Sợ chồng ngoại tình, vợ ngấm ngầm "hạ độc" trong bữa cơm hàng ngày, dân tình ngửa mặt kêu trời khi biết "diệu kế"

DingDang TT, Theo Trí Thức Trẻ 12:04 27/04/2021

Để chồng không thể đi tìm niềm vui bên ngoài, một số bà vợ đã ngấm ngầm trộn "thuốc trị chồng ngoại tình" vào bữa cơm hàng ngày. Câu chuyện "như trò đùa" này hiện đang khiến dư luận Trung Quốc xôn xao.

Gần đây, trên mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện chủ đề "dùng thuốc liệt dương trị chồng ngoại tình" thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận nước này, đặc biệt là hội chị em phụ nữ. Chỉ với vài thao tác tìm kiếm đơn giản, người ta có thể nhanh chóng tìm được những cửa hàng online bán loại thuốc này, và cho dù có gỡ bỏ sản phẩm trên web thì những người bán hàng vẫn luôn trong trạng thái sẵn sàng phục vụ các "Thượng đế".

Dược sĩ nhắc nhở thuốc liệt dương có khả năng gây ung thư cao. Còn luật sư thì cảnh báo việc làm kể trên có thể gây ra những tổn hại nghiêm trọng tới cơ thể của người chồng, và người vợ có khả năng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Thuốc "trị đàn ông ngoại tình"

Vì muốn ngăn cản chồng ngoại tình, người vợ bèn ngấm ngầm sử dụng một loại thuốc có tên gọi Diethylstilbestrol, có tác dụng ức chế sự cương cứng ở nam giới. Ngày 24/4, một bài viết về "Cửa hàng online bán thuốc trị đàn ông ngoại tình" đã gây sốt mạng xã hội Trung Quốc.

*Diethylstilbestrol, còn được gọi là stilbestrol hoặc stilboestrol, là một loại thuốc estrogen không steroid, hiếm khi được sử dụng.

Sợ chồng ngoại tình, vợ ngấm ngầm hạ độc trong bữa cơm hàng ngày, dân tình ngửa mặt kêu trời khi biết diệu kế - Ảnh 1.

Diethylstilbestrol được bán online một cách công khai

Ngày 25/4, phóng viên Tin Tức Buổi Sáng Tiêu Tương phát hiện vẫn còn rất nhiều cửa hàng online rao bán loại thuốc kể trên với lời quảng cáo có hiệu quả tốt trong việc "trừng trị ngoại tình". Bên cạnh đó, cũng có nơi giới thiệu thêm rằng thuốc còn có thể sử dụng cho cả động vật như trâu bỏ.

Phóng viên đã tiến hành phỏng vấn chuyên gia và được biết Diethylstilbestrol có chứa estrogen** và được Tổ chức Y tế Thế giới liệt vào danh sách có chứa chất gây ung thư.

**Estrogen là loại hormone được sản xuất ở buồng trứng phụ nữ bắt đầu từ tuổi dậy thì. Hormone này có 2 vai trò quan trọng nhất là: Điều hòa chu trình kinh nguyệt cũng như hoạt động của hệ sinh sản và duy trì, thúc đẩy sự phát triển của các đặc điểm sinh dục nữ như: ngực, mông, tóc, lông...

Vợ "hạ độc" chồng

Ngày 24/4, bài viết "Trộn thuốc liệt dương vào cơm cho chồng ăn? Trong tiểu thuyết cũng chẳng ngờ tới!" được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Bài viết chỉ ra rằng có một số phụ nữ vì muốn ngăn chồng ngoại tình nên đã lên mạng mua loại thuốc có tên Diethylstilbestrol rồi ngấm ngầm "hạ độc" chồng bằng cách trộn vào bữa cơm hàng ngày. Sau khi sử dụng loại thuốc này, chức năng sinh lý của người chồng sẽ bị ức chế nên không thể ngoại tình được và chỉ có thể trở về nhà với vợ con.

Trong bài viết cũng đưa ra một số dẫn chứng về những người phụ nữ cảm thấy loại thuốc kể trên "vô cùng hiệu quả" như sau: "Cho chồng uống đến tuần thứ 2, tôi bắt đầu thấy hiệu quả. Bây giờ chồng tôi ở nhà rất ngoan.", "Mới dùng vài ngày đã thấy hiệu quả rất tốt rồi. Đối với loại người ấy thì chỉ có thể dùng cách này thôi.", "Sau khi sử dụng, chức năng sinh lý của anh ta bắt đầu gặp vấn đề, thậm chí anh ta còn tự hỏi bản thân đã bị làm sao nữa. Vì gia đình nên cũng chẳng còn cách nào khác, đừng có trách tôi! Tiếp tục cho anh ta dùng thôi!"...

Tác hại khôn lường

Sợ chồng ngoại tình, vợ ngấm ngầm hạ độc trong bữa cơm hàng ngày, dân tình ngửa mặt kêu trời khi biết diệu kế - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Buổi tối ngày 24/4, phóng viên Tin Tức Buổi Sáng Tiêu Tương lên mạng tìm kiếm và phát hiện ra loại thuốc Diethylstilbestrol quả thật đang được bán online, chỉ có điều không ghi chú là "thuốc trị ngoại tình" như bài viết trên đăng tải. Đến ngày 25/4, khi phóng viên quay lại kiểm tra thì thấy loại thuốc này đã bị gỡ bỏ khỏi website. Tuy nhiên, nhân viên của một cửa hàng online lại trả lời phóng viên rằng: Dù đã bị gỡ bỏ nhưng vẫn có thể bán. Người này còn nhiệt tình hướng dẫn: "Cứ chọn bừa 1 link sản phẩm khác, còn trên thực tế sẽ gửi đúng thứ đó cho bạn."

Tiếp đó, phóng viên hỏi thêm nhiều cửa hàng online khác, nhưng đa phần đều không có loại thuốc này. Có 1 tiệm chuyên bán thuốc thú y hiển thị còn thuốc, nhưng nhân viên tư vấn rõ ràng là chỉ dùng được cho động vật, như lợn hoặc cừu... với lượng tiêu thụ không tồi: "Nhiều người mua lắm, mỗi tháng ít nhất cũng có cả trăm đơn."

Dược sĩ La Mạt, thuộc khoa Dược học, Bệnh viện Nhân dân số 2 tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc cho biết, Diethylstilbestrol là một loại estrogen tổng hợp, được sử dụng chủ yếu để điều trị thiếu hụt estrogen và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt do thay đổi bệnh lý ở phụ nữ. Estrogen tổng hợp có tác dụng phụ tương đối lớn nên ít được sử dụng, thậm chí là đang dần bị loại bỏ, hiện nay người ta khuyến khích sử dụng estrogen tự nhiên.

Nam giới sử dụng loại thuốc này sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng tình dục, tinh thần và thể lực, dùng lâu dài sẽ làm tăng nguy cơ cho hệ tim mạch và gây ảnh hưởng đến chức năng gan. Ngoài ra, nó còn có nguy cơ gây ung thư cao, thậm chí là ung thư ác tính cho bộ phận sinh dục.

"Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa loại thuốc này vào danh sách chất gây ung thư cấp độ 1, và nó cũng là loại dược phẩm bị cấm sử dụng cho động vật và trong ngành thực phẩm ở Trung Quốc." La Mạt cảnh báo thêm rằng nếu người mẹ chẳng may uống nhầm Diethylstilbestrol khi đang mang thai cũng sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Quan điểm của luật sư

Theo luật sư Diêu Chí Đấu, thuộc văn phòng Luật sư Kinh Sư thành phố Bắc Kinh, nếu trong thực tế xảy ra trường hợp vợ cho chồng uống loại thuốc này khiến chồng bị tổn hại không nặng về mặt thể chất thì nạn nhân có quyền đòi bồi thường từ nhà sản xuất và nền tảng bán hàng. Còn người vợ không phải bồi thường, bởi giữa vợ chồng tồn tại tài sản chung, cho dù người chồng có đòi được thì cũng là một phần tiền của mình. Do đó, người vợ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp người chồng bị thương tật nặng.

Đối với hành vi của nhà cung cấp, luật sư Diêu cho biết, trước tiên các doanh nghiệp bán loại thuốc này trên nền tảng thương mại điện tử, nếu không có giấy phép bán thuốc sẽ bị nghi ngờ hoạt động kinh doanh bất hợp pháp. Tiếp đó, nếu người bán kinh doanh thuốc cấm sẽ bị xếp vào tội bán thuốc giả, thực phẩm độc hại...

Nguồn: 163