Từ khi chính thức ra mắt đến nay, BTS đã sở hữu gần trăm bài hát và tất thảy đều được giới phê bình âm nhạc đánh giá vô cùng cao. Thậm chí, trang review âm nhạc nổi tiếng toàn cầu – Pitchfork đã từng cho album "Loveyourself: Tear" của BTS điểm chuyên môn là 7.1 – còn cao hơn rất nhiều so với những tên tuổi đình đám khác như "Reputation" - Taylor Swift, "Divide" – Ed Sheeran,…
BTS cũng sở hữu cả "rổ" các bài hát nổi tiếng mang tầm cỡ quốc tế khi những ca khúc như "Mic Drop (Remix)", "DNA", "Fire"… hay "Fake Love" và mới đây nhất là "Idol" lần lượt xưng vương bảng xếp hạng danh giá Billboard hàng tuần liền. Song song với đó là đạt được những thành tích mang tầm cỡ thế giới mà không một nhóm nhạc Kpop nào có khả năng vươn tới.
Nổi tiếng là vậy, âm nhạc đa dạng và chất lượng là vậy, nhưng việc BTS vẫn chưa sở hữu một "bản hit quốc dân" có thể sánh ngang với những ca khúc đã được công chúng Hàn "thuộc nằm lòng" như "Gee" (SNSD), "Lies" (BIG BANG) hay "Tell Me" (Wonder Girls),… là một sự thật cần phải thừa nhận.
Là biểu tượng cho Kpop tại làng nhạc thế giới, gặt hái và sở hữu vô số bài hát "khủng" mang tầm cỡ quốc tế, ấy vậy mà BTS vẫn chưa thực sự có một "bản hit quốc dân đúng nghĩa"
Tiêu chí nào để gọi tên bản hit quốc dân?
Trên thực tế, một "bản hit quốc dân" được đánh giá chủ yếu dựa trên 2 tiêu chí: sự thu hút cộng đồng (50%) và trình độ chuyên môn (50%). Cụ thể, sự thu hút cộng đồng chính là những ảnh hưởng nhất định mà ca khúc đó mang lại về mặt xã hội, văn hóa cùng mức độ đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của một đất nước.
Không những vậy, "ca khúc quốc dân" cần có sự phổ biến không hề nhỏ trong lòng công chúng, khi "người người nhà nhà" đều có khả năng nhận biết một khi "bản hit" đó được vang lên. Song song với yếu tố cộng đồng chính là tiêu chuẩn cần phải đạt được về tính nghệ thuật: "thánh ca quốc dân" đó phải mang lời hát ý nghĩa, nội dung sâu sắc cùng giai điệu "dễ cảm", "dễ thấm".
Một "bản hit quốc dân" là khi đáp ứng được yêu cầu về sự thu hút cộng đồng và sở hữu tính nghệ thuật cao, ngoài ra, không thể không kể đến sự phổ biến "khủng" của bài hát đó trong lòng công chúng
Lấy ví dụ ở, "Tell Me" - "ca khúc quốc dân" tiêu biểu của Wonder Girls. Đây được xem là huyền thoại của làng nhạc Kpop đã đưa nhóm nhạc nữ nhà JYP thống trị Kpop năm đó. Một hình ảnh retro pop cùng concept "sến sẩm" của âm nhạc đương đại những năm 1980, "Tell Me" trở thành một hiện tượng đúng nghĩa": ca khúc đã đứng đầu các BXH trong suốt 8 tuần.
Không dừng lại, tất cả các cúp của các chương trình âm nhạc quốc gia cũng không thoát khỏi tay nhóm. Sự phổ biến của "Tell Me" còn thống trị cả Châu Á trên các trang mạng trực tuyến khi rất nhiều người đã đăng tải video cover dance lên Youtube và minh chứng cho công nghệ thông tin đã tác động lớn đến tăng trưởng GDP quốc nội.
Trong giai đoạn 3 tháng cuối năm 2007, nền kinh tế của Hàn Quốc có sự tăng trưởng đột biến lên tới 13,5% nhờ ca khúc này, và đây là con số lớn nhất kể từ biến động bất động sản năm 2002. Bản hit quốc dân này cũng mang đến trào lưu thời trang với phong cách retro độc đáo, đã khuấy đảo cả Châu Á vào thời điểm đó.
Đông đảo netizen đều cho rằng thành công "khủng khiếp"của "Tell Me" đến từ giai điệu retro khá "lạ tai" nhưng vô cùng gây nghiện, cùng ca từ và vũ đạo đơn giản và rất bắt chước.
Nhưng tại sao âm nhạc của BTS vẫn được yêu thích và đón nhận rộng rãi đến như vậy?
Lý do có lẽ là vì BTS đã dũng cảm chọn con đường riêng cho mình: dám nghĩ, dám làm, dám thử sức với nhiều thể loại âm nhạc khác nhau mà không đi theo "xu hướng" idol ngày nay là phải tạo "hit quốc dân" mới có thể thành công và trở thành nghệ sĩ hạng A.
Thực chất, có rất nhiều người biết rõ bài hát đó nhưng chưa chắc đã biết ca sĩ thể hiện ca khúc ấy là ai, nên trong ngành giải trí mới có định luật "Bài hát đưa tên tuổi idol lên". Chưa kể BTS còn xuất thân từ công ty nhỏ (ngoài BIG 3) nên định luật trên lại càng được netizen áp dụng, rằng BTS cần có ít nhất một "thánh ca quốc dân" mới có thể giúp nhóm "một bước lên mây".
Ấy vậy mà BTS lại đi ngược lại định luật trên, với danh hiệu "Tên tuổi idol đưa bài hát lên tầm hit". Bất cứ sản phẩm âm nhạc nào có sự xuất hiện của BTS đều được người hâm mộ "mặc định" rằng đó sẽ là một bài hát chất lượng đúng tầm quốc tế. Và với những thành tích và kỉ lục "vô tiền khoáng hậu" mà BTS đã làm được, họ không cần phải dựa trên bất cứ tiêu chuẩn đánh giá nào nữa, vì âm nhạc của họ là những gì cần được thưởng thức, hưởng thụ và đón nhận, chứ không phải để "chiều lòng" định kiến "nhóm nhạc không có hit quốc dân là nhóm nhạc bất tài" tồn tại từ trước.
BTS có lẽ là "ca hiếm" của làng nhạc Kpop - khi nhóm đã tự tạo con đường đi riêng cho mình, không cần tạo "hit quốc dân" vẫn có thể thành công ngoài sức tưởng tượng. Quan trọng hơn, BTS đang đi những bước vô cùng "chậm mà chắc" đến những thành tích còn "khủng" hơn nữa trong tương lai.
Sự có mặt của BTS đang dần thay đổi những định kiến vốn không thể đạp đổ của làng nhạc Kpop, thiết lập nên vô vàn những kỉ lục ngoài sức tưởng tượng cũng như là biểu tượng sáng giá đưa màu sắc âm nhạc Châu Á sánh ngang tầm cỡ với làng nhạc thế giới.