Sẻ chia cho trót để chuyến xe luôn vui vẻ, đẹp lòng đôi bên

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 08:00 22/10/2019
Chia sẻ

Thời buổi 4.0, không ít người sáng đi làm bằng xe ôm công nghệ, trưa đặt đồ ăn, xế gọi thức uống qua app, tối gọi xe “đi đu đưa” cùng chúng bạn rồi thong dong cậy mấy anh tài xế chở về nhà.

Những câu chuyện xanh

Câu chuyện phiếm hàng ngày giờ cũng thấp thoáng bóng áo xanh lá của tài xế công nghệ. Người kể có lần đang đi giữa đường thì đau bụng quằn quại, tài xế lập tức chở vào bệnh viện, chăm sóc nhiệt tình như người thân; người mấy ngày sau còn cười tủm tỉm với câu chuyện hài hước của anh tài…

Dường như ai cũng có thể kể những câu chuyện nho nhỏ liên quan tới ứng dụng kết nối này. Vô số chuyện vui vẻ, ấm lòng, nhưng cũng có vài phiền toái, khó chịu.

Lan: Lần nào gấp thì y như rằng gặp anh tài xế siêu sống chậm. Mình trễ giờ học rồi mà anh ấy cứ từ từ thư thả, làm mình như ngồi trên đống lửa.

Hồng: Còn tôi thì mỗi khi không gấp lại gặp tài xế phóng vù vù, tim muốn rớt ra ngoài. May mà anh ấy không vượt đèn đỏ hay leo lề.

Hùng: Nhà tôi ở Bình Chánh, ban ngày thì không sao nhưng cứ tối tối thì gọi xe về nhà cực khó. Kì thị vùng xa hay gì?

Mai: Đã giận người yêu phải đặt Grab, mà tài xế cứ hỏi bạn trai đâu không đưa em về. Ủa, anh không muốn chở tôi hay gì? Ai cũng có xế riêng thì khách hàng đâu ra cho các anh? Duyên dáng thế!

Phương: Tôi đi công chuyện, lần đầu đến khu này. Tài xế không nhìn bản đồ trên app mà cứ đi 200 mét lại hỏi đường, tôi biết đâu mà chỉ.

Sẻ chia cho trót để chuyến xe luôn vui vẻ, đẹp lòng đôi bên - Ảnh 1.

Ở cùng một vũ trụ…

Tôi vừa xong cuốc xe với một cô, chạy chưa tới 40 km/h mà bị chấm 3 sao, khách phản hồi tài xế đi nhanh quá trong khi chở phụ nữ có thai. Trời ạ, trông cô ấy nhỏ nhắn, tôi làm sao biết cổ có bầu?

Rút kinh nghiệm nên cuốc xe sau, thấy một chị mặc đầm rộng, tôi nghĩ cũng bầu bí nên chạy rề rề cho chắc ăn.

Giờ cao điểm, khách nào cũng hối đi gấp. Lâu ngày tôi quen luôn, cứ tới giờ đường đông là auto luồn lách để đưa khách đi nhanh kẻo lỡ việc.

Buổi tối, tôi hạn chế chở khách đi vùng ven vắng người, nhất là khi người đón là nam. Nhiều lúc cũng thấy có lỗi với khách, nhưng nghĩ tới những vụ án gần đây mà rợn người.

Nhiều khách thích nói chuyện cho đỡ ngán chuyến đi dài. Tôi cũng vui tính, thích giao lưu nên cứ hỏi han. Đôi khi sợ mình vô duyên làm khách phật lòng, chỉ mong khách hiểu tôi không bao giờ cố ý.

Tôi mới chạy xe, không rành đường. Lúc đầu cũng theo bản đồ mà đi, nhưng khách chỉ đi đường tắt nhanh hơn. Dần dần quen, tôi thường nhờ khách chỉ đường.

Muốn gì thì phải nói, như đói là gọi GrabFood

Chuyện không có gì to tát, chỉ cần một câu nói ngắn cho đối phương biết mình cần gì thì êm xuôi hết.

Nhưng tại sao không bên nào lên tiếng, để rồi ấm ức mãi?

Vì đường sá ồn ào, cơ thể mỏi mệt khiến ta không buồn mở miệng.

Vì quá bận đắm chìm trong suy nghĩ cá nhân.

Vì mặc định nét lơ ngơ của mình đã ghi luôn chữ "không biết đường" lên mặt, bụng to váy rộng thì ai cũng nhận ra bà bầu…

Quan trọng hơn hết, vì ngại chuyện trò với người chưa quen.

Sẻ chia cho trót để chuyến xe luôn vui vẻ, đẹp lòng đôi bên - Ảnh 2.

Hiện tượng trên không chỉ bó hẹp trong tình huống đặt xe tại Việt Nam. Một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Anh năm 2018 cho thấy những người Anh 18 – 24 tuổi ít nói chuyện với hàng xóm hơn 20 lần so với người trên 55 tuổi; và 47% thích đeo tai nghe khi sử dụng phương tiện công cộng.

Ở Mỹ, khảo sát của One Poll năm 2017 trên 2.000 thanh niên cũng đưa kết quả: 65% người trẻ không tự tin khi giao tiếp trực diện với người khác.

Thế hệ Z (sinh sau năm 1997) và Millennials (sinh năm 1981 – 1996) kết nối dễ dàng với thế giới, nhưng thấy khó khăn khi đối thoại với người ngồi ngay trước mặt.

Nghịch lý tương tự: ứng dụng gọi xe là sản phẩm thành công của nền kinh tế chia sẻ (sharing economy), với bản chất khai thác tài nguyên sẵn có của người dùng kết hợp cùng các yếu tố công nghệ, nhưng đôi khi những người tham gia lại thiếu sẻ chia với nhau vài lời nói.

Cứ im im thì đến cha mẹ, người yêu còn khó lòng "đoán mò" ý muốn của ta, huống chi tài xế mới chỉ gặp vài phút trước. Nào có phải tâm sự sâu kín gì, chỉ chuyện "vật lý" như tốc độ, đường đi thôi, sao ta cứ "ôm rơm nặng bụng"?

Chi bằng đã tham gia kinh tế chia sẻ, thì hãy sẻ chia cho trót, nói thẳng điều bạn muốn để các anh tài xế công nghệ biết mà chiều, cho đôi bên cùng vui vẻ, thoải mái.

Xin mượn lời Thanh nói với Tâm trong phim "Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi" để kết lại bài viết này: "Anh thích gì hay muốn gì thì anh phải nói ra" và "Mình không thể thay đổi người khác, nhưng mình có thể nói chuyện mà". 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày