Cô Chen, kế toán của một công ty ở thành phố Tân Dân, Thẩm Dương, Trung Quốc bất ngờ bị kéo vào một nhóm chat trên mạng xã hội. Sau đó, cô phát hiện ra rằng chỉ có 3 người trong nhóm chat này, một người là giám đốc của cô và 2 người kia là thành viên hội đồng quản trị của công ty. Trên thực tế, nhóm chát này toàn là những người lừa đảo, họ đã mạo danh để lừa cô Chen.
Đầu tiên, thành viên của hội đồng quản trị hỏi cô rằng: "Đã thực hiện hợp đồng theo quy định hay chưa?". Cô Chen đã trả lời rằng: “Hợp đồng đã được gửi cho khách hàng”. Sau đó, giám đốc của cô yêu cầu cô gửi ảnh chụp màn hình số dư trong tài khoản công ty, đồng thời gửi cho cô thông tin tài khoản khác để chuyển cho bên kia khoảng 3,68 triệu NDT (khoảng hơn 12 tỷ đồng).
Vì số tiền quá lớn nên cô Chen muốn gọi cho giám đốc để kiểm tra, nhưng phát hiện ra rằng điện thoại di động không thể gọi đi. Sau khi kiểm tra lại tên của những người đứng đầu nhóm chat, cô thấy đúng là sếp của mình nên cô đã chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu thành 4 lần giao dịch.
Một lúc sau, giám đốc giả của cô bỗng nhiên nhắn tin cho cô nói rằng: “Bên kia vẫn chưa nhận được tiền”. Lúc này, cô Chen lấy điện thoại di động và thấy đã có thể liên lạc bình thường nên vội vàng gọi điện cho giám đốc ngay.
Cô nói với giám đốc thật: “Tôi đã chuyển số tiền vào tài khoản mà giám đốc yêu cầu”. Không ngờ câu trả lời của giám đốc khiến cô lạnh toát cả người: "Chuyển cái gì? Tôi đã ủy quyền chuyển khoản cho cô nhưng tôi không có kêu cô chuyển tiền vào số tài khoản nào khác ngoài tài khoản của khách hàng".
Lúc này cô mới phát hiện ra mình bị lừa, toàn bộ những người trong nhóm chát kia là giả, họ đã sử dụng việc giả mạo danh tính giám đốc của cô để tạo ra một tình huống khiến cô tin là thật. Vì thủ đoạn giả mạo danh tính của những kẻ lừa đảo hết sức tinh vi nên cô Chen đã không thể phát hiện ra. Cô ngay lập tức gọi điện cho công an. Người của đồn cảnh sát đường Tây Bắc của Cục công an thành phố Thẩm Dương đã nhanh chóng thực hiện các nghiệp vụ phòng chống tội phạm mạng của mình.
Vì những đối tượng lừa đảo chưa biết cô đã phát hiện ra nên vẫn đang nhắn tin cho cô. Tên lừa đảo giả mạo làm sếp của cô nói rằng: “Tiền vẫn chưa đến tài khoản bên kia”. Công an của Cục công an thành phố Thẩm Dương thấy rằng tiền chưa được chuyển đến tài khoản lừa đảo nên đã ngay lập tức liên hệ với ngân hàng và thực hiện thủ tục ngăn chặn gian lận thanh toán.
Vì được yêu cầu từ phía công an, ngân hàng đã ngay lập tức hủy giao dịch và đóng băng số tiền. Sau đó, cô được công an thuộc Cục công an thành phố Thẩm Dương, Trung Quốc đưa đến Trung tâm nghiên cứu tội phạm mới để thực hiện các bước tiếp theo để thu hồi tiền. Sau đó, tiền được hoàn trả vào tài khoản công ty cô Chen ngay.
Sau khi điều tra kỹ càng hơn, công an phát hiện rằng số tài khoản mà tên lừa đảo yêu cầu cô chuyển là của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc nhưng cô lại chuyển nhầm ngân hàng. Do đó, tên lừa đảo đã không thể nhận được số tiền của công ty cô Chen.
Thực tế, cô Chen may mắn là tiền chưa đến được tài khoản kẻ lừa đảo và cô đã gọi công an ngay lập tức nên đã ngăn chặn được hành vi lừa đảo tinh vi.
Để ngăn chặn các trường hợp gian lận mạng và viễn thông tương tự, Cảnh sát Thẩm Dương, Trung Quốc đã liên hệ với cơ quan giám sát thị trường địa phương để công khai tất cả các doanh nghiệp trong khu vực và ký một lá thư cam kết, yêu cầu tất cả các khoản chuyển tiền theo yêu cầu của các nhà lãnh đạo, đặc biệt là qua WeChat, QQ, email… khi đưa ra hướng dẫn, cần có quy trình phê duyệt chặt chẽ để xác minh với người trực tiếp hoặc qua cuộc gọi video để tránh bị lừa.
Sau khi thực hiện các biện pháp ngăn chặn, Cục Công an Thẩm Dương cho biết, số vụ lừa đảo qua mạng của thành phố đã giảm 38,73% so với giai đoạn trước đó.