Ra mắt năm 2006, The Devil Wears Prada từng bị xem là một bộ phim “giải trí dành cho phụ nữ” xoay quanh thời trang, quyền lực và những đôi giày cao gót. Nhưng gần 20 năm sau, khi thế giới chuyển mình qua hàng loạt xu hướng, thời đại, nền tảng và định nghĩa mới về sự thành công, bộ phim ấy vẫn được nhắc lại như một hiện tượng văn hóa toàn cầu - một tác phẩm mà chỉ cần nhắc tới tên, ai cũng hiểu mình đang bàn về điều gì. Và giờ đây, khi phần 2 đang trong quá trình xác nhận, cơn sốt The Devil Wears Prada một lần nữa dậy sóng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
The Devil Wears Prada được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Lauren Weisberger, kể về cô gái trẻ Andy Sachs vừa tốt nghiệp đại học, bất ngờ trở thành trợ lý cho Miranda Priestly - tổng biên tập lừng lẫy của tạp chí Runway. Những tháng ngày ở địa ngục thời trang bắt đầu khi Andy phải học cách sinh tồn trong một môi trường đầy áp lực, sắc bén và vô cùng hà khắc, dưới bàn tay của người phụ nữ được xem là quyền lực bậc nhất ngành công nghiệp này.
Nghe có vẻ như một hành trình trưởng thành đơn giản. Nhưng điều khiến The Devil Wears Prada tồn tại bền bỉ chính là cách nó kết hợp được mọi yếu tố: kịch bản thông minh, diễn xuất đỉnh cao, thời trang đắt đỏ, và trên tất cả là lời cảnh tỉnh nhẹ nhàng mà sâu sắc về cái giá của sự thành công. Miranda Priestly không đơn thuần là “ác nữ văn phòng”, mà là đại diện cho một kiểu phụ nữ quyền lực thời hiện đại: lạnh lùng, kiêu hãnh, có phần tàn nhẫn, nhưng cũng cô đơn và đầy tổn thương. Ở thời điểm 2006, hình tượng này đi trước thời đại, và đến năm 2025, nó vẫn còn nguyên sức nặng.
Meryl Streep và Anne Hathaway trở thành những biểu tượng của điện ảnh thời ấy. Một người hóa thân hoàn hảo thành tổng biên tập Miranda Priestly quyền lực, lạnh lùng đến rợn người; người kia là cô thực tập sinh Andy ngờ nghệch, rồi từng bước trưởng thành và bừng sáng trong thế giới thời trang. Cặp đôi này không chỉ khiến người xem nín thở vì diễn xuất “chặt chém” qua từng ánh mắt, mà còn là biểu tượng của sự đối lập tuyệt đẹp - giữa quyền lực và khát vọng, giữa già dặn và non trẻ, giữa hà khắc và cảm thông.
Nếu phải chọn một yếu tố khiến The Devil Wears Prada khác biệt so với những bộ phim lấy đề tài thời trang khác, thì đó chính là việc phim sử dụng trang phục như một cách kể chuyện.
Từng bộ cánh trong phim từ áo trench coat Burberry đến túi Chanel hay giày Louboutin không chỉ để nhân vật đẹp lên, mà để thể hiện sự chuyển biến trong tâm lý, sự trưởng thành và cách Andy tự định vị bản thân trong một thế giới mà vẻ ngoài cũng là một thứ quyền lực.
Thời trang là một nhân vật trong phim
Stylist Patricia Field (cũng là người tạo nên phong cách của Carrie Bradshaw trong Sex and the City) đã khiến thời trang trong phim trở thành xu hướng toàn cầu. Cảnh Andy bước xuống phố với chuỗi outfit biến hóa liên tục trở thành hình ảnh biểu tượng được tái sử dụng trên mạng xã hội suốt gần 20 năm qua. Ngay cả những người không quan tâm đến thời trang, cũng khó mà rời mắt khỏi visual xuất sắc của The Devil Wears Prada.
Chính nhờ sự kết hợp hoàn hảo giữa nội dung và hình thức, bộ phim không chỉ hấp dẫn về mặt thị giác, mà còn để lại dư âm sâu sắc về mặt cảm xúc và suy ngẫm.
The Devil Wears Prada là kiểu phim mà dù bạn xem lần đầu ở tuổi 20 hay lần thứ năm ở tuổi 30, thì cảm nhận vẫn sẽ khác nhau. Bạn sẽ nhận ra có những điều mình từng không hiểu lại hóa ra rất đúng, có những giá trị từng bị xem nhẹ lại mang sức nặng hơn thời gian tưởng tượng.
19 năm qua đi, Miranda vẫn lạnh lùng đến mức có thể khiến bạn lạnh sống lưng. Andy vẫn đại diện cho lớp trẻ lạc lối giữa đam mê và áp lực. Và Runway với tất cả những ánh đèn, bìa tạp chí, lời thoại độc địa vẫn khiến người ta vừa sợ vừa mê.
Dự án The Devil Wears Prada phần 2 hiện đang được ghi hình tại New York và Anne Hathaway thì liên tục xuất hiện trên phim trường, dĩ nhiên là vẫn với vô số out fit xuất sắc, hứa hẹn còn bùng nổ hơn phần 1. Nội dung phần phim hiện chưa được tiết lộ nhưng chỉ riêng sức nóng từ hậu trường cũng đủ để tín đồ phim ảnh trên toàn cầu bùng nổ. Khán giả háo hức chờ một biểu tượng thời trang “hồi sinh” giữa thời đại MXH cực phát triển. Nhưng đồng thời, phần 2 cũng đối mặt với áp lực cực lớn: làm sao để vượt qua cái bóng quá lớn của phần 1 - một tượng đài gần như hoàn hảo?
Khó, nhưng không phải bất khả. Vì nếu loạt phim đủ thông minh để phản ánh sự thay đổi của xã hội, sự lão hóa của quyền lực, sự chuyển mình của thời trang từ trang bìa tạp chí sang newsfeed mạng xã hội, thì phần 2 hoàn toàn có thể trở thành một phiên bản nâng cấp vừa hoài cổ, vừa hiện đại.
Hình ảnh ở hậu trường phần 2