Ngày 30-1, tức 25 tháng Chạp, Ngân hàng Nhà nước có công điện gửi các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố yêu cầu bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng dịp Tết Nguyên Đán 2019.
Không để ATM hết tiền
Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Cục Phát hành và kho quỹ chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, tập trung chỉ đạo tổ chức tốt công tác điều hòa, cung ứng tiền mặt, đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá. Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng; chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kịp thời và kiên quyết xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ trái quy định.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố cần bảo đảm cung ứng tiền mặt cho các tổ chức tín dụng. Kho bạc nhà nước trên địa bàn, bảo đảm lưu thông tiền tệ thông suốt, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu tiền mặt, hoãn chi tiền mặt làm ảnh hưởng đến tình hình lưu thông tiền tệ. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, nâng cao chất lượng dịch vụ, theo dõi tồn quỹ và tiếp quỹ kịp thời, đảm bảo các ATM hoạt động 24/24 giờ.
Các ngân hàng không được để ATM hết tiền vì lỗi chủ quan. Ảnh: Linh Anh
Nhiều máy ATM "nghỉ Tết"
Trong khi đó, ghi nhận của báo Người Lao Động những ngày qua, một số máy ATM tại TP HCM đã bắt đầu trục trặc, chủ thẻ than phiền không rút được tiền do máy hết tiền, ngưng hoạt động.
Cụ thể, sáng 30-1, chị Thiên (làm việc tại quận 3, TP HCM) cho biết chị phải ghé quầy giao dịch của ngân hàng để rút tiền sau khi đi nhiều máy ATM ở khu vực quận 3 mà không rút được. "Máy ATM của ngân hàng phát hành thẻ báo hết tiền, rút 5-7 lần vẫn trục trặc, qua máy ATM của ngân hàng khác thì báo không hoạt động. Chạy vài máy ATM không được tôi đành phải vô quầy giao dịch cho chắc ăn" – chị Thiên nói.
Theo các ngân hàng, nhu cầu rút tiền mặt thường tăng cao dịp cuối năm, nhất là một tuần làm việc trước kỳ nghỉ Tết, khi người lao động, công nhân được chi lương, thưởng. Do đó, tình trạng hết tiền, nghẽn mạng là khó tránh. Hiện các ngân hàng cũng đang triển khai nhiều phương án chống nghẽn.
Đại diện Trung tâm Thẻ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết ngân hàng đã hướng dẫn các chi nhánh chủ động theo dõi hoạt động của hệ thống dịp Tết Nguyên đán, đảm bảo chất lượng, an ninh, an toàn của hệ thống thẻ. Cụ thể là duy trì hoạt động hệ thống; tăng cường công tác chăm sóc điểm đặt máy ATM; bảo đảm tiếp quỹ kịp thời phục vụ nhu cầu giao dịch của người dân; bố trí cán bộ trực theo dõi hoạt động ATM trong các ngày nghỉ Tết… BIDV cũng thường xuyên kiểm tra giám sát ATM chống lắp đặt thiết bị sao chép, trộm cắp thông tin thẻ, đồng thời rà soát xử lý các tra soát, khiếu nại đúng hạn.
Xử lý nghiêm hoạt động mua bán tiền lẻ
"Chủ động xử lý kịp thời các tình huống xảy ra khi nhu cầu rút tiền lớn tập trung vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán. Báo cáo UBND tỉnh, thành phố và phối hợp với các sở, ban, ngành tại địa phương để kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái quy định của pháp luật gây ảnh hưởng xấu đến tình hình lưu thông tiền tệ, hình ảnh của VNĐ. Kịp thời xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp máy ATM thiếu tiền, không hoạt động do lỗi chủ quan của ngân hàng" – công điện của Thống đốc nêu.
Ngăn chặn tội phạm thẻ
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Cục Công nghệ thông tin phối hợp với các cơ quan an ninh tăng cường biện pháp phòng, chống tội phạm trong hoạt động thanh toán điện tử và thông tin mạng. Vụ Thanh toán chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống thanh toán ATM nhằm phát hiện, cảnh báo và kịp thời ngăn chặn, giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra.