Số người mắc ung thư dự kiến sẽ tăng hơn 20% ở châu Âu vào năm 2045

Quỳnh Chi, Theo VTV 09:15 11/02/2024
Chia sẻ

Theo ước tính của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), số ca ung thư mới ở châu Âu ước tính sẽ tăng 22,5% trong 2 thập kỷ tới.

Đó là khi số ca chẩn đoán mắc ung thư tăng 55% trên toàn cầu từ năm 2022 đến năm 2045, từ khoảng 19,9 triệu người mắc ung thư vào năm 2022 lên 30,9 triệu ca vào năm 2045.

Theo IARC, cơ quan ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các ước tính mới được công bố nhấn mạnh "gánh nặng ngày càng tăng" của bệnh ung thư và sự cần thiết phải giải quyết thực trạng bất bình đẳng về ung thư.

Cơ quan này cho biết, trong số các yếu tố góp phần làm gia tăng số người mắc ung thư có dân số già, thuốc lá, uống rượu bia và béo phì cũng như ô nhiễm không khí.

Hiện nay, khoảng 1/5 số người mắc bệnh ung thư trong đời, trong khi khoảng 1/9 nam giới và 1/12 phụ nữ chết vì căn bệnh này.

Khi tỷ lệ mắc bệnh ung thư tăng lên, tỷ lệ tử vong do ung thư cũng sẽ tăng từ khoảng 9,7 triệu người vào năm 2022 lên 16,6 triệu người trên toàn cầu vào năm 2045. Theo phân tích mới, số ca tử vong do ung thư ở châu Âu có thể tăng 32%.

Số người mắc ung thư dự kiến sẽ tăng hơn 20% ở châu Âu vào năm 2045 - Ảnh 1.

(Ảnh: Euronews)

Ở châu Âu, loại ung thư phổ biến nhất là ung thư vú, tiếp theo là ung thư tuyến tiền liệt và đại trực tràng, theo ước tính vào năm 2022 của IARC. Theo số liệu của EU, nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong do ung thư ở EU là ung thư phổi, đại trực tràng và vú.

Tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc WHO khu vực châu Âu, cho biết trong một tuyên bố: "Vào thời điểm tài chính y tế đang chịu áp lực ngày càng tăng trên khắp châu Âu, chúng ta có nguy cơ hủy bỏ những tiến bộ đã đạt được trong nhiều thập kỷ nhằm cải thiện sức khỏe và phúc lợi của hàng triệu người.

Khi chúng ta thoát khỏi đại dịch COVID-19, thông điệp của tôi gửi tới mọi người - các chính trị gia cũng như người dân - là chúng ta cần quan tâm nhiều hơn chứ không phải ít hơn đến sức khỏe".

Một báo cáo mới của Liên minh Kiểm soát Ung thư Quốc tế (UICC) cho thấy có sự bất bình đẳng rõ rệt ở châu Âu về khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc ung thư. Ví dụ, những người có địa vị kinh tế xã hội thấp ở Thụy Điển có nguy cơ tử vong vì ung thư cao hơn so với những người có đặc quyền hơn, UICC cho biết.

Ở Bồ Đào Nha, khoảng 30% nguyên nhân gây ung thư phổ biến nhất có liên quan đến việc tiêu thụ thuốc lá.

Theo báo cáo, bất chấp những tiến bộ đã đạt được trong việc phát hiện sớm bệnh ung thư cũng như điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư, sự chênh lệch đáng kể về kết quả điều trị ung thư vẫn tồn tại không chỉ giữa các khu vực thu nhập cao và thấp trên thế giới mà còn giữa các quốc gia.

Các biện pháp mà UICC đã kêu gọi bao gồm tăng tài trợ để giảm bớt sự chênh lệch về (tỷ lệ mắc) ung thư, đưa các dịch vụ liên quan đến ung thư vào chương trình lợi ích sức khỏe quốc gia và thực hiện các chương trình tầm soát ung thư chung.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày