ấy".
Năm 1995, Mary đột ngột biến mất. Người dân địa phương nghĩ rằng bà có thể đã chết do tuổi già sức yếu hoặc đã trở về quê hương - được cho là ở Ibaraki, Fukushima hoặc tỉnh Hiroshima - và đăng ký vào một viện dưỡng lão. Tuy nhiên, không ai biết điều gì thực sự đã xảy ra với bà.
Nakamura ví sự hiện diện của Mary trong khu vực với bức tượng Hachiko gần ga Shibuya của Tokyo.
“Nếu một ngày nào đó Hachiko biến mất mà không được báo trước, mọi người sẽ rất bối rối vì sự hiện diện của bức tượng đã trở thành một điều quá quen thuộc", ông nói. “Sự biến mất của bà ấy cũng gây sốc. Tôi quyết định làm bộ phim tài liệu ấy vì sự tò mò thuần túy - tôi chỉ muốn biết Mary là người như thế nào”.
Năm Nakamura 22 tuổi, ông bắt đầu làm phim tài liệu về Mary. Ông đã dành một vài năm để nghiên cứu về lịch sử khu vực Yokohama, từ sự xuất hiện của những con tàu đen và việc mở cửa thương mại vào thế kỷ 19 cho đến sự thay đổi của Yokohama sau chiến tranh.
Trong cuốn sách “Yokohama Mary”, do nhà xuất bản Kawade Shobo Shinsha ban hành vào tháng 8, Nakamura tập trung vào lịch sử mại dâm ở khu vực. Cuốn sách cung cấp thông tin chi tiết về chabuya, nơi phục vụ đàn ông nước ngoài như một quán bar, quán rượu, vũ trường và nhà chứa cũng như Hiệp hội Giải trí và Vui chơi (RAA) chuyên điều hành nhà thổ phục vụ binh lính của quân chiếm đóng. Biệt hiệu "pan-pan" (chỉ gái mại dâm phục vụ quân lính) cũng xuất phát từ đấy, sau khi RAA đóng cửa vào năm 1946.
Nhiếp ảnh gia Hideo Mori đứng ở một góc trong tòa nhà GM, nơi từng là chỗ nghỉ ngơi của "Yokohama Mary"
Trong cuốn sách của mình, Nakamura lưu ý rằng có tin đồn về việc Mary từng làm việc tại một cơ sở RAA ở Kobe trước khi chuyển đến tỉnh Kanagawa.
“Yokohama là thành phố luôn chấp nhận, chào đón người nước ngoài kể từ khi thành lập và cũng vì thế mà gái mại dâm thường chọn đến thành phố này. Điều đó cũng không thay đổi sau chiến tranh", Nakamura viết. “Sau khi tìm hiểu lịch sử của Yokohama từ khi mở cửa giao thương cho đến khi kết thúc Thế chiến thứ II, tôi bắt đầu nhận ra rằng việc Mary xuất hiện và tồn tại ở Yokohama là điều gần như không thể tránh khỏi".
Nakamura đã nói chuyện với một số người biết Mary hoặc biết sự tồn tại của bà. Ông nhận thấy rằng những người biết bà đều thật lòng quan tâm và cố gắng giúp đỡ bà theo nhiều cách khác nhau. Những người này kể cho ông nghe về chuyện Mary có chút ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
“Những người tôi phỏng vấn bắt đầu nói về bản thân họ thông qua Mary - cuộc sống của họ, gia đình họ, lịch sử của họ và Yokohama hồi đó như thế nào", Nakamura nói. Ca sĩ đồng tính Ganjiro Nagato là một trong những người biết về Mary.
Trước khi gặp Mary lần đầu tiên vào năm 1991, Nagato đã nghe tin đồn về bà. Khi ấy, Mary đang đứng bên ngoài lối vào một nhà hát nơi Nagato sắp biểu diễn và nhìn vào một tấm áp phích quảng cáo sự kiện. Biết bà là ai, Nagato đã đưa cho bà một tấm vé và mời bà tham dự buổi biểu diễn. Khi Nagato kết thúc phần biểu diễn, Mary tiến lên sân khấu và tặng anh một món quà.
Bộ phim tài liệu bao gồm những cảnh quay về khoảnh khắc này, ghi lại niềm vui trên khuôn mặt của Nagato khi anh nhận được món quà. Khán giả vỗ tay hò reo nhiệt liệt khi cả 2 bắt tay nhau.
“Có lẽ ít người biết tôi là ai, nhưng mọi người đều vỗ tay vì Mary là người nổi tiếng khi ấy”, Nagato cười nói trong bộ phim tài liệu. “Tôi sở dĩ quan tâm đến Mary không phải vì tò mò, mà là nhờ được tiếp xúc với bà trong hai, ba năm sau đó".
Nagato thường gặp Mary tại Morinaga Love, một cửa hàng thức ăn nhanh ở Isezakicho. Anh biết bà là người vô gia cư nên anh đã cố gắng xin trợ cấp từ chính phủ giúp bà sống ổn định hơn nhưng không thành công. Nhiều lần anh muốn đưa cho bà vài đồng để chi tiêu nhưng đều bị từ chối thẳng thừng.
“Tôi phải bỏ tiền vào một bao thư nhỏ rồi bảo rằng bà hãy dùng để mua những bông hoa thật đẹp nhé”, Nagato nói. “Bà ấy thật sự là một con người rất trang nghiêm”.
Hideo Mori chụp cùng "Yokohama Mary" trong tòa nhà GM
Mary không bao giờ quên cảm ơn những người đã giúp đỡ mình và sẽ luôn đáp lại sự ưu ái bằng một món quà nhỏ hoặc một bức thư viết tay đẹp có chữ ký của bà với bút danh "Yukiko Nishioka".
Nhiều người khác cũng cố gắng hỗ trợ Mary. Emiko Fukunaga, làm việc tại cửa hàng mỹ phẩm Yanagiya, đã tìm giúp bà một số loại phấn trắng không chứa dầu và có thể rửa sạch dễ dàng bằng nước. Kimiko Yamazaki, điều hành doanh nghiệp giặt là Hakushinsha cùng chồng, đã cho Mary cất quần áo tại cửa hàng và đồng ý để bà thay đồ ở đó bất cứ khi nào bà cần. Anh thợ cắt tóc Tatsu Yuda thì giúp bà làm tóc.
Nhiếp ảnh gia Hideo Mori lần đầu tiên nhìn thấy Mary gần 50 năm trước, khi mới ở độ tuổi 20. “Tôi cảm thấy như mình đã nhìn thấy một thứ mà tôi không nên thấy. Nhưng lúc đó Mary còn trẻ, xinh xắn và ăn mặc rất sành điệu", anh nói và giải thích rằng lúc đó bà vẫn đi làm trên đường phố.
Mori là con trai của một người bán hàng tạp hóa ở cửa hàng rau địa phương, là con út thứ hai trong gia đình có 9 anh chị em. Năm 1993, anh gặp lại Mary trong tòa nhà GM ở Isezakicho. Khi đó, Mori đã xin phép Mary để được chụp ảnh và bà đồng ý. Vì vậy Mori đã dành cả năm sau đó theo bước chân của Mary, ghi lại những thói quen hàng ngày của bà. Mori vẫn nhớ những nơi Mary thường đến ở Yokohama.
Chỉ vào một vị trí trước cửa tiệm Starbucks, Mori kể rằng Mary thường ngồi trên một chiếc ghế dài bằng gỗ từng được đặt ở đó và ngủ với tư thế thẳng lưng. Ở đây từng là một cửa hàng trang sức và Mary thường đứng bên ngoài nhìn chằm chằm vào những món đồ có giá trị bên trong.
“Tôi không biết về cuộc sống của bà ấy trước khi đến Yokohama nhưng bà ấy chưa bao giờ có nhà trong thời gian ở đây", Mori nói.
Sự rành rẽ của Mary về đường đi nước bước đã làm cho Mori không khỏi bất ngờ. “Bà giống như thổ địa của khu vực này vậy", Mori nói. "Tôi thường để mất dấu bà ấy bất cứ khi nào bà ấy bước vào một tòa nhà".
Tòa nhà GM vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, có nhiều nhà hàng và quán bar. Đứng bên trong tiền sảnh, Mori chỉ vào một góc cạnh cầu thang, nơi có chiếc ghế Mary từng ngồi. Mori nói: “Đây là nơi Mary đã từng ở khi về già. Không ai đuổi bà ấy đi".
Mori vẫn tiếp tục hoàn thiện album ảnh về Mary cho tới mùa đông 1995, bà đột ngột biến mất. Sau đó, anh xuất bản một cuốn sách có tựa đề Yokohama Pass: Hama no Meri-san. Lúc này, Mary đã biến mất khỏi đường phố và anh không bao giờ có thể cho bà xem những bức ảnh mà anh đã chụp. Mori nói: “Một thành phố được tạo thành từ nhiều thành phần khác nhau, bao gồm cả các tòa nhà và con người. Mary là một phần của Yokohama. Khi bà ấy biến mất, cảnh quan thành phố đã thay đổi hoàn toàn".
Trong nhiều thập kỷ, thành phố Yokohama đã yêu quý Mary và cư dân ở đây rất sẵn lòng bỏ qua những điều kỳ quặc của bà. Tuy nhiên, khi thực hiện bộ phim tài liệu của mình, Nakamura nhận thấy rằng cuối cùng thành phố đã quay lưng lại với Mary.
Một số người dân địa phương cảm thấy phiền vì sự hiện diện của bà, họ muốn bà phải dùng một tách trà chuyên dụng tại quán cà phê hoặc từ chối làm tóc ở cùng một tiệm với bà.
“Từ những năm 1990, có một sự thay đổi thế hệ rõ rệt giữa những người từng trải qua chiến tranh và những người chỉ biết đến hòa bình”, Nakamura nói. “Các thế hệ sau này không có được sự đồng cảm và vị tha dành cho Mary như những thế hệ trước. Bà dần dà trở thành một vị khách xa lạ ở đây và thời gian trôi qua, bà cũng không còn tìm được chỗ để dung thân”.
Cuối cùng Nakamura đã tìm thấy Mary trong một viện dưỡng lão. Bà rời Yokohama vào tháng 12 năm 1995 và sống với tên thật của mình nhưng bộ phim không tiết lộ. Bộ phim tài liệu cũng từ chối tiết lộ địa điểm của viện dưỡng lão vì Nakamura đã hứa với Mary rằng ông sẽ giữ bí mật. Bà được cho là hài lòng với cuộc sống mới trong ngôi nhà của mình và không còn trang điểm bằng phấn trắng như xưa nữa.
Năm 2003, Nakamura đã đưa Nagato đến gặp và biểu diễn cho bà Mary lần cuối cùng trước khi ông qua đời vì căn bệnh ung thư. Đến tháng 1 năm 2005, huyền thoại đường phố một thời của Yokohama qua đời ở tuổi 83.
Quận Isezakicho của thành phố Yokohama chắc chắn đã thay đổi đáng kể kể từ năm 1995 và nhiều nơi mà Mary từng yêu thích, bao gồm Morinaga Love, cửa hàng bách hóa Matsuzakaya và tiệm giặt là Hakushinsha, không còn tồn tại nữa.
Bên cạnh đó, nhiều người xuất hiện trong bộ phim tài liệu, những người chăm sóc cho Mary, bao gồm cả Nagato, cũng đã qua đời.
Tuy nhiên, Mary là một phần không thể thiếu của thành phố Yokohama và những người như Nakamura và Mori đều muốn nhắc nhở những người khác về di sản mà bà để lại.
“Đối với tôi, Mary chính là Yokohama”, Nakamura nói. “Bà chính là gốc rễ tạo nên ý nghĩa của Yokohama trong lòng tôi”.
Nguồn: Japan Times