Sẽ càng hay nếu Ngô Thanh Vân "cắn răng" cắt các nhân vật và điểm sạn này ở "Hai Phượng"

JC, Theo Helino 19:25 28/02/2019

Để lại dấu ấn mạnh mẽ với các phân cảnh hành động, "Hai Phượng" của Ngô Thanh Vân lẽ ra sẽ còn hay hơn nữa nếu cắt bỏ đi những chi tiết thừa thãi trong bộ phim.

Trong tất cả các bộ phim Ngô Thanh Vân từng sản xuất, Hai Phượng là tác phẩm chỉn chu và "được lòng" công chúng nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên không thể phủ nhận việc Hai Phượng có một kịch bản khá lỏng lẻo, ngay cả khi NSX cố "nhồi nhét" 7 phân cảnh hành động mãn nhãn, thì yếu tố câu chuyện - "drama" trong hành trình tìm lại bé Mai (Cát Vi) của Hai Phượng (Ngô Thanh Vân) còn mờ nhạt.

Sẽ càng hay nếu Ngô Thanh Vân cắn răng cắt các nhân vật và điểm sạn này ở Hai Phượng - Ảnh 1.

Hai Phượng thừa mứa với 7 phân cảnh hành động, nhưng lại thiếu đi một câu chuyện logic.

Việc xuất hiện một số nhân vật sau đây thậm chí còn làm khán giả hoang mang hơn, không biết ý đồ của biên kịch là gì khi mang những nhân vật này lên phim mà không giải quyết, hoặc giải quyết nhưng không cụ thể, trong mạch truyện "đánh nhanh thắng lẹ" của Hai Phượng đang cố tìm cách cứu con gái mình khỏi bọn buôn người man rợ.

Sẽ càng hay nếu Ngô Thanh Vân cắn răng cắt các nhân vật và điểm sạn này ở Hai Phượng - Ảnh 2.

1. Tại sao phải cố "nhét hài" vào một bộ phim hành động như Hai Phượng?

Biết là giữa 7 phân cảnh hành động nghẹt thở, Hai Phượng cần có những giây phút thả lỏng cho khán giả. Vậy nên NSX để dành ra vài phút "quý báu" của bộ phim cho sự xuất hiện của y tá (Lê Trang). Tuy nhiên, tình tiết này càng cho thấy rõ yếu điểm của kịch bản Hai Phượng, thay vì giữ nhịp phim căng như dây đàn từ đầu đến cuối cho khán giả, Hai Phượng chọn cách "thư giãn" cho người xem bằng những tràng cười nhạt nhoà và dễ dãi.

Sẽ càng hay nếu Ngô Thanh Vân cắn răng cắt các nhân vật và điểm sạn này ở Hai Phượng - Ảnh 3.

Lẽ ra Hai Phượng phải quyết liệt hơn ở tình tiết này, nếu đã để cho vai diễn của Ngô Thanh Vân bất chấp mọi thứ để cứu bé Mai, thì hãy để cô ta tự có chủ ý đe doạ y tá và làm chuyện này thật nghiêm túc. Tiếng cười giữa 7 phân cảnh hành động đoạn này là không cần thiết.

2. Anh ruột và chị dâu đang bầu của Hai Phượng

Từ đầu chí cuối, Hai Phượng được khắc hoạ là một tay giang hồ, chuyên đòi nợ thuê ở vùng quê nhỏ. Việc gặp lại "đàn em" nay đã thành chị đại tại vũ trường là đã đủ để khắc hoạ quá khứ "oanh liệt" của Hai Phượng, chẳng thể ngờ biên kịch bộ phim còn "tham chi tiết" muốn làm rõ hơn chuyện nhà của Hai Phượng bằng cách cho cô đi gặp lại người anh trai ruột mình. Với suy nghĩ khá "ngây thơ" là sẽ được ông chú đường sắt nào đó giúp đỡ, mà đâu ngờ ông ta chẳng còn khả năng để giúp đỡ.

Sẽ càng hay nếu Ngô Thanh Vân cắn răng cắt các nhân vật và điểm sạn này ở Hai Phượng - Ảnh 4.

Tuyến nhân vật gia đình của Hai Phượng khá thừa thải trong phim.

Sau đó, khán giả nghe được một màn tỉ tê dài lê thê của hai anh em về chuyện "bỏ nhà theo trai" của chị Hai Phượng cách đây nhiều năm. Ai nấy trong rạp đều nghĩ không sớm thì muộn, "ông anh trai ruột" sẽ ra tay tương trợ, giúp đỡ cô em cứu lấy cháu mình. Ngờ đâu ánh mắt "nguy hiểm" ở cuối cảnh gặp Hai Phượng của người anh này chẳng có công dụng gì thêm cả?

3. "Flash back" quá nhiều!

Trong một bộ phim hành động "nặng đô" như Hai Phượng, việc sử dụng quá nhiều chi tiết "flash back" (hồi tưởng về quá khứ) tạo nên cảm giác thừa thải, thậm chí khá "quê mùa", bởi xu hướng làm phim hiện đại, đạo diễn càng hạn chế để nhân vật của mình liên tưởng về quá khứ càng tốt. Tất cả đều có thể sử dụng thoại, tình huống hiện tại là người xem thừa sức hiểu phông nền quá khứ của nhân vật.

Sẽ càng hay nếu Ngô Thanh Vân cắn răng cắt các nhân vật và điểm sạn này ở Hai Phượng - Ảnh 5.

Mỗi lần bị giang hồ đánh gục, nhờ "flash back" mà Hai Phượng lại căng sức chiến đấu.

Chính vì có quá nhiều "flash back", đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc khán giả của Hai Phượng cảm giác bộ phim này khá rời rạc.

Tạm kết

Sẽ rất khó để tạo nên một công thức chung, chuẩn mực cho bất kì bộ phim nào. Ngay cả với Hai Phượng cũng vậy, sẽ có người cho rằng cô y tá duyên dáng, hay nhớ là người cha với slogan "nỗi sợ chỉ là cảm giác" là cần thiết. Tuy nhiên, Hai Phượng vốn dĩ là một bộ phim hành động, lại được coi là cột mốc đánh dấu sự nghiệp làm "đả nữ" của Ngô Thanh Vân. Lẽ ra "mẹ Cám" không nên thoả thuận với những tình tiết "bánh bèo" này, Hai Phượng có lẽ đã trọn vẹn hơn.

Sẽ càng hay nếu Ngô Thanh Vân cắn răng cắt các nhân vật và điểm sạn này ở Hai Phượng - Ảnh 6.

Lẽ ra Ngô Thanh Vân nên làm kịch bản Hai Phượng "chắc nịch" hơn như những đòn đánh của cô trong phim.

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nhân vật nào nên bị cắt nhất Hai Phượng?

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Hai Phượng đang được chiếu trên các rạp toàn quốc.